Phong tục cưới hỏi của người Thái
(Dân trí) - Trong phong tục của người Thái ở vùng Tây Nam Nghệ An, khi đôi trai gái quen nhau, họ không được phép lang thang ngoài đường, mà chàng trai phải đến nhà cô gái.
“Khi mùa Xuân về, hạ đến, nhất là trong những đêm trăng thanh, gió mát, đến các Bản làng người Thái, bạn sẽ được nghe những câu ví, câu lăm gọi bạn tình của các chàng trai: "… Ơ Noọng ơi, nong tằm mẹ anh chăn đã chín/Chỉ ước có em về ươm tơ, kéo chỉ".
Sau những câu tỏ tình như vậy, các chàng trai tìm đến chơi nhà các cô gái. Và nếu phải lòng nhau, họ sẽ tìm ông mối đến nhà gái thưa chuyện, để cho họ nên đôi thành vợ, thành chồng.
Trong phong tục của người Thái ở vùng Tây Nam Nghệ An, khi đôi trai gái quen nhau, họ không được phép lang thang ngoài đường, mà chàng trai phải đến nhà cô gái. Nếu được phép của cha mẹ, họ được ngồi trong nhà trò chuyện. Và, tất nhiên cô gái hoặc đang dệt vải hay đang luồn tay thêu, may vá. Sau những đêm tỏ tình, nếu đã phải lòng nhau, chàng trai về nhà bảo cho cha mẹ biết, để tìm ông mối đứng ra thưa chuyện với nhà gái. Nếu được nhà gái cho phép, thì lễ ăn hỏi được tiến hành sau đó không lâu. Lễ vật cho cuộc đi chơi lần đầu tiên, thường nhà trai phải chuẩn bị trầu cau, rượu, bánh kẹo… tất cả các lễ vật đều phải con số chẵn như: 8-10 miếng trầu cau, hai chai rượu, hai cặp bánh.
Đón dâu về nhà.
Và, tất nhiên cả cha mẹ của chàng trai phải có mặt. Nếu mọi việc suôn sẻ, nhà gái đồng ý, cuộc đi chơi lần thứ hai sẽ được chuẩn bị công phu, thịnh soạn hơn. Lễ vật ăn hỏi bao gồm: một chum rượu cần, hai chai rượu trắng, 6 cặp bánh gói theo kiểu hình chóp, một đôi áo hoặc vải. Tất cả lễ vật được cho vào hai chiếc giỏ mây, quai giỏ được làm bằng vải Thổ cẩm rất đẹp, số người tham gia lễ hỏi cũng phải lựa chọn kỹ, số người phải chẵn và tất nhiên không thể thiếu cả vợ chồng ông, bà mối. Khi đến nhà gái, ông mối phải đứng ra thưa chuyện, thông báo lễ vật nhà trai mang đến cho họ nhà gái biết.
Sau khi kiểm lại lễ vật, nhà gái trao đổi với nhau, nếu thuận ý, nhà gái sẽ đứng ra tuyên bố từ nay chúng ta là thông gia. Không chỉ riêng hai nhà mà cả hai họ nội ngoại của hai bên đều là thông gia. Sau đó ông mối xin phép nhà gái cho nhà trai được chọn, xin ngày cưới. Ngược lại vì một lí do nào đó chưa tổ chức được lễ cưới, thì trong thời gian chờ cưới, hàng tháng nhà trai phải đến thăm nhà gái một lần. Và theo lễ tục thì trong những ngày này chính cô dâu là người vất vả nhất, vì phải chuẩn bị gối, chăn, đệm… đủ cho cha mẹ, anh em và cả ông bà mối. Khi tổ chức lễ cưới, nhà trai phải đến tại nhà gái trước ít nhất một ngày, để làm thủ tục nạp tài.
Lễ vật nạp tài bao gồm các khoản đó được thoả thuận từ trước, thường là: Hai chum rượu cần, một con lợn đen khoảng 30-40 kg, hai cái áo hoặc vải đủ may đôi áo đó, ba chiếc vũng bạc, để trao cho cô dâu hai vũng, cũn một vũng để trả công ơn nuôi dưỡng của mẹ cô dâu. Nhà trai mang lợn đến phải tự tay làm thịt, đêm đó nhà trai được nghỉ lại nơi họ nhà gái, đêm ấy cả hai họ ngồi uống rượu và hát đối đáp nhau bằng các làn điệu nhuôn, xuôi, lăm, khắp… rất ấm cúng. Tục người Thái tổ chức đưa dâu vào ban đêm, cô dâu phải về đến nhà chồng trước lúc trời sáng, họ giải thích rằng như vậy để không nhìn thấy nước mắt của mẹ, con khi phải cất bước theo chồng.
Khi cô dâu về đến cầu thang, được bố trí cho rửa chân trước khi bước lên sàn nhà. Khi đôi trẻ vào buồng cưới xong, nhà trai mở tiệc mừng dâu. Tất cả anh em, bà con thân thích nội ngoại sẽ mừng cho con, cháu dâu mới và không ngớt lới chúc cho đôi trẻ hạnh phúc bên nhau đến đầu bạc, răng long cũng không được rời nhau. Khi con gái đó có chồng rồi thì phải bài túc, không bao giờ được thả tóc nữa. Đây là điều phân biệt giữa các cô gái đã có chồng với các cô chưa có chồng! Luật tục đồng bào Thái quy định vợ chồng không được bỏ nhau.
Khi chẳng may ai đó bị chết, thì chồng hoặc vợ, nếu đi bước nữa phải coi con riêng của vợ, hay chồng như con đẻ của mình, không được phân biệt đối xử tệ bạc. Phong tục người Thái rất tôn trọng cha mẹ vợ và cha mẹ mối, hàng năm khi tết đến, vợ chồng phải có lễ đi tết ông bà mối. Khi có chuyện gỡ mắc mớ trong vợ chồng, hay hai gia đình, ông bà mối đứng ra làm trung tâm giải quyết ổn thoả.
Nguyễn Duy - Phùng Mùi