Phim Việt “vứt” tiếng cười, loại chân dài… để xoáy vào nỗi đau thương

(Dân trí) - 3 phim Việt vừa chọn những ngày cuối tháng 3 để ra mắt là “Dạ cổ hoài lang”, “Lô tô” và “Cha cõng con” đều đã “vứt” tiếng cười sang một bên để xoáy vào cuộc sống của những mảnh đời khốn khổ, người mang thân phận đặc biệt trong xã hội.

3 bộ phim đều nói về những thân phận người

Nếu trước đây, các nhà sản xuất phải cố “bám” vào tiếng cười tức là sự hài hước để kéo khách đến với rạp chiếu thì nay xu hướng đó đã dịch chuyển. Cụ thể, 3 bộ phim vừa chọn ra mắt vào những ngày cuối tháng 3 vừa qua đều mang đến cho người xem những cảm xúc trĩu nặng về thân phận và cuộc đời.

“Dạ cổ hoài lang” là một dự án điện ảnh được đạo diễn Nguyễn Quang Dũng bắt tay vào thực hiện từ cuối năm 2015 tại Canada. Phim được chuyển thể từ vở kịch nổi tiếng “Dạ cổ hoài lang” với sự góp mặt của các diễn viên: Hoài Linh, Chí Tài, Thanh Hoàng, Ngọc Hiệp, Đình Hiếu, Will 365, Oanh Kiều…

Dạ cổ hoài lang gây thổn thức với những khắc khoải của hai người già nơi xứ người. Ảnh: TL.
"Dạ cổ hoài lang" gây thổn thức với những khắc khoải của hai người già nơi xứ người. Ảnh: TL.

Phim xoay quanh hai người đàn ông lớn tuổi là Tư Lành và Năm Triều. Cả hai đều chơi thân với nhau từ nhỏ, đều buộc phải xa quê hương theo con sang sinh sống ở nước ngoài. Tuy nhiên, khoảng cách thế hệ và sự khác biệt về văn hoá đã khiến cho họ không thể hoà nhập được với cuộc sống nơi quê người. Họ phải chịu bao đkhắc khoải trong tâm hồn và mang nặng mỗi nỗi niềm hoài hương. Cái kết buồn của phim và nỗi khắc khoải của hai nhân vật chính trong phim chính là yếu tố khiến người xem không cầm được nước mắt.

“Lô tô” là phim đầu tay của đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh với sự tham gia của NSƯT Hữu Châu, Bình Minh, Huỳnh Lập, Hài Triều, Minh Dũng... Phim lấy cảm hứng từ bộ phim tài liệu từng gây sốt năm 2015 “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” để kể về những mảnh đời đồng tính, sống “trôi sông lạc chợ” cùng gánh hát lô tô mang tên Phù Hoa.

Dù chọn đề tài đồng tính nhưng phim không lạm dụng việc xây dựng nhân vật õng ẹo, những câu nói đồng bóng, chi tiết thô thiển để gây cười… mà hé lộ về những góc khuất đầy ấm áp phía sau cuộc sống thăng trầm của những người thuộc thế giới thứ 3 làm nghề sổ số lô tô. Phim không đi đến tận cùng số phận bi kịch của người đồng tính, cũng không truyền tải những triết lý cao siêu… nhưng lại gây xúc động lòng người bởi cái tình của những con người mang thân phận đặc biệt trong xã hội.

Tương tự, “Cha cõng con” của đạo diễn Lương Đình Dũng, một bộ phim mà chưa ra mắt đã gây sốt khi được chọn trình chiếu trong rất nhiều liên hoan phim quốc tế có tiếng trên thế giới. Dàn diễn viên nhí tham gia phim là những cô bé, cậu bé mồ côi trong làng trẻ SOS và nhân vật đóng vai cha cũng là một người mới chạm ngõ điện ảnh lần thứ 2.

Lô tô có cả tiếng cười, có cả nước mắt... nhưng hơn hết là cái tình của những người mang thân phận đặc biệt. Ảnh: TL.
"Lô tô" có cả tiếng cười, có cả nước mắt... nhưng hơn hết là cái tình của những người mang thân phận đặc biệt. Ảnh: TL.

“Cha cõng con” là một câu chuyện giản dị kể về tình cha con ở một vùng hẻo lánh của miền núi cao. Cá (nhân vật chính) mồ côi mẹ từ nhỏ nên sống cùng cha trong một cái chòi cũ nát bên bờ sông. Cha của cá là Mộc hàng ngày đi đánh cá trên sông để kiếm tiền cơm cháo qua ngày. Dù cuộc sống rất bần cùng, nghèo khổ… nhưng tình cha con luôn ấm áp và cậu bé luôn nuôi dưỡng trong mình những ước mơ về một vùng đất tràn ngập ánh sáng. Biến cố đã xảy ra khi Cá bị bệnh máu trắng, người cha vì muốn cứu con nên đã đem những đồng tiền lẻ gom góp được đưa con về thành phố chữa bệnh.

Tiền hết, bệnh viện trả về… nhưng người cha vẫn không quên nuôi hy vọng cho con bằng cách cõng con trèo qua hàng trăm bậc cầu thang của một toà cao ốc để con được một lần chạm tay đến ước mơ. Phim không có cao trao, không có kịch tính… nhưng lại chạm đến lương tri của người xem bởi tình yêu và hy vọng.

Tình yêu thương, lòng bác ái vẫn luôn là giá trị cốt lõi

Đạo diễn Lương Đình Dũng tâm sự rằng, anh thấy phim ảnh đang bị thừa tiếng cười trong khi cuộc sống không chỉ có tiếng cười. Vì lẽ đó mà anh chọn một lối làm phim của riêng mình. Phim không đi vào khía cạnh giải trí mà phim gắn với những thổn thức của số phận. Đó là bức tranh chân thật về những con người bé nhỏ, kém may mắn trong xã hội mà ít người biết tới. Bộ phim khi xem xong sẽ khiến người xem suy nghĩ nhiều hơn nhưng lại sống tốt hơn.

Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh chia sẻ, anh không có dụng ý muốn dựng “Lô tô” thành một bộ phim nói về người đồng tính mà nói là số phận con người. Trong phim, chuyện tình yêu, giới tính, mưu sinh... chỉ mang tính làm nền. Điều cốt lõi chính là đạo diễn muốn “giải quyết thâm tình của một con người đặc biệt có số phận đặc biệt”. Mục đích của nam đạo diễn là muốn mọi người khi xem phim sẽ thấy điện ảnh không chỉ biết chạy theo tiếng cười, theo chân dài, theo những thứ phù phiếm… mà điện ảnh cũng như văn học, sẵn sàng đi đến tận cùng những màu tối sáng của cuộc sống. Bên cạnh đó, nam đạo diễn muốn khơi dậy mạnh mẽ hơn sự nhân văn trong mỗi con người, nhất là khi đứng trước những số phận và cuộc đời ngang trái.

Cha cõng con tác động mạnh đến lòng nhân ái đang bị rơi rụng trong xã hội. Ảnh: TL.
"Cha cõng con" tác động mạnh đến lòng nhân ái đang bị "rơi rụng" trong xã hội. Ảnh: TL.

“Dạ cổ hoài lang” cũng được xem là một lối đi mới của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng. Thay vì chọn những gương mặt “hot” trong làng showbiz và mang đến những câu chuyện giải trí phù hợp với giới trẻ như trước đây thì nay Nguyễn Quang Dũng lại đi sâu vào khai thác phận đời của những người lưu lạc nơi đất khách. Mảng đề tài này, dạng nhân vật này… trước nay vẫn mới chỉ được đề cập đến một cách điểm xuyết trong một vài phim tài liệu chứ chưa có trong điện ảnh. Mong muốn của nam đạo diễn là phim chạm được tới trái tim của những người trẻ, nhắc nhớ mọi người gìn giữ mối quan hệ với người thân như cha mẹ, ông bà mình.

Nhìn nhận về sự dịch chuyển của điện ảnh Việt thông qua bộ phim, vừa ra mắt, một nhà phê bình điện ảnh cho rằng, đây là một sự dịch chuyển hợp quy luật và trong tương lai sẽ có nhiều bộ phim như thế này. Đó là những bộ phim rất nhẹ nhàng, không “lên gân, lên cốt”, không sao xẹt… nhưng lại mang đến những thông điệp rất đỗi nhân văn. Chính những điều giản dị nhưng lại khắc khoải và chân thật về những số phận, mảnh đời, kiếp sống… sẽ đưa đến cho người xem những suy nghĩ nhân ái hơn. Và như thế là điện ảnh đang ngày càng đến gần với những giá trị “chân - thiện - mỹ”.

“Quy luật đó là quy luật tất yếu khi mà xã hội đang đầy rẫy những sự dửng dưng và vô cảm. Và hơn hết, tình yêu thương, lòng bác ái vẫn luôn là giá trị cối lõi của cuộc sống. Con người cứ mải chạy theo tiếng cười thì cũng chỉ mua vui được trong chốc lát mà thôi”, nhà phê bình điện ảnh này nói.

Hà Tùng Long