Quán phở Việt của cặp vợ chồng trẻ tại Nhật Bản
(Dân trí) - Chỉ sau hai tháng chuyển sang Nhật sinh sống, vợ chồng chị Ngọc đã mở quán phở đầu tiên tại tỉnh Ibaraki. Hơn một năm sau, cặp vợ chồng trẻ này liều lĩnh mở thêm quán phở thứ 2 tại Thủ đô Tokyo.
Chị Nguyễn Bảo Ngọc (sinh năm 1984), hiện sinh sống ở thành phố Tsukuba, tỉnh Ibaraki, Nhật Bản. Năm 2018, gia đình chị chuyển từ Đức sang Nhật để làm việc, tại đây vợ chồng chị mở quán phở với mong muốn lan tỏa văn hóa ẩm thực Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
Chị Ngọc là người Hà Nội, sang Đức từ năm 14 tuổi. Vào những ngày cuối tuần, gia đình cô thường nấu phở, món ăn thân thuộc và đi sâu vào tiềm thức nên khi có ý định mở quán ăn, cô nghĩ đến phở đầu tiên.
Chị Bảo Ngọc cho biết, điều kiện để người nước ngoài mở quán ăn tại Nhật là phải có thị thực vĩnh trú. Theo quy định, người được cấp thị thực này phải có thời gian sống và làm việc tại Nhật Bản 10 năm trở lên.
Tuy nhiên, chồng cô là nhà khoa học ở Đức, được Chính phủ Nhật mời sang làm việc tại TP.Tsukuba và anh được cấp thị thực này.
Quán phở phục vụ khoảng 40 khách, khi mở quán thì chính quyền sẽ đến kiểm tra từ thiết kế đến vệ sinh, quán có tủ lạnh, đủ bồn rửa tay, máy nước nóng, đường cống thoát nước hoạt động bình thường không. Đặc biệt, toàn bộ tường bếp phải ốp vật liệu chống cháy.
Khi mọi thứ đạt yêu cầu họ mới cấp giấy phép kinh doanh. Thời gian cũng rất nhanh, chỉ mất khoảng vài tuần.
Tsukuba là một thành phố khoa học, có nhiều cơ sở giáo dục và thương mại, các văn phòng, viện thử nghiệm, viện nghiên cứu. Nơi này không đông đúc hay đắt đỏ như ở Tokyo nên vợ chồng chị Ngọc đã thuê được mặt bằng sau 2 tháng sang Nhật.
Hai vợ chồng chị mất khoảng 3 tuần để tự tay sửa sang quán, không thuê người làm. Đúng thời điểm đó, ở Nhật diễn ra Tuần lễ Vàng, đồng nghiệp của chồng cũng là nhà những nhà nghiên cứu người Việt đang công tác ở đây được nghỉ nên đến giúp sức cho gia đình cô rất nhiệt tình. Để cảm ơn sự đóng góp của mọi người, chồng cô đặt tên quán là "Doctor Phở".
Ngày khai trương, vợ chồng chị Ngọc dậy từ đêm để nấu phở trong chiếc nồi gần 100 lít với khoảng 20 kg xương bò và 15 kg thịt.
"Mình đã nấu phở rất nhiều lần trong đời nhưng đây là lần đầu tiên nấu cho nhiều người ăn nên khá hồi hộp", chị Ngọc nhớ lại.
Thời điểm mở quán là khoảng 2 tháng sau khi gia đình chị Ngọc chuyển từ Đức sang Nhật sống nên cô không biết nhiều tiếng Nhật, mới chỉ kịp học chào, cảm ơn và số đếm để tính tiền cho khách. Vừa mở quán, mọi người đã xếp hàng dài để chờ thưởng thức.
"Dù đã có 3 nhân viên phục vụ và phân chia công việc rõ ràng, nhưng mọi thứ vẫn náo loạn lên vì quá tải. Rất may cuối cùng mọi việc diễn ra suôn sẻ, nhìn khách xếp hàng chờ để ăn phở làm mình rất vui. Ngày hôm đó, mình bán được hàng trăm bát phở", chị Ngọc cho biết thêm.
Để nấu tô phở ngon đúng điệu, chị Ngọc nhập phần lớn gia vị từ Việt Nam sang Nhật, như: Nước mắm, thảo quả, quế, hồi… và cả bánh phở khô. Cứ 2-3 tháng, chị lại nhập nguyên liệu một lần.
Thịt bò ở Nhật có giá khá cao nên chị Ngọc thay thế bằng thịt bò Mỹ. Riêng với nước dùng, cô chủ người Việt thấy tâm đắc nhất vì chọn được loại xương ngon để nấu. Cô cho biết, xương bò tại Nhật sạch, trắng và có mùi thơm, chỉ cần rửa sạch rồi nấu sôi thì nồi nước dùng đã ngon và có rất ít bọt.
Mới đầu, bát phở có cả thịt bò chín và tái nhưng thấy người Nhật không thích ăn thịt tái nên chị Ngọc quyết định bỏ luôn. Bên cạnh phở bò chín, quán còn phục vụ cả bún gà, bún bò Huế, sốt vang, bún nem, cơm thịt nướng, bún chả Hà Nội, nem rán, bánh mì. Buổi tối còn có một số món ăn vặt, món nhậu như bánh xèo, nem chua rán…
Tháng 9/2020, vợ chồng chị Ngọc liều lĩnh mở thêm quán phở Việt thứ 2 ở giữa trung tâm của Thủ đô Tokyo (Nhật Bản), nằm bên dòng sông xanh thơ mộng. Cùng năm ấy, chị Ngọc còn đầu tư thêm 1 chiếc xe foodtruck bán phở tại trung tâm và trường đại học.
"Mình quyết định mở thêm cơ sở trong mùa dịch vì muốn nắm cơ hội để quán phở Việt có mặt ở một trong những thành phố đắt đỏ, sầm uất nhất thế giới. Vì để tìm được mặt bằng ở Tokyo rất khó, nên khi có cơ hội mình nắm bắt luôn", chị Ngọc nói.
Suốt 3 năm mở quán phở, chị Ngọc có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Đó là vị khách đến ăn phở mặc một chiếc áo màu đỏ, trên đó in dòng chữ "Tôi yêu Hà Nội". Vị khách xin chụp ảnh cùng chị và nói "Tôi rất yêu Việt Nam, hương vị của món phở khiến tôi nhớ Hà Nội".
Qua ẩm thực, con người dễ dàng kết nối với nhau hơn và không có sự phân biệt. Chị Ngọc cũng cho biết thêm, người Nhật rất thân thiện, thỉnh thoảng họ còn mang rau thơm, khoai, chanh… đến quán để tặng gia đình chị.
Chị Ngọc cho biết, khi dịch Covid-19 bùng phát, lượng khách đến ăn phở giảm sút vì người dân được khuyến cáo hạn chế đi ra ngoài khi không cần thiết. Chính quyền yêu cầu phải đóng cửa quán sau 8 giờ tối, không được phục vụ đồ uống có cồn, ngồi giãn cách 2m và phải lắp vách ngăn.
Một quán phở nhỏ nhưng ở đó, chị Ngọc có cơ hội được kết bạn với nhiều người, thậm chí có khách hàng đã trở thành bạn thân của gia đình chị sau khi ăn phở.
"Có lẽ trong tương lai sẽ còn thêm nhiều quán "Doctor Phở" nữa ra đời, hoặc không có quán nào. Nhưng điều quan trọng là niềm vui mỗi khi khách hàng đến ăn khen ngon, cảm ơn người đầu bếp và các thành viên của quán.
Còn với mình, một cô gái chưa từng phải vào bếp nấu nướng dọn dẹp, giờ trong mơ cũng có thể đọc vanh vách công thức nấu từng món phở, bún và có thể ăn phở cả năm không biết chán", chị Ngọc trải lòng.