Phó An My và bốn giá đồng
(Dân trí) - Tối 22/8, <i>Bóng</i> - tác phẩm đối thoại giữa piano và chầu văn đã diễn ra tại Nhà Hát Lớn Hà Nội. Với những người đầu tiên xem chương trình, sự kết hợp giữa một nhạc cụ phương Tây với những di sản dân gian của Việt Nam không khỏi gây sự tò mò.
Sáu mươi phút với bốn giá đồng không phải là dài, sự kết hợp âm nhạc phương Tây với các nhạc cụ và âm nhạc dân gian cũng không phải là mới, nhưng tài năng của Phó An My và các bạn diễn cộng với một sự tính toán chặt chẽ trong sáng tác, bố cục sân khấu, ánh sáng và không gian đã biến buổi biểu diễn thành một đêm nhạc đáng nhớ không chỉ với những người trong giới mà còn cả những khán giả mê hát văn (trong số đó có nhiều người) chưa bao giờ bước chân vào “thánh đường” âm nhạc.
Từ sự uy nghiêm và huyền bí khi thỉnh mẫu, đến vẻ đẹp hào hoa của Ông Hoàng bảy và mười hai cô tiên, cho đến vẻ đẹp mê hồn của cô Bơ và những xúc cảm vừa huyền bí đến lạnh người vừa tưng bừng, tinh nghịch của Cậu bé đồi ngang (Phó An My đã từng có cảm giác một cậu bé người âm chạy vụt qua sân khấu khi cô tập luyện phần này), tất cả được truyền tới người xem một cách hoàn hảo qua “cô đồng” Phó An My.
Phần mở đầu mang đậm chất huyền bí với những nốt nhạc mạnh mẽ và không dễ nghe với phong cách cận đại. Sang đến phần Ông Hoàng bảy thì phong cách âm nhạc đã trở về lãng mạn khiến người nghe chìm trong khoan khoái, đặc biệt là phần đối thoại đầy mầu sắc giữa cây piano và những đoạn hát miêu tả mười hai cô tiên theo ông Hoàng bảy. Đây chính là phần đối thoại rõ nét nhất khi hình ảnh của mỗi nhân vật sau khi đã xuất hiện trong lời hát chầu văn được hoàn nguyên qua những nốt nhạc piano khi khoan thai, lúc dìu dặt.
Không gian sân khấu được xử lý khéo với ba cung văn được đưa lên giá cao hơn 3 mét ngự trị và bao quát toàn sân khấu, rất gần với cách bài trí phủ điện của đạo mẫu, sàn diễn được phủ thảm đen khiến không gian càng trở nên thăm thẳm, cuối cùng, chỉ vần một vài luồng sáng rọi từ trên xuống ngay lập tức đã tạo nên một cảm giác tâm linh rõ rệt. Trong toàn bộ phần mở đầu Nghinh Thần và giá một Mẫu cửu trùng thiên, một cảm giác âng ấng mơ hồ xâm chiếm toàn bộ khán phòng. Bốn chiếc áo hầu đồng được hạ từ trên xuống trong màn khói đã trở thành một món quà cho cánh báo ảnh đang ẩn hiện khắp khán phòng.
Ánh sáng trong đêm diễn được nhiếp ảnh gia Xuân Trường - người đảm nhận phần thiết kế sân khấu và đạo diễn ánh sáng - xử lý một cách hợp lý. Trong chương trình: cung văn, dàn nhạc, phó An My đều không di chuyển, chọn ánh sáng sáng vàng mộc mạc sẽ giúp người xem tập trung hơn vào âm nhạc mà không bị phân tán sự chú ý, theo lời anh chia sẻ.
Các nhà tổ chức chương trình cũng sản xuất một DVD tư liệu giúp khán giả có thể hiểu hơn về tác phẩm và quá trình dựng show cũng như thưởng thức toàn bộ show diễn đã được tổ chức tại Rạp Công nhân trước đó.
Cuộc đối thoại đã có thể hoàn hảo hơn khi trong phần đối thoại ở giá Ông Hoàng Bảy, ánh sáng được di chuyển luân phiên giữa cây piano và cung văn chứ không chỉ tập trung vào piano. Âm lượng quá lớn ở đoạn kết đã phần nào làm mất đi sự hòa hợp cần thiết khi tất cả các nhạc cụ và người hát cùng lên tiếng.
Nguyễn Đình Thành