Phim “Bão qua làng” bị tố đạo kịch bản

“Bão qua làng” là bộ phim truyền hình dài 30 tập, được phát sóng trên VTV1 từ ngày 24/7, do NSƯT Quốc Trọng - Lê Mạnh làm đạo diễn. Đây được xem là bộ phim phản ánh một cách khá tươi mới những mâu thuẫn nội tại phía sau làng quê Việt Nam thời hiện đại.

Tuy nhiên, bộ phim này bị người viết kịch bản Nguyễn Văn Vỹ tố là đã “đạo” ý tưởng kịch bản của mình.

Một cảnh trong phim “Bão qua làng”.

Một cảnh trong phim “Bão qua làng”.

Xem trailer đã biết bị “đạo”?

Ông Nguyễn Văn Vỹ (Thiên Vỹ) từng là tác giả kịch bản của các bộ phim truyền hình “Phóng viên thử việc”, “Rừng chắn cát”... Ông Vỹ chia sẻ, năm 2008, ông có gửi đến Phòng Nội dung 1, Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) một bộ hồ sơ bao gồm: Ý tưởng, tóm tắt truyện phim, đặc điểm tính cách nhân vật, tóm tắt mỗi tập phim và cuối cùng là kịch bản chính thức bộ phim “Xóm trưởng” do ông viết. Thời điểm đó, ông Vỹ làm việc với nhà văn Thùy Linh nhưng khi kịch bản hoàn thành thì nhà văn Thùy Linh chuyển sang làm Phó giám đốc VFC nên mới giao kịch bản lại cho phòng Nội dung 1 đọc và người nhận trực tiếp là nhà văn Phạm Ngọc Tiến.

Bẵng đi một thời gian, ông Vỹ thấy trên truyền hình xuất hiện bộ phim “Bão qua làng” do nhà biên kịch Xuân Trường - Khánh Trình đứng tên tác giả kịch bản. Bộ phim này, từ bối cảnh diễn ra ở một vùng nông thôn với câu chuyện bắt đầu từ việc bầu cử Trưởng thôn làng Đợi đều rất giống kịch bản “Xóm trưởng” của ông Vỹ. “Tôi đã thấy “ớn lạnh” khi xem trailer quảng cáo chỉ vài phút chứ không đợi đến khi xem vài tập mới có cảm giác phim của mình đã bị “ăn cắp” ý tưởng. Sau đó, tôi xem lại một mạch trên mạng và nhận ra rằng kịch bản của mình bị xào lại một cách phũ phàng. Có một cái gì đó đau mà rất sâu chứ không phải tiếc vì mình không được hưởng nhuận bút hay ghi tên vào Generic. Cái đó giống như là đứa con tinh thần của mình thay hình đổi dạng, nó không còn thuần chất của thứ mình đã làm ra. Đó chính là niềm ngậm ngùi của người viết văn, viết kịch bản”, ông Vỹ ngậm ngùi.

Theo ông Vỹ , về ý tưởng và cách vào đề cho đến triển khai của kịch bản “Bão qua làng” đều giống đến hơn 80 % kịch bản “Xóm trưởng”. Kịch bản của ông Vỹ viết phản ánh một cách đa diện và nhiều vấn đề kịch có tính liên tục. Bên cạnh những câu chuyện chính luận rõ ràng thì còn khai thác tâm tư đời sống ở nông thôn hiện đại như: chuyện sinh viên thất nghiệp về quê, tâm lý của họ và gia đình họ khi dồn sức cho con em ăn học. Những tâm tư tình cảm của người dân trước các vấn nạn tham nhũng và những chính sách thiếu phù hợp với địa phương. Câu chuyện về đời sống thực ngoài chức quyền và tiền bạc của những cán bộ địa phương tha hóa...

Còn kịch bản “Bão qua làng” trong 12 tập đầu thì sự việc tiến triển quá chậm, thiếu tình tiết, sự kiện. Các bối cảnh trong phim này cũng copy từ kịch bản do ông Vỹ viết như câu chuyện diễn ra ở thôn với một số hộ gia đình, UBND xã, một số nơi gặp gỡ của cán bộ xã với những cấp trên. Và đặc biệt ngay cả bối cảnh một hộ gia đình làm kinh tế VAC đầu làng cũng y nguyên kịch bản của ông Vỹ.

Gửi đơn cầu cứu vì chưa được trả lời thỏa đáng

Tác giả Nguyễn Văn Vỹ (Thiên Vỹ) trò chuyện với phóng viên. Ảnh: HTL

Tác giả Nguyễn Văn Vỹ (Thiên Vỹ) trò chuyện với phóng viên. Ảnh: HTL

Sau khi cho rằng mình bị “đạo” ý tưởng kịch bản, ông Vỹ có liên lạc với đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc VFC. Đạo diễn Đỗ Thanh Hải đã tiếp nhận sự phản ánh và hẹn sẽ xác minh rồi trả lời vào hôm sau. Tuy nhiên, sau khoảng 5 ngày, đạo diễn Đỗ Thanh Hải có gửi mail cho ông Vỹ với nội dung: “VFC khi mua kịch bản đã có hợp đồng ghi rõ phân trách nhiệm bản quyền cho tác giả nên em hãy làm việc trực tiếp với biên kịch Xuân Trường”.

Tác giả Xuân Trường sau đó có gửi mail cho ông Vỹ giải trình về sự trùng ý tưởng và nhấn mạnh “nếu cần thì mời Vỹ đến VFC để nói chuyện”. “Bản thân tôi không liên lạc lại với anh Xuân Trường vì tôi không biết anh. Thứ hai tôi cũng không có gì để nói vì mọi thứ cần nói là ở văn bản của hai kịch bản và những người liên quan chứ không phải đi cãi nhau giữa hai người đang trong diện “nghi vấn”. Ngoài những điều đã nói trên, VFC chưa có một lời mời hay yêu cầu chính thức nào với tôi đến làm việc”, ông Vỹ nói.

Ngày 12/8 vừa qua, ông Vỹ có gửi đơn cầu cứu Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam nhưng đến nay mọi việc vẫn chìm trong im lặng. Ngày 4/9, ông Vỹ lại tiếp tục gửi thêm 2 lá đơn đến Ban Kiểm tra VTV và Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam và hiện cũng chưa có phản hồi. Ông Vỹ giải thích, việc ông gửi đơn tới các cơ quan trên vì theo ông, đó là những đơn vị có thể can thiệp giải quyết vấn đề bản quyền của ông một cách thỏa đáng ở mức độ nội bộ.

Phóng viên liên hệ với nhà biên kịch Xuân Trường, người đứng tên tác giả kịch bản “Bão qua làng” nhưng ông Trường cho biết mình không thể phát ngôn thay đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc VFC. Tuy nhiên, ông Trường khẳng định khi viết kịch bản “Bão qua làng”, ông chưa về VFC mà làm theo đặt hàng của biên tập Đặng Diệu Hương. “Tôi cũng sinh ra và lớn lên ở nông thôn, hiện tôi vẫn sống ở nông thôn, nên chuyện làng quê liên tục hiện hữu trước mắt. Mà tôi chắc rằng, chuyện ở làng tôi hay ở làng Vỹ, cũng như ở bất kỳ làng nào của vùng Đồng bằng Bắc bộ đều na ná. Bởi vậy, nếu Vỹ nói “em khẳng định kịch bản đã lấy nội dung chính từ kịch bản của em” e là võ đoán. Nếu Vỹ từng viết nhiều kịch bản chắc cũng biết, mỗi bộ kịch bản chúng ta xây dựng không thể hoàn toàn mới, hoàn toàn lạ”, trích thư nhà biên kịch Xuân Trường viết gửi ông Vỹ.

Theo lí giải của ông Trường, cuộc sống muôn màu nhưng những chuyện xảy đến trước mắt chỉ có vậy: Làm về ngành giáo dục không thể không nhắc tới dạy thêm học thêm; Đề cập ngành xây dựng, tác giả nào cũng nói về mánh khóe rút ruột công trình; Làm về nông thôn không thể không nhắc tới trưởng thôn, những anh “Chí” nát rượu…

Bà Đặng Diệu Hương - người được thừa ủy quyền của đạo diễn Đỗ Thanh Hải - cho biết, năm 2008 ôngVỹ gửi kịch bản cho nhà văn Thùy Linh, rồi nhà văn Phạm Ngọc Tiến thẩm định. Trong khi thực tế, ê kíp làm “Bão qua làng” hoàn toàn là người mới, không biết đến kịch bản “Xóm trưởng”, kể cả giám đốc Đỗ Thanh Hải. “Vậy thì Vỹ cần liên lạc với hai nhà văn Vỹ từng gửi kịch bản, hỏi rõ sự tình thay vì vội vàng nói mình bị đạo ý tưởng. Nếu Vỹ có suy nghĩ rằng chính người của VFC gợi ý cho biên kịch (xuất phát từ kịch bản của Vỹ) thì thật sự gây tổn thương cho các nhà văn Thùy Linh và Phạm Ngọc Tiến”, bà Hương nói.

Đại diện VFC khẳng định đã làm đúng quy trình khai thác kịch bản, chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình. “Nếu sau này, Vỹ tiếp tục muốn khẳng định ý tưởng kịch bản là của Vỹ và có những dẫn chứng cụ thể, sau khi đã xem toàn bộ phim “Bão qua làng”, VFC sẽ có ý kiến, tránh gây hiểu lầm là VFC dùng sự việc này để lăng xê bộ phim đang phát sóng”, đại diện VFC nói.

Theo Hà Tùng Long
Gia đình & Xã hội

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm