Quảng Bình: "Hò thuốc cá" được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể

Tiến Thành

(Dân trí) - Bộ VH-TT&DL đã công nhận "Hò Thuốc cá" và "Lễ hội trỉa lúa của người Bru-Vân Kiều" là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đến nay, Quảng Bình đã có 6 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Thông tin từ Sở Văn hóa và Thể thao Quảng Bình cho biết, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) vừa ký 2 quyết định công nhận 2 Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia tại Quảng Bình.

Cụ thể, Bộ VH-TT&DL đưa "Hò thuốc cá", huyện Minh Hóa (thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, tri thức dân gian) và "Lễ hội trỉa lúa của người Bru-Vân Kiều", xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh (thuộc loại hình lễ hội truyền thống) vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Quảng Bình: Hò thuốc cá được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể - 1

"Hò thuốc cá" huyện Minh Hóa thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, tri thức dân gian.

Hò thuốc ra đời bắt nguồn từ nghề thuốc cá tập thể khi giã, hoặc đâm nhỏ rễ cây "tèng" rồi chế thành thuốc thả xuống khe, suối để bắt cá. Hò thuốc có nhịp điệu linh hoạt, khẩn trương theo nhịp chày giã thuốc.

Ngày nay, hò thuốc được diễn xướng trong các cuộc hội hè, đình đám như lễ hội, đám cưới và cả khi ru con. Phần hò vẫn được diễn xuất như khi hò trong lao động chỉ khác động tác giã tèng được thay bằng nhịp vỗ tay của mọi người trong cuộc vui.

Quảng Bình: Hò thuốc cá được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể - 2

Lễ hội trỉa lúa (lấp lộ) của đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều ở xã Trường Sơn.

Còn Lễ hội trỉa lúa (lấp lộ) của đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều ở xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, diễn ra từ ngày 11 đến 14/7 âm lịch, lễ hội với ý nghĩa là trước khi đem hạt giống cất giữ trong gùi kín đáo hàng năm ra, trỉa xuống đất cầu mong thần trời, thần nước, thần rừng, thần núi giữ gìn bảo hộ cho sự sinh sôi nảy nở chắc hạt nặng bông có ngày thu hoạch. Dân bản xin thần ban cho hạt giống được mọc lên cây lúa, cây ngô, cây đỗ... khỏe mạnh, xanh tươi, không cho chim chóc, muông thú phá hoại để có mùa màng bội thu người dân bản no ấm.

Được biết, đến thời điểm hiện tại, tỉnh Quảng Bình đã có 6 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Các di sản đã góp phần tích cực trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của người dân Quảng Bình, thu hút sự quan tâm của du khách gần xa, góp phần phát triển du lịch.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm