Phát sốt với màn trình diễn ngôn ngữ ký hiệu “bốc lửa”
(Dân trí) - Trong liveshow, có một nhóm fan khiếm thính đến xem, ban tổ chức đã bố trí người làm nhiệm vụ diễn giải lời hát thành ngôn ngữ ký hiệu. Nhiều fan đã rất cảm động trước cách làm việc “có tâm” của người phụ nữ làm nhiệm vụ.
Trong buổi biểu diễn của nhóm nhạc rock Slayer tại thành phố Austin, bang Texas, Mỹ, một người phụ nữ làm nhiệm vụ diễn giải lời ca khúc sang dạng ngôn ngữ ký hiệu để hỗ trợ các fan khiếm thính đã gây sốt với “màn trình diễn” ấn tượng không thua kém gì mức độ “máu lửa” của ban nhạc rock trên sân khấu.
Phần diễn giải đầy cảm hứng và sự nhiệt thành của cô Lindsay Rothschild-Cross đã khiến nhiều fan thích thú quan sát. Thậm chí, nhiều fan còn chia sẻ rằng họ đã chuyển sự chú ý từ ban nhạc biểu diễn trên sân khấu sang quan sát người phụ nữ đang diễn đạt bằng ngôn ngữ ký hiệu.
Bởi trong buổi biểu diễn có một nhóm fan khiếm thính đến xem, nên ban tổ chức đã bố trí người làm nhiệm vụ diễn giải lời hát thành ngôn ngữ ký hiệu để các fan khiếm thính có thể cảm nhận phần nào những gì đang được biểu diễn trên sân khấu.
Người thực hiện nhiệm vụ - cô Lindsay - đã hoàn thành xuất sắc phần việc, bởi biểu cảm và động tác của cô thực sự truyền cảm hứng cho nhóm fan khiếm thính và cả những fan khác ở gần đó.
Đoạn clip ấn tượng được đăng tải lên mạng bởi một khán giả có mặt tại buổi biểu diễn - anh Freddie Ibarra (48 tuổi), đoạn clip đã ngay lập tức nhận được nhiều phản hồi tích cực của cư dân mạng, người xem đánh giá cao cách làm việc “có tâm” của cô Lindsay. Lindsay là một trong ba người làm nhiệm vụ diễn giải bằng ngôn ngữ ký hiệu trong liveshow kéo dài 6 tiếng.
Khán giả Freddie Ibarra chia sẻ: “Có một nhóm fan khiếm thính đứng cạnh tôi và tôi rất sửng sốt được thấy họ tận hưởng liveshow như thế nào. Tôi thực sự ấn tượng, dù đã chứng kiến hình ảnh này ở nhiều liveshow ca nhạc khác, nhưng chưa bao giờ tôi sởn da gà vì xúc cảm như thế”.
Phát sốt với màn trình diễn ngôn ngữ ký hiệu “bốc lửa”
Kể từ năm 1990, luật pháp tại Mỹ đã yêu cầu các sự kiện ca nhạc phải có người phiên dịch bằng ngôn ngữ ký hiệu để hỗ trợ những người khiếm thính.
Đối với những người làm nghề phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu tại các liveshow ca nhạc, họ không chỉ đơn thuần chuyển tải thông điệp lời hát tới những khán giả đặc biệt, mà còn cố gắng thâu tóm được phong cách âm nhạc, phong cách biểu diễn của nghệ sĩ để khán giả khiếm thính cảm nhận được đầy đủ nhất.
Bích Ngọc
Theo Daily Mail