Phục chế thành công Bác chung, Đặc khánh đã thất truyền

(Dân trí) - Trong dịp Festival Huế 2012 vừa diễn ra, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế (tỉnh TT-Huế) đã tiếp nhận Bác chung và Đặc khánh - nhạc cụ quan trọng trong dàn Nhã nhạc thời Nguyễn do Hàn Quốc hỗ trợ phục chế.

Bác chung là Chuông lớn cùng với Đặc khánh tức Khánh lớn là 2 nhạc cụ vô cùng quan trọng trong dàn Nhã nhạc Cung đình Huế vào thời các vua Nguyễn (từ 1802-1945). Đây là những nhạc cụ đã thất truyền về kỹ thuật chế tác và cách thức trình tấu từ đầu thế kỷ 20.

Từ tháng 10/2011 đến tháng 4/2012, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã hợp tác với Trung tâm Nghệ thuật Biểu diễn Truyền thống Quốc gia Hàn Quốc (NGC) nghiên cứu và phục chế Bác chung và Đặc khánh nhằm góp phần hoàn thiện biên chế dàn Nhã nhạc của triều Nguyễn.

Phục chế thành công Bác chung, Đặc khánh đã thất truyền
Tiếp nhận Bác chung (Ảnh: Nam Giao)

Việc hỗ trợ phục chế diễn ra tại Huế bằng nguyên vật liệu và phương thức chế tác truyền thống của Việt Nam dưới sự hướng dẫn về kỹ thuật chỉnh âm của các chuyên gia nghiên cứu và nghệ nhân chế tác nhạc cụ âm nhạc truyền thống Hàn Quốc. Quá trình phục chế mất tổng kinh phí là 14.000 USD. Tại buổi lễ, đại diện các bên cùng nhiều chuyên gia về Nhã nhạc đã đánh thử Bác chung, Đặc khánh thì âm thanh vang lên rất hay và chuẩn, như các Bác chung và Đặc khánh xưa kia.

Phục chế thành công Bác chung, Đặc khánh đã thất truyền
Và Đặc khánh (ảnh : Nam Giao)

Được biết, từ tháng 7-12/2010, hai đơn vị đã phối hợp thực hiện nhiều hoạt động về sưu tầm, nghiên cứu tư liệu lịch sử và những hiện vật còn lại của các loại nhạc cụ trong dàn Nhã nhạc Huế hiện còn ở Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Sau đó, đã cùng nhau phục chế một bộ Biên chung (gồm 12 chuông đồng) và một bộ Biên khánh (gồm 12 khánh đá). Việc phục chế đã được thực hiện thành công hoàn toàn bằng nguyên vật liệu và phương thức chế tác truyền thống của Việt Nam, địa điểm thực hiện là ngay tại TP Huế, với tổng kinh phí khoảng hơn 20.000 USD.

Đặc biệt, việc chỉnh âm các nhạc cụ qua 2 lần đều do nghệ nhân phục chế nhạc cụ truyền thống của Hàn Quốc, ông Kim Hyun Kon và ông Hoàng Trọng Trọng ở Huế thực hiện. Theo kế hoạch hợp tác giữa hai bên trong thời gian tới, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế sẽ tiếp tục phục chế thêm một bộ Biên chung Biên khánh trong năm 2012 để đưa vào sử dụng thường xuyên trong các lễ lế Xã Tắc và tế Nam Giao.

Phục chế thành công Bác chung, Đặc khánh đã thất truyền
12 khánh đá (Biên khánh) và chiếc Khánh lớn (Đặc khánh) vừa được phục chế thành công (Ảnh: Nam Giao)

Nhã nhạc - Âm nhạc Cung đình Việt Nam đã được UNESCO công nhận là Kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại và là Di sản văn hóa Phi vật thể đại diện của thế giới năm 2003. Nhạc tế lễ Jongmyo của Hàn Quốc cũng đã được công nhận là là Kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại vào năm 2001. Như vậy, Nhã nhạc Cung đình của Hàn Quốc và Việt Nam đều đã được biết đến trên toàn thế giới.

Thế nhưng, ở Việt Nam, một số nhạc cụ trong hệ thống diễn tấu Nhã nhạc Cung đình Huế như bộ Biên Chung, Biên Khánh, Bác Chung, Đặc Khánh chỉ còn lại những di vật; cách chế tác cũng như cách diễn tấu đã bị thất truyền. Nhưng thật may mắn, Hàn Quốc là đất nước duy nhất ở Đông Á vẫn còn lưu giữ được phương cách chế tác cũng như cách diễn tấu của Biên Chung, Biên Khánh, Bác Chung, Đặc Khánh.

Đại Dương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm