Quán cà phê "nhỏ mà có võ", thiết kế đẹp như tranh "hút" khách check-in
(Dân trí) - Mặc dù có diện tích khiêm tốn nhưng quán cà phê vẫn được thiết kế đẹp bất ngờ, tạo chốn thư giãn lý tưởng cho du khách và cả người qua đường. Đây cũng là nơi ngắm ngọn núi Phú Sĩ độc đáo ở Nhật Bản.
Thành phố Fujiyoshida nằm ở tỉnh Yamanashi (Nhật Bản) được biết đến là thành phố gần với núi Phú Sĩ nhất. Ngọn núi hùng vĩ có thể được nhìn thấy từ khắp mọi nơi và đặc biệt là Đại lộ Honcho-dori. Đây cũng được xem như tâm điểm sự chú ý của giới truyền thông, nơi có thể nhìn lên núi Phú Sĩ bằng một góc độ hoàn hảo.
Thành phố này từng nổi tiếng là trung tâm của ngành công nghiệp dệt may suốt 1.000 năm, nhất là sự bùng nổ của công nghiệp thời trang cho đến những năm 1970. Tuy nhiên, sau này, sự phát triển nơi đây bắt đầu suy giảm. Con phố mua sắm thịnh vượng một thời giờ gần như vắng bóng người và rải rác vài cửa hàng đã đóng cửa.
Giữa khung cảnh ấy, quán cà phê Kiss Lemon mọc lên như điểm sáng cho cả khu đại lộ, mang đến niềm hy vọng, lạc quan cho một cộng đồng vốn sôi động từ xưa. Về lâu dài, ở đây, các doanh nghiệp mới sẽ phát triển bằng cách tận dụng các ngành công nghiệp truyền thống của địa phương và quảng bá thực phẩm địa phương. Còn các ngôi nhà và cửa hàng bỏ trống sẽ được tân trang lại và hấp dẫn du khách bằng những ý tưởng truyền thông thú vị.
Quan trọng nhất, nếu quán cà phê thành công đi vào hoạt động sẽ là minh chứng điển hình về việc tái sử dụng nhà trống trong cộng đồng địa phương, từ đó khuyến khích và truyền cảm hứng cho các hoạt động khác như khai trương cửa hàng mới, gia tăng dân số từ nội đô về ngoại ô,... và hồi sinh cả một khu vực tưởng chừng đã "lụi tàn".
Quán cà phê được thiết kế sáng tạo với nhiều tính năng mới mẻ dù diện tích chỉ rộng 82m2. Nhóm kiến trúc sư quyết định bổ sung thêm hai cấu trúc đặc biệt giống như sân khấu để làm nơi tổ chức các hoạt động, sự kiện khác nhau, giống như tái hiện lại các trích đoạn của cuộc sống thường ngày hay trình bày những khoảnh khắc vốn chỉ thấy trên phim.
Cấu trúc đầu tiên được đặt ở phía trước quán, đối diện với Đại lộ Honcho-dori. Để gia cố nền móng của ngôi nhà, sàn nhà được nâng lên khoảng 40cm so với đường phố. Sau đó, đội ngũ thi công đặt một cấu trúc khung đối xứng với chiều rộng 7.28m và chiều cao 2.4m trên sàn cao để làm cho nó giống như một sân khấu biểu diễn.
Những hoạt động thường ngày diễn ra bên trong không gian cà phê này được người qua đường nhìn nhận như một bộ phim và họ là những khán giả xem phim. Lối thiết kế này cũng tạo ra một khoảng lùi giữa mặt tiền quán với đường phố, làm nơi dừng chân cho du khách nếu cần.
Đại lộ Honcho-dori tương đối hẹp nhưng tấp nập xe hơi và xe tải lớn. Khu vực phía trước được nâng cao tạo khoảng cách cắt ngang với con phố sầm uất để khách vào bên trong có cảm giác an toàn và thư thái hơn. Chiều cao của khu vực dưới mái hiên bằng chiều cao của một chiếc ghế. Đây là một nơi thích hợp để người dân địa phương và khách du lịch đang tản bộ trong khu vực có thể ngồi xuống để thư giãn, nghỉ ngơi.
Cấu trúc thứ hai là khu vực bếp mở chiếm một nửa diện tích sàn và một quầy được nâng lên. Nó được thiết kế để cho phép thực khách thoải mái chứng kiến những gì đang diễn ra trong bếp từ mọi phía. Điều này góp phần làm tăng sự tương tác và kết nối giữa khách hàng với nhân viên.
Tấm polycarbonate treo trên trần nhà có chức năng giống như một tấm phản xạ, phân bổ ánh sáng khắp không gian cà phê.
Chất liệu và hình dạng của quầy pha chế khá đơn giản nhằm làm nổi bật sự tương tác giữa nhân viên phục vụ và khách hàng. Nhóm kiến trúc sư mong muốn, quán cà phê sẽ mang lại nguồn năng lượng tích cực và sôi động cho mọi người, góp phần tạo sức sống mãnh liệt cho đường phố và khu vực trong tương lai.
Hệ cửa kính cỡ lớn sát trần bao bọc mặt tiền có tác dụng lấy sáng hiệu quả, đồng thời mở rộng tầm nhìn ra cảnh quan con phố bên ngoài.
Tuy hạn chế về mặt diện tích nhưng nhờ thiết kế tinh tế mà không gian cà phê vẫn thoáng sáng và đẹp mắt bất ngờ. Điểm nhấn của quán chính là bức tranh khổ lớn vẽ hình ngọn núi Phú Sĩ, đặt ở chính giữa để dễ dàng thu hút ánh nhìn của cả những người qua đường.