Phim "Cơm tối" của nữ đạo diễn trẻ góp mặt tại nhiều giải quốc tế
(Dân trí) - Mùa liên hoan phim năm nay, Việt Nam vinh dự có một đại diện góp mặt tại nhiều giải quốc tế uy tín, đó là tác phẩm "Cơm tối" của đạo diễn trẻ Linh Trần.
Cơm tối đã và đang được chiếu tại các liên hoan phim quốc tế như: Dublin International Film Festival (Ireland), One Country, One Film Apchat-Issoire International Film Festival (Pháp), Cordillera International Film Festival , Bushwick Film Festival và the Academy Awards Qualifying Indy Shorts International Film Festival (Mỹ).
Dù thời lượng chỉ kéo dài 10 phút, Cơm tối được chăm chút tỉ mỉ từ khâu kịch bản đến hình ảnh, và có sự tham gia của diễn viên, NSƯT Hoa Thúy (từng tham gia phim Cảnh sát hình sự, Chuyện của Pao, Bi, Đừng sợ) và diễn viên, NSƯT Hồ Phong (từng đóng Cảnh sát hình sự, Đất và Người, Bí mật Tam giác vàng).
Cơm tối là câu chuyện được kể lại dựa trên một ký ức có thật của đạo diễn, và cũng là của nhiều gia đình hiện đại.
Với một phim ngắn chắc tay, càng ấn tượng hơn khi được biết đạo diễn Linh Trần còn rất trẻ. Linh Trần tên đầy đủ là Trần Lê Mỹ Linh (SN 1994, lớn lên ở thành phố Hà Tĩnh. Tốt nghiệp xong cấp 3, Linh Trần đi du học ở Mỹ.
Linh Trần tốt nghiệp đại học năm 2017 ở Mỹ với bằng cử nhân ngành nghiên cứu điện ảnh, và tiếp tục lấy bằng thạc sĩ nghệ thuật ngành phim, môn đạo diễn năm 2020 tại đây. Linh Trần hiện đang làm việc và sinh sống tại Chicago.
Phóng viên Dân trí có cuộc trò chuyện ngắn với đạo diễn Linh Trần:
Linh Trần đã đến với phim như thế nào?
Linh từ hồi bé đã xem nhiều phim truyền hình và điện ảnh. Còn nhớ hồi bé tí, khoảng 4, 5 tuổi gì đó, bố Linh thỉnh thoảng vẫn thuê băng về, hai bố con xem cùng nhau, chủ yếu là phim Đài Loan và Hồng Kông. Nhưng Linh dường như không biết mình yêu phim cho đến khi lên đại học và bắt đầu tham gia dựng và diễn một số vở kịch sân khấu. Sân khấu và điện ảnh có một mối liên quan khăng khít, từ đó mình học hỏi nhiều hơn và bắt đầu làm phim.
Trong quá trình làm phim, điều gì khiến Linh Trần tâm đắc nhất?
Linh nghĩ điều Linh quý nhất trong giai đoạn làm Cơm tối là cơ hội được gặp gỡ và làm việc với ekip và diễn viên của mình. Hầu hết mọi người trong đoàn đều là những người đi trước, họ có vô vàn kinh nghiệm để mình học hỏi. Quan sát anh chị em làm việc, Linh cảm thấy may mắn khi họ ở đây để giúp mình hoàn thành những điều Linh mong muốn cho bộ phim.
"Cơm tối" kể câu chuyện một cậu bé mới lớn phát hiện ra bố mình ngoại tình. Ngoại tình là chủ đề rất quen thuộc trong phim ảnh, còn với "Cơm tối" được khai thác về chủ đề này theo cách nào?
Thay vì kể câu chuyện từ cái nhìn của những người trong cuộc về vấn đề ngoại tình, Cơm tối khai thác đề tài này từ góc nhìn của con trẻ. Thực sự, ngoại tình không phải là chủ đề chính của phim, mà nó chỉ là một tình huống được dùng để nói lên rằng lòng tin và tâm hồn của con trẻ có thể mang một vết sẹo rất sâu do người lớn tạo ra, mặc dù người lớn nghĩ trẻ con thì không biết gì. Trong Cơm tối, việc ông bố có thật sự ngoại tình hay không, không phải là điều quan trọng nhất. Quan trọng nhất là những trải nghiệm tiêu cực của đứa trẻ.
Trong kể chuyện, những yếu tố nào là quan trọng nhất với Linh Trần?
Theo Linh thì kể chuyện là một môn nghệ thuật khó làm tốt, để làm thế nào mà người làm phim không bắt ép khán giả phải hiểu và cảm nhận câu chuyện theo một cách nhất định. Điều quan trọng nhất trong làm phim đối với Linh là mình làm như thế nào để khán giả được tự do cảm nhận một câu chuyện dựa vào những trải nghiệm cá nhân của riêng họ. Linh rất chú trọng vào khung hình, và luôn cố gắng tạo ra những khung hình không chỉ nhìn đẹp mà còn hiệu quả trong việc đặc tả các mối quan hệ giữa các nhân vật và những chi tiết của câu chuyện. Ngoài ra, bối cảnh đối với Linh cũng cực kỳ quan trọng. Trong Cơm tối, khu tập thể đóng một phần không nhỏ, Linh coi nó là một trong những nhân vật của phim.
Dự án tiếp theo của Linh Trần là gì?
Hiện Linh đang trong giai đoạn nước rút hoàn thành một phim dài ít kinh phí. Linh và ekip rất mong sẽ xong vào đầu năm sau. Bên cạnh đó Linh cũng đang viết và lên ý tưởng cho một số kịch bản với bối cảnh ở Việt Nam.
Xin cảm ơn Linh Trần về cuộc trò chuyện!