TP Huế:
Phu Văn Lâu tỏa vẻ đẹp rực rỡ trong đêm
(Dân trí) - Sau khi trùng tu xong, di tích Phu Văn Lâu nằm trên trục Dũng Đạo của cố đô Huế, nối Đàn Nam Giao, Nghênh Lương Đình, Kỳ Đài và Ngọ Môn theo một trục thẳng đã tỏa sáng rực rỡ.
Tối 1/9 tại Phu Văn Lâu (đường Lê Duẩn, TP Huế), Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tổ chức lễ khánh thành dự án tu bổ, phục hồi di tích Phu Văn Lâu. Qua thời gian hơn 1 năm, quá trình tu bổ do Trung tâm Triển khai Công nghệ xây dựng miền Trung (Viện KHCN Xây dựng) thi công đã hoàn tất đúng thời hạn.
Công trình đã được xây dựng nhà bao che, đánh dấu cấu kiện gỗ rồi hạ giải các thành phần kiến trúc gỗ và bê tông. Từ đó nghiên cứu đánh giá hiện trạng cấu kiện gỗ, đưa vào bảo quản trước khi thi công tu bổ phục hồi.
Đơn vị đã tu bổ, phục hồi các cấu kiện thuộc hệ khung gỗ; sàm mộng cấu kiện theo mực thước trước khi lắp dựng; phun thuốc chống nấm, chống mối, quét sơn ta bảo quản mộng, lỗ mộng và các bề mặt tiếp xúc cấu kiện gỗ đồng thời lập hàng rào chống mối quanh nền công trình. Phần nền công trình được giữ nguyên, chỉ hạ giải cục bộ những viên đá lát bị vỡ, tu bổ và lát lại theo đúng vị trí cũ.
Hệ thống chân tán được căn chỉnh, hệ khung và hệ mái được lắp dựng. Mái được lợp bằng ngói âm dương tráng men vàng, khóa đầu ngói bằng chi tiết đắp nổi gắn sành sứ hình hoa thị. Bờ nóc, bờ quyết được xây và đắp các họa tiết trang trí gắn sành sứ trên mái. Tiếp theo là thi công phần sơn thếp theo quy trình sơn son thếp bạc phủ hoàn kim truyền thống với hơn 13 lớp sơn và hom nó. Một hệ thống điện chiếu sáng ở nội thất và ngoại thất được lắp đặt để công trình “tỏa sáng” vào ban đêm.
Những đường nét cấu kiện và cả tòa lầu của Phu Văn Lâu trong đêm 1/9 đã tỏa hình hài đẹp rực rỡ, thu hút người dân, du khách đến chơi và chụp ảnh.
Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Phu Văn Lâu là một tòa lầu nằm trên trục Dũng Đạo của Kinh thành Huế, được xây dựng vào năm 1819 dưới thời vua Gia Long, là nơi niêm yết những chỉ dụ quan trọng của nhà vua và triều đình, hoặc kết quả các kỳ thi do triều đình tổ chức. Đến thời vua Minh Mạng, triều đình đã cho dựng phía trước Phu Văn Lâu hai tấm bia bằng đá Thanh, mỗi bia khắc bốn chữ “KHUYNH CÁI HẠ MÔ (nghĩa là: “Nghiêng lọng xuống ngựa”) để nhắc nhở mọi người khi đi qua đây phải tỏ lòng kính cẩn. Điều này thể hiện rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của công trình Phu Văn Lâu vào lúc bấy giờ.
Theo nguồn sử liệu thì có thể xác định Phu Văn Lâu đã trải qua ít nhất 8 giai đoạn xây dựng, tu sửa. Chính vì vậy, diện mạo Phu Văn Lâu đã có những thay đổi rõ nét qua từng thời kỳ. Sự tồn tại của công trình cho đến ngày hôm nay không chỉ chịu tác động của yếu tố ngoại cảnh mà còn phụ thuộc rất nhiều vào từng thời điểm lịch sử khác nhau. Bên cạnh đó, những yếu tố bất lợi về thời tiết đã làm cho công trình không ngừng xuống cấp nghiêm trọng. Điển hình là vào sáng sớm ngày 15/5/2014 đã xảy ra sự cố sạt đổ một góc mái phía sau công trình. Đây là nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động cộng đồng, tham quan vì vậy việc đảm bảo an toàn cũng như hoàn trả lại đầy đủ hình ảnh và chức năng vốn có của di tích là điều vô cùng cấp thiết.
Xuất phát từ những yêu cầu thực tiễn nêu trên, sau khi có những biện pháp chống đỡ tạm thời công trình, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã trình và được UBND tỉnh phê duyệt đầu tư theo Quyết định số 2154/QĐ-UBND ngày 23/10/2014 để trùng tu một cách tổng thể công trình Phu Văn Lâu với dự án gần 12 tỷ đồng. Đặc biệt hơn, trước thềm lễ hội Festival Huế 2016, công trình đã được phê duyệt bổ sung hạng mục điện chiếu sáng nghệ thuật nhằm tạo 1 điểm nhấn văn hóa cho cộng đồng và du khách vào buổi tối.
“Sau hơn một năm thực hiện, công trình nay đã hoàn thành Hình ảnh di tích Phu Văn Lâu trước mặt Kỳ Đài cùng dòng sông Hương thơ mộng lại một lần nữa được khắc họa sinh động, rõ nét, xứng đáng là tài sản văn hóa quí báu của cả nước và nhân loại. Đây là kết quả của quá trình nghiên cứu, làm việc hết sức nghiêm túc của tập thể cán bộ kỹ thuật Trung tâm. Đồng thời, đơn vị thi công đã đảm bảo được các yêu cầu kỹ thuật, quy trình thực hiện cũng như ứng xử một cách đúng đắn nhất trong nguyên tắc tu bổ, phục hồi.
Hôm nay, ngay tại đây, chúng ta rất tự hào khi một lần nữa đã bảo tồn, tu bổ và phục hồi thành công một công trình di tích mang ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Xét về phương diện kiến trúc, công trình có quy mô tương đối khiêm tốn. Tuy nhiên, dáng vẻ kiến trúc đó lại chứa đựng bên trong những giá trị văn hóa đặc sắc. Cùng với Ngọ Môn, Kỳ Đài và Nghênh Lương Đình, Phu Văn Lâu đã và đang là một trong những biểu trưng hết sức ý nghĩa của thành phố Huế. Sau khi được tu bổ phục hồi hoàn chỉnh, di tích này tiếp tục sẽ là nơi diễn ra các hoạt động, lễ hội quan trọng, phục vụ nhu cầu thưởng thức văn hóa tinh thần của nhân dân. Thông qua đó, công tác khai thác, phát huy giá trị di tích sẽ được nâng cao, từng bước góp phần đem lại hiệu quả kinh tế xã hội và nâng tầm giá trị di sản Cố đô Huế” - TS. Phan Thanh Hải nhấn mạnh.
Những hình ảnh của 1 Phu Văn Lâu sau khi tu bổ:
Đại Dương