Phim nóng Việt lên mạng có phạm luật?

“Căn hộ số 69”, bộ phim tự dán nhãn 18+ phát hành trên mạng đang gây xôn xao dư luận vừa qua có nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ quan quản lý điện ảnh?

Cảnh trong Căn hộ số 69

Cảnh trong "Căn hộ số 69"

Liên quan đến bộ phim sitcom 25 tập "Căn hộ số 69" với nội dung liên quan đến chuyện tình dục vừa được phát hành lần đầu tiên trên Youtube. Tuy mới chị được đưa lên mạng 1 tập (nhà sản xuất dự kiến tung ra mỗi tháng 1 tập) nhưng bộ phim đã nhận được rất nhiều phản hồi, đặc biệt liên quan đến những cảnh thô tục liên quan đến giới tính.

Sự xuất hiện của "Căn hộ số 69" trên mạng đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề quản lý nội dung phim phát hành trên mạng internet khi những bộ phim có nội dung nhạy cảm tìm cách lên mạng để né các cơ quan kiểm duyệt.

Do vấn đề phát hành phim trên mạng quá nóng và mới chỉ xuất hiện thời gian gần đây nên chưa được quy định trong Luật Điện ảnh. Vì vậy Cục Điện ảnh không có chức năng xử phạt mà chỉ có thể nêu ý kiến để các cơ quan chức năng vào cuộc.

Trả lời VietNamNet sáng 20/6, ông Đỗ Duy Anh, Cục Phó Cục Điện ảnh, cơ quan quản lý nhà nước về điện ảnh cho biết Cục đã có công văn gửi các cơ quan quản lý cho ý kiến về việc này. Hiện tại thanh tra Bộ TTTT và Bộ VHTTDL đã vào cuộc và sẽ sớm đưa ra hình thức xử lý.

Liên quan đến việc sản xuất và phát hành phim trên internet, cụ thể là trường hợp "Căn hộ số 69" tự gắn mác 18+, trong khi hệ thống phân loại phim Việt Nam mới chỉ quy định phim hạn chế khán giả dưới 16 tuổi, điều này có được Luật pháp cho phép?

Một cảnh trong phim

Một cảnh trong phim

Ông Đỗ Duy Anh cho hay: "Các tổ chức, cá nhân muốn sản xuất phim phải thông qua hãng phim có tư cách pháp nhân, nghĩa là có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phim do Cục Điện ảnh cấp. Phim muốn phổ biến phải được Hội đồng thẩm định phim thẩm định và tư vấn để Cục Điện ảnh cấp Giấy phép phổ biến phim.

Trong quá trình thẩm định, Hội đồng căn cứ vào nội dung phim để phân loại phim “Được phép phổ biến rộng rãi” hay “Cấm trẻ em dưới 16 tuổi” theo quy định tại Quyết định số 49/2008/QĐ-BVHTTDL Ban hành quy chế thẩm định phim và cấp giấy phép phổ biến phim ngày 9/7/2008 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Hiện nay, tại Việt Nam chưa có quy định phân loại phim 18+".

Thêm vào đó, Cục Điện ảnh cho biết với những bộ phim chưa được cấp phép phổ biến nhưng đã phổ biến ra công chúng, trong đó có hình thức đưa lên mạng internet là vi phạm Điều 50, 51 Luật Điện ảnh.

Cục cũng khẳng định đối với những tổ chức, cá nhân sản xuất phim mà không có tư cách pháp nhân hoặc phát hành phim khi chưa có giấy phép phổ biến của cơ quan quản lý có thẩm quyền là vi phạm quy định tại điều 49, 50, 51 Luật Điện ảnh và̀ sẽ bị xử lý theo theo quy định tại Điều 53 Luật Điện ảnh, Điều 21 Nghị định 54/2010/NĐ-CP. Các tổ chức cá nhân vi phạm các điều cấm theo quy định tại Điều 11 Luật Điện ảnh cũng là vi phạm quy định của pháp luật và sẽ bị xử lý.

VietNamNet đã đặt câu hỏi với ông Đỗ Duy Anh về việc sắp tới các cơ quan làm luật và quản lý nhà nước về điện ảnh có tính đến chuyện sẽ đưa vấn đề quản lý phim phát hành trên mạng vào Luật hay không. Ông Duy Anh cho biết cần có thêm nhiều thời gian để làm việc này. Trước mắt các cơ quan quản lý có thể ra các thông tư liên tịch để kiểm soát nội dung phim phát hành trên mạng.

Điều 11. Những hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh

1. Tuyên truyền chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

2. Tuyên truyền, kích động chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước; kích động bạo lực; truyền bá tư tưởng phản động, lối sống dâm ô, đồi trụy, hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục.

3. Tiết lộ bí mật của Đảng, Nhà nước; bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại; bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật.

4. Xuyên tạc sự thật lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, vĩ nhân, anh hùng dân tộc; vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân.

Điều 50. Hành vi vi phạm trong phát hành phim

1. Phát hành phim khi chưa có giấy phép phổ biến của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh hoặc chưa có quyết định phát sóng của Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam, Giám đốc đài phát thanh - truyền hình cấp tỉnh.

2. Phát hành phim sau khi có quyết định cấm phổ biến, tạm đình chỉ, đình chỉ, thu hồi, tịch thu, tiêu huỷ.

3. Phát hành băng phim, đĩa phim không dán nhãn kiểm soát của Bộ Văn hoá - Thông tin.

4. In sang, nhân bản phim để phát hành không có hợp đồng hoặc không theo đúng hợp đồng với chủ sở hữu phim.

5. Xuất khẩu phim chưa có giấy phép phổ biến của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh hoặc chưa có quyết định phát sóng của Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam.

6. Xuất khẩu băng phim, đĩa phim không dán nhãn kiểm soát của Bộ Văn hoá - Thông tin.

7. Nhập khẩu phim không đúng quy định tại các khoản 2, 3 và 5 Điều 30 của Luật này.

8. Cho thuê, bán phim lưu hành nội bộ.

9. Quản lý và sử dụng phim nhập khẩu phục vụ công tác nghiên cứu khoa học không đúng mục đích, cho người tham dự xem phim không đúng đối tượng.

Điều 51. Hành vi vi phạm trong phổ biến phim

1. Chiếu phim, phát sóng phim chưa có giấy phép phổ biến của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh hoặc chưa có quyết định phát sóng của Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam, Giám đốc đài phát thanh - truyền hình cấp tỉnh.

2. Chiếu phim, phát sóng phim đã có quyết định cấm phổ biến, tạm đình chỉ, đình chỉ, thu hồi, tịch thu, tiêu huỷ.

3. Rạp chiếu phim không đủ tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Văn hoá - Thông tin.

4. Cho phép trẻ em vào rạp chiếu phim để xem loại phim cấm trẻ em.

5. Không thực hiện đúng quy định của Chính phủ về tỷ lệ số buổi chiếu, thời lượng, giờ chiếu phim, phát sóng phim Việt Nam; thời lượng và giờ chiếu phim, phát sóng phim cho trẻ em.

Điều 53. Xử lý vi phạm pháp luật về điện ảnh

Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động điện ảnh thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

 
 
Theo Hoàng Vy
VietNamNet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm