Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Lên án việc lợi dụng tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng để trục lợi
(Dân trí) - “Liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo, chúng ta trước hết đồng tình việc phản đối, lên án, đấu tranh chống mê tín dị đoan, chống lợi dụng tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng để trục lợi”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu trước Quốc hội.
Hôm nay (6/6), Quốc hội tiếp tục tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ tư về lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT&DL) Nguyễn Ngọc Thiện đã trả lời chất vấn và giải trình làm rõ thêm những nội dung thuộc nhóm vấn đề này.
“Vận động để loại bỏ dần những vấn đề tín ngưỡng không còn phù hợp”
Liên quan đến những câu hỏi về tín ngưỡng, tôn giáo, Phó Thủ tướng khẳng định: “Chúng ta trước hết bày tỏ sự đồng tình đối với việc phản đối, lên án, đấu tranh chống mê tín dị đoan, chống lợi dụng tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng để trục lợi. Các vi phạm cần được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, cũng phải hình dung vấn đề này không chỉ là câu chuyện pháp luật mà còn liên quan đến tuyên truyền, phổ biến, vận động, đặc biệt ở đây là vai trò của các tổ chức tôn giáo. Cần lưu ý chủ trương của Đảng và Nhà nước là tôn trọng tự do tín ngưỡng tôn giáo của mọi người dân và tạo điều kiện để các tôn giáo hoạt động đúng quy định của pháp luật, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những vấn đề tín ngưỡng không phù hợp thì vận động để loại bỏ dần”.
“Đại biểu Anh Trí kiến nghị một điều tôi rất tâm đắc, trước đây truyền thống ở vùng đồng bằng Bắc Bộ và cơ bản nhiều vùng là khi người chết thì địa táng, bây giờ vận động hoả táng. Đó là những thay đổi tích cực, chúng ta cũng kết hợp phật giáo và các tôn giáo cùng vận động. Mê tín dị đoan suy cho cùng là sự thiếu hiểu biết”, Phó Thủ tướng nhận định.
“Cần giáo dục về văn hoá, nâng cao dân trí để mọi người dân hiểu rằng hành vi này là đúng với tín ngưỡng truyền thống tốt đẹp của dân tộc, hành vi kia là không đúng, hành vi này trước đây đúng nhưng bây giờ không phù hợp với thế giới văn minh.
Những điều này đều cần sự phân tích có tình, có lí của những nhà nghiên cứu về tôn giáo, những người thực hành tôn giáo và đặc biệt là những người nghiên cứu về văn hoá. Chúng tôi đã yêu cầu Bộ VH, TT& DL cũng như các địa phương tăng cường nêu gương việc tốt, phù hợp, phân tích cặn kẽ trên góc độ văn hoá, gìn giữ phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Chuẩn bị đủ luận cứ để xem xét, xây dựng Luật tiếng Việt
Trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Thị Minh Hiền về khung pháp lý để bảo vệ và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: “Như đồng chí Bộ trưởng đã nói, chắc Bộ trưởng đã có văn bản trả lời cụ thể về các thuật ngữ, ở đây tôi hiểu rằng đại biểu có những khuyến nghị. Chúng tôi rất đồng tình, cần có khung pháp lý bảo vệ ngôn ngữ tiếng Việt và chuẩn hoá các khái niệm, quan niệm về văn hoá, đạo đức, nét đẹp truyền thống.
Thực ra chúng ta đã có khung pháp lý với rất nhiều các quy định, kể cả ở Luật, thậm chí là Hiến pháp. Các nghị định, thông tư, cộng với đó là các quy chế, hương ước mang tính cục bộ ở từng địa phương, cơ quan đều đã có. Có điều những quy định đó phải không ngừng hoàn thiện, bổ sung và có những thứ phải sửa đổi. Khi đã ban hành rồi, cần tổ chức thực hiện cho nghiêm và nếu có vi phạm thì xử lý”.
Trong chương trình soạn thảo sách giáo khoa mới, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GD&ĐT đặc biệt lưu ý vấn đề trong sáng của tiếng Việt (Ảnh: Hoài Nam).
“Thực tế tại kì họp thứ IV, đoàn đại biểu quốc hội Khánh Hoà đã đề nghị cần xem xét, ban hành Luật về tiếng Việt. Việc này, Bộ VH, TT&DL đã có văn bản trả lời. Chính phủ hết sức quan tâm và giao cho Viện Hàn lâm Khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam trong đó có Viện Ngôn ngữ nghiên cứu 10 đề tài cấp Bộ về các khía cạnh khác nhau để chuẩn bị cho luận cứ xem đến thời điểm chúng ta xây dựng Luật.
Chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo Bộ VH, TT&DL, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ GD&ĐT phối hợp và gần đây, rất nhiều hoạt động bảo vệ giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt đã được các cơ quan, tổ chức thực hiện. Trong chương trình soạn thảo sách giáo khoa mới, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GD&ĐT đặc biệt lưu ý vấn đề trong sáng của tiếng Việt...”, Phó Thủ tướng thông tin thêm.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) về vấn đề phát huy, bảo tồn các giá trị, di sản văn hoá cấp quốc gia, Phó Thủ tướng cho biết: “Thực tế ở Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2018, tỉnh có đề nghị TƯ cấp khẩn cấp 13 tỷ đồng để tu sửa khẩn cấp một số hạng mục đã bị xuống cấp nghiêm trọng nhưng do các quy định về đầu tư công cho nên Chính phủ sau khi lấy ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã có chỉ đạo, trước mắt tỉnh dùng ngân sách địa phương để tu sửa khẩn cấp và sau đó làm các đề án theo quy định của Luật Đầu tư công để đưa vào kế hoạch trung hạng. Việc này, cũng đề nghị Bộ VH, TT&DL, Bộ Khoa học-Đầu tư, Bộ Tài chính tiếp tục theo dõi”.
"Chúng ta có những chỉ tiêu xếp hạng rất thấp về du lịch"
Xung quanh thực trạng của ngành du lịch và phát triển du lịch, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời đại biểu Ngô Trung Thành (Đắk Lắk) về việc lợi dụng uy tín của các chi hội để tổ chức người đi tham quan giá rẻ.
“Tôi đồng tình với trả lời của Bộ trưởng. Nó cũng giống như hành vi bán hàng đa cấp. Mỗi người dân nên cảnh giác trước các chiêu trò lừa đảo. Chúng ta lưu ý, khi cho không hoặc rẻ hơn mức bình thường nên cảnh giác. Các tổ chức đoàn thể nên có cảnh giác và hướng dẫn để hội không bị lợi dụng. Ai bị lừa nên báo kịp thời cho các cơ quan chức năng để xử lý, phạt thật nặng. Nếu phạt nặng mà vẫn vi phạm thì phải xem xét để xử lý hình sự”.
Phó Thủ tướng cũng đề cập đến việc áp dụng công nghệ 4.0 vào phát triển du lịch. “Chúng tôi đã chỉ đạo Bộ VH, TT&DL làm một đề án tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm góp phần đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn”.
Phó Thủ tướng cũng đề cập đến việc áp dụng công nghệ 4.0 vào phát triển du lịch.
“Không nói đâu xa, các đại biểu có thể nhìn thấy việc áp dụng trí khôn nhân tạo, xử lý ngôn ngữ vào họp Quốc hội để các ý kiến đại biểu phát biểu được chuyển thành văn bản, các dịch vụ đó do các công ty dịch vụ công nghệ thông tin cung cấp, đằng sau đó là cả một chương trình Chính phủ chỉ đạo.
Về du lịch, chúng ta có thể ứng dụng 4.0 trong việc giới thiệu địa điểm, khách sạn,… để người dân và doanh nghiệp tự giới thiệu sản phẩm du lịch.
Xúc tiến việc thanh toán bằng công nghệ như: thanh toán qua điện thoại di động, số hoá các di sản: các bảo vật quốc gia, vật phẩm quý của các bảo tàng được số hoá để giới thiệu. Dùng phần mềm thuyết minh để khắc phục tình trạng thiếu hướng dẫn viên biết tiếng hiếm, dịch tự động”.
“Về du lịch, những câu hỏi của đại biểu Hưng là gợi ý cho ngành du lịch, đại biểu có nói về các xếp hạng của diễn đàn kinh tế thế giới, trong xếp hạng đó có rất nhiều tiêu chí cụ thể về môi trường kinh doanh, an toàn an ninh, vệ sinh và sức khoẻ, nhân lực và thị trường lao động, mức độ sẵn sàng công nghệ thông tin, mức độ ưu tiên cho ngành du lịch, mức độ cạnh tranh về giá, mức độ bền vững về môi trường,…
Chúng ta có những chỉ tiêu xếp hạng rất thấp, trong đó thấp nhất là bền vững về môi trường: chúng ta xếp thứ 128 trên thế giới... Môi trường có nhiều vấn đề từ nước thải cho đến bụi, độ che phủ rừng,… cơ bản đều thấp”, Phó Thủ tướng nói.
“Chúng ta cần có 2 giải pháp đột phá như Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã nói, tích cực cải thiện vệ sinh môi trường, nếp sống văn minh. Mỗi một người dân bằng hành vi thiết thực tham gia xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện.
Nhiều đại biểu Quốc hội và nhiều nơi góp ý chúng ta phải làm sao để khách quay lại nhiều hơn, điều đó rất đúng nhưng chúng ta cũng đừng quên trên thế giới có trên 7 tỷ người và những người có tiềm năng đi du lịch cũng mấy tỷ người. Chỉ cần chúng ta làm ra các sản phẩm mà mỗi người đến 1 lần thì chúng ta cũng đã có một thị trường lớn hơn rất nhiều”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phương Nhung