Phim Việt quá lố khi “lợi dụng” phần ngoại truyện để quảng cáo?
(Dân trí) - Phim Việt đua nhau thực hiện phần ngoại truyện để tri ân khán giả nhưng thực chất lại làm khán giả hoang mang hơn bởi kịch bản lỏng lẻo, nội dung khiên cưỡng và quảng cáo quá lố…
Ngoại truyện để tri ân khán giả hay quảng cáo?
Nếu trên thế giới, trào lưu “Crossover” trong phim ảnh đã quá quen thuộc với khán giả thì ở Việt Nam những điều này vẫn khá mới mẻ. “Crossover” cũng có thể hiểu là phần đan xen hoặc phần ngoại truyện… của một bộ phim dựa trên tác phẩm gốc đã có trước đó, giúp làm rõ và chi tiết hơn về một khía cạnh của tác phẩm gốc.
Gần đây, không ít phim Việt (Người phán xử, Cả một đời ân oán, Quỳnh búp bê…) đã liên tiếp thực hiện các phần phim ngoại truyện để tri ân khán giả với cách gọi “tiền truyện”. Dù gọi là “tiền truyện” nhưng phần phim này lại được phát sau khi bộ phim đã kết thúc và thường có thời lượng ngắn hơn rất nhiều so với một tập phim chính.
Tuy vậy, phần phim này vẫn khiến không ít khán giả háo hức mong chờ bởi nó sẽ giúp họ phần nào lí giải được những băn khoăn mà trong phần phim chính chưa đưa ra được câu trả lời, nhất là với những phim có kết mở.
Thậm chí, một bộ phim đã kết thúc cách đây khá lâu như “Phía trước là bầu trời” cũng được nhà sản xuất chủ động làm một phần ngoại truyện để giúp khán giả gặp lại những diễn viên đã làm nên sự thành công đình đám của phim.
Chỉ tiếc rằng, không phải bản “ngoại truyện” nào của phim Việt cũng tạo được hiệu ứng tốt. Nhiều phần ngoại truyện còn làm cho khán giả cảm thấy hoang mang hơn bởi kịch bản lỏng lẻo, nội dung khiên cưỡng và quảng cáo quá lố…
Phải kể đến đầu tiên chính là 4 tập phim “ngoại truyện” của "Người phán xử" được phát trên phần mềm giải trí của VTV hồi đầu tháng 9/2017 đã khiến cho khán giả tranh cãi nảy lửa bởi có quá nhiều cảnh bạo lực, cảnh hở hang và những lời thoại thô tục của nhân vật trong phim.
Không dừng lại ở đó, một số cảnh còn quảng cáo lộ liễu cho quán karaoke và một địa điểm giải trí ở Hạ Long. Thời lượng quảng cáo chiếm tới 1/5 tập phim khiến khán giả không khỏi bức xúc.
Tương tự, khán giả háo hức được đón xem phần ngoại của “Phía trước là bầu trời” sau 17 năm phát sóng bao nhiêu thì lại “chưng hửng” bấy nhiêu khi biết mình bị “lợi dụng”.
Phần ngoại truyện này thực chất là để quảng cáo cho một cuốn sách với cách xây dựng nội dung không thể rời rạc hơn được nữa dù các nhân vật chính xuất hiện trong phim là Hà Hương (Nguyệt), Thu Nga (Thương) và Kiều Anh (Nhung)... cùng với Việt Anh, Mạnh Trường và Hồng Đăng.
Phần ngoại truyện của “Cả một đời ân oán” dù có khá khẩm hơn khi đã xây dựng một kịch bản có phần tháo gỡ nút thắt trong phim nhưng cũng không tránh khỏi những hạt sạn đáng kể. Trong đó, đáng nói nhất chính là việc lồng ghép yếu tố quảng cáo dịch vụ cáp treo lên Fasipan đã khiến mạch phim bị đứt đoạn, thiếu tự nhiên... Thậm chí, có những đoạn Đăng (Mạnh Trường) còn thao thao bất tuyệt về dịch vụ này như thể đang thuyết trình về công trình.
Mới đây, phần ngoại truyện của “Quỳnh búp bê” lại một lần nữa dấy lên những bàn tán trái chiều khi xây dựng kịch bản dựa theo MV “Người hãy quên em đi” của Mỹ Tâm khiến cho người xem không hiểu thông điệp của phần ngoại truyện này là gì. Các cảnh phim đều chắp nối khiên cưỡng và rời rạc.
Việc đưa “Nguyệt thảo mai” của “Phía trước là bầu trời” vào phim càng làm cho sự khó hiểu tăng lên tột độ. Đó là chưa kể đến cảnh Nguyệt đưa cuốn sách quen thuộc (từng xuất hiện trong “Phía trước là bầu trời” ngoại truyện) phát cho các gái làng chơi trong xóm trọ của Thiên Thai không ăn nhập gì với mạch phim.
Quảng cáo lộ liễu khiến phần ngoại truyện mất đi tính nghệ thuật
Đạo diễn Dũng Nghệ cho rằng, hiện mới chỉ có các phim sản xuất khu vực phía Bắc là đang chuộng “mốt” làm phần ngoại truyện chứ các nhà sản xuất trong phía Nam chưa có ai bắt tay làm điều này. Và anh suy đoán mục đích của việc làm phần ngoại truyện là để truyền thông cho phần mềm giải trí nào đó.
“Ngoại truyện thường không gắn với nội dung chính của phim mà có thể hướng tới cộng đồng mạng, khán giả trẻ... Có thể họ bắt theo xu hướng đang nóng, theo thị hiếu giới trẻ và theo thời đại để gây chú... vì hiện nay trên mạng xã hội, những gì vui vẻ, hài hước, gây sốc... đều có lượng theo dõi rất khủng khiếp.
Tôi cũng không nghĩ đội ngũ sản xuất “non tay” mà là họ đang cố tình gây sốc để tạo sự chú ý. Còn những tay nghề đã tạo ra được những bộ phim như thế thì không thể có chuyện họ “non tay” được.
Riêng việc lồng quảng cáo vào sản phẩm phim ảnh thì dĩ nhiên không thể khiến cho sản phẩm ăn nhập với nội dung phim chính được mà sẽ có tình trạng gượng ép, khiên cưỡng, rời rạc... Dư luận họ lên tiếng âu cũng có cái lí của họ bởi trình độ dân trí bây giờ không phải “a-ma-tơ” như ngày xưa”, đạo diễn Dũng Nghệ nói.
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã - Trưởng BGK hạng mục phim Truyền hình giải thưởng Cánh diều 2018 cho biết, theo tôi thấy, trên thế giới, nhiều phần ngoại truyện của một số phim điện ảnh thậm chí còn “hot” hơn cả phim chính vì họ làm rất bài bản, còn Việt Nam thì ngược lại.
“Ai cũng hiểu phần ngoại truyện thường được thực hiện nhằm để quảng bá cho sản phẩm chính hoặc kéo dài “độ nóng” của phim chính. Nhưng ở Việt Nam, đôi khi phần ngoại là sự lắp ghép những cảnh bị cắt bỏ trong phim chính.
Mục đích của phần ngoại truyện đa phần là để câu khách và lồng các yếu tố quảng cáo. Chính lẽ đó mà nội dung rất rời rạc, chắp vá, lộn xộn... không có cấu tứ rõ ràng. Đôi khi, các nhãn hàng hoặc nhà tài trợ thao túng khiến nhà sản xuất buộc phải nghĩ cách để dạng phim này ra đời”, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã nói.
Theo nhà biên kịch này, việc phát sóng các phần ngoại truyện trên mạng xã hội càng khiến cho việc kiểm soát khó khăn hơn nhưng mức độ phổ cập lại rộng rãi hơn.
Đó là một sự nguy hiểm khôn lường bởi thông điệp về sự nhân văn, về tính giáo dục... trong các phần ngoại truyện thường bị đẩy xuống thành thứ yếu, mục đích mua vui/gây sốc để thu hút sự chú ý được đẩy lên cao. Và việc quảng cáo lộ liễu lại khiến cho phim mất đi tính nghệ thuật.
Khánh Toàn