Phú Quang ra đi: Trời Hà Nội đã tắt một vì sao!
(Dân trí) - Nếu có ai hỏi tôi rằng, nhạc sĩ nào có nhiều bài hát hay nhất về Hà Nội, chắc chắn tôi sẽ trả lời, một trong số những người ấy là nhạc sĩ Phú Quang.
Nhạc sĩ Phú Quang tên thật là Nguyễn Phú Quang, sinh 13/10/1949 tại Hải Phòng. Ông là người gốc Hà Nội, có nhà ở phố Khâm Thiên là nơi đã bị B52 rải thảm trong 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không năm 1972, về sau người ta đã dựng lên một tượng đài kỉ niệm tội ác chiến tranh của giặc Mỹ ngay trên mảnh đất ngôi nhà của ông.
Ông qua đời vào 8h45 ngày 8/12/2021 tại Bệnh viện Việt Xô, sau gần 2 năm trị bệnh, được chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện.
Sau ngày Giải phóng thủ đô 1954, lúc ông lên 5 tuổi, cả nhà đã chuyển từ Hải Phòng lên Hà Nội. Năm 1986, khi 37 tuổi, ông chuyển vào TPHCM sinh sống và làm việc tại Phòng ca múa nhạc, Sở Văn hóa - Thông tin TPHCM.
Năm 2004, nhạc sĩ Phú Quang thành lập Công ty Hỗ trợ và Phát triển Nghệ thuật Phú Quang. Đến năm 2008, khi ông 59 lại trở về sống và làm việc tại Hà Nội.
Những ca khúc "để đời" về Hà Nội
Nếu có ai hỏi tôi rằng, nhạc sĩ nào có nhiều bài hát hay nhất về Hà Nội, chắc chắn tôi sẽ trả lời, một trong số những người ấy là nhạc sĩ Phú Quang. Sẽ có nhiều cách lý giải cho điều ấy, nhưng chắc chắn căn cốt vẫn là một người rất yêu và nặng lòng với Hà Nội, vì nếu không có nó thì không thể nào viết nên những ca khúc để đời như thế.
Trong sự nghiệp sáng tác của mình cho đến nay, Phú Quang có tới 10 ca khúc hay về Hà Nội như: "Em ơi Hà Nội phố", "Lãng đãng chiều đông Hà Nội", "Chiều phủ Tây Hồ", "Mơ về nơi xa lắm", "Về lại phố xưa", "Hà Nội ngày trở về"...
Ca khúc "Lãng đãng chiều đông Hà Nội" do các ca sĩ Mỹ Linh, Thu Hà, Lệ Quyên thể hiện càng cho ta thấy mùa Thu Hà Nội rất đẹp song mùa Đông Hà Nội cũng đẹp không kém và còn pha chút đượm buồn không kém man mác.
Bằng một chất giọng trầm ấm, dễ khiến người khác phải rung động của các ca sĩ thể hiện khiến nỗi niềm hoài vọng của những ai đã từng sống ở Hà Nội và cũng đã từng chia xa nơi này.
Ca khúc "Mơ về nơi xa lắm" do các ca sĩ Ngọc Anh, Thái Bảo, Kasim Hoàng Vũ,... thể hiện, lại một lần nữa Hà Nội hiện lên trong âm nhạc của Phú Quang. Nhưng Hà Nội lần này lại hư hư thực thực, mờ mờ ảo ảo trong giấc mơ, vừa có nắng, có gió heo may khiến người nghe thẫn thờ, mong nhớ về những kỷ niệm xưa. Hà Nội không chỉ có cảnh đẹp nên thơ mà còn có những mối tình dang dở càng khiến người nghe thêm day dứt hơn.
Ca khúc "Nỗi nhớ mùa đông" như một lời trách cứ ngậm ngùi nhưng cũng thật đáng yêu. Phú Quang mơ hồ cảm thấy một sự chia xa nào đấy khi một người Hà Nội gốc như ông lại phiêu bạt đến sống ở một nơi xa lạ. Cảm giác trống vắng ấy, như là một sự ruồng bỏ:
"Dường như ai đi ngang cửa
Gió mùa đông bắc tràn qua.
Chút lá thu vàng đã rụng
Chiều nay cũng bỏ ta đi
Nằm nghe xôn xao tiếng đời
Mà ngỡ ai đó nói cười
Bỗng nhớ cánh buồm xưa ấy
Giờ đây cũng bỏ ta đi"...
Đến ca khúc "Hà Nội ngày trở về" lại là một sự tái ngộ đầy bồi hồi, day dứt với nỗi nhớ mênh mang của một người đã đi xa nay được trở về quê cũ,…
Tuyệt phẩm về Hà Nội chỉ có ở Phú Quang
Có lẽ "Em ơi! Hà Nội phố!" là một trong số những ca khúc hiếm hoi của ông được nhiều ca sĩ có tên tuổi thể hiện nhất như: NSND Lê Dung, NSƯT Thanh Lam, Ngọc Tân, Bằng Kiều, Mỹ Linh, Hồng Nhung,..
"Em ơi, Hà Nội phố
Ta còn em mùi hoàng lan
Ta còn em mùi hoa sữa
Con đường vắng rì rào cơn mưa nhỏ
Ai đó chờ ai tóc xõa vai mềm
Ta còn em cây bàng mồ côi mùa đông
Ta còn em nóc phố mồ côi mùa đông
Mảnh trăng mồ côi mùa đông"...
"Em ơi! Hà Nội phố!" được nhạc Phú Quang phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của nhà thơ Phan Vũ. Đã là người Hà Nội không một ai ít nhất một lần đã được nghe và nhẩm lại vài câu trong ca khúc "Em ơi! Hà Nội phố!" của Phú Quang.
Nhạc sĩ không chuyển thể toàn bộ trường ca hay một chương, đoạn nào đó sang ca khúc của mình, cũng không đổi tên thi phẩm của nhà thơ Phan Vũ mà vẫn giữ nguyên tên trường ca.
Điều ấy chứng tỏ rằng, hoặc là nhạc sĩ Phú Quang rất trân trọng con người và thi phẩm của nhà thơ Phan Vũ, hoặc là nhạc sĩ thấy thi sĩ làm như vậy là quá hoàn hảo, mình không thể làm hơn, mà chỉ có thể "bớt" đi bằng cách tỉa gọt lấy những ý, hình tượng, ngôn ngữ... nào phù hợp nhất với cảm xúc và tư duy âm nhạc của mình.
Nếu một ai đó không hiểu rõ, chỉ nghe ca khúc hay chỉ đọc thơ, thì sẽ thắc mắc là thơ có trước hay nhạc có trước và tại sao lại có một ca khúc và một trường ca trùng tên nhau, mà cả hai cùng hay đến như vậy.
Xin thưa, đấy là một cái quái chiêu của nhạc sĩ Phú Quang.
Tìm được một bài thơ hay, thậm chí là bất hủ về Hà Nội của một bậc tài danh thơ như Phan Vũ, lại có những tâm sự, xúc cảm tương hợp với mình để chuyển thành ca khúc, thì để nguyên tên tác phẩm và tỉa gọt lấy những gì tinh túy nhất mà mình thích và cần cho nhạc phẩm của mình là một diệu kế.
Đấy không chỉ là một lời thầm cảm ơn, thán phục tài năng của bậc đàn anh, mà là một ứng xử rất văn hóa vốn có của người Hà thành.
Nếu đem đối chiếu lời của nhạc phẩm và nguyên tác thi phẩm, tôi nhận thấy tất cả chất lãng mạn, bồng bềnh, mà vẫn kín đáo, nhẹ nhàng mang cốt cách của người Hà Nội trong nguyên tác thi phẩm của Phan Vũ đã được nhạc sĩ Phú Quang "rút ruột" đưa vào nhạc phẩm của mình. Nhất là khi ta nghe bài hát "Em ơi! Hà Nội phố!" do cố NSND Lê Dung thể hiện thì mới ngấm hết được cái chất Hà Nội ở phía ấy.
Nhưng công bằng mà nói, cái mơ màng, bảng lảng cùng sự cô đơn của con người trong thời buổi chiến tranh loạn lạc ấy đã được nhạc sĩ Phú Quang thể hiện rất thành công, thậm chí còn có phần nâng lên về khía cạnh thẩm mỹ, do có sự hỗ trợ của âm thanh. Những suy tư về số phận con người đã được Phú Quang tung lên không gian mùa đông bao la mà u uất của Hà Nội, để rồi lắng đọng trong tâm trí bao người.
Nhưng những gì gồ ghề, sần sùi, chất liệu thô ráp từ đời sống thực của Hà Nội tháng Chạp cách đây hơn 49 năm về trước, những gì rất Phan Vũ trong thi tứ của "Em ơi! Hà Nội phố!", thì Phú Quang lại không thể nào thể hiện được trong nhạc phẩm của mình.
Nói đúng hơn, còn một nửa Phan Vũ khác mạnh bạo, gai góc và quyết liệt trong sự bươn chải cuộc sống cũng như trong sáng tạo nghệ thuật thì hiện vẫn còn lại trong thi phẩm "Em ơi! Hà Nội phố!" của Phan Vũ, mà nhạc sĩ Phú Quang không thể nào đưa được vào nhạc phẩm của mình. Có phải đấy chính là giới hạn cuối cùng giữa thơ và nhạc, khiến cho hai thể loại này cùng song song tồn tại?