Phạt như đùa, kỷ luật kiểu giơ cao đánh khẽ

Phạt tiền quá nhẹ cho hàng loạt những vi phạm của một công ty người mẫu hay hội chứng "nhận trách nhiệm" rồi... vô can khiến cho đời sống văn hóa giải trí càng thêm rối loạn.

Phạt như gãi ngứa bảo sao nhờn luật
 
Phạt như đùa, kỷ luật kiểu giơ cao đánh khẽ

Sự kiện gần đây nhất gây chú ý dư luận chính là Đêm hội chân dài 7. Với hàng loạt sai phạm của công ty người mẫu đứng ra tổ chức sự kiện thời trang này đã được chính thanh tra Sở VHTTDL TP.HCM liệt kê ra như: quảng cáo rượu trái phép, tự tiện thay đổi trang phục khác với trang phục đã được cơ quan có thẩm quyền duyệt và cho phép, tự tiện thay đổi nội dung chương trình trình diễn thời trang sau khi đã được cấp giấy phép.

Tổng cộng cả 3 hình thức phạm luật trên thì nhà tổ chức Đêm hội chân dài 7 chỉ bị phạt 35 triệu đồng . Và một sự kiện như vậy mà thanh tra Sở chỉ có thể tịch thu được 10 ly quảng cáo rượu?

Mức xử phạt 35 triệu đồng với đơn vị tổ chức sự kiện khiến nhiều người không đồng tình vì quá ít, không đủ hình thức răn đe và với số tiền phải nộp phạt hành chính thấp như vậy thì người ta sẵn sàng vi phạm các lần tiếp theo mà không cần phải suy nghĩ, miễn là sự kiện mình tổ chức được nhắc đến với tần suất dày đặc trên báo chí kèm theo đó là tên tuổi công ty nổi như cồn.

Điều này thì khỏi cần cảnh báo vì chính lãnh đạo Sở VHTTDL TP.HCM cũng đã khẳng định công ty tổ chức Đêm hội chân dài 7 đã vi phạm trong lĩnh vực biểu diễn rất nhiều lần.

Câu hỏi đặt ra là khi sự kiện Đêm hội chân dài 7 diễn ra, dù có đại diện của Sở VHTTDL tại trận nhưng trước những sai phạm của đơn vị tổ chức, sao người của Sở không nhắc nhở ngay hay thậm chí là dừng chương trình vì trình diễn không đúng nội dung được duyệt mà phải đợi báo chí phản ánh mới vào cuộc kiểm tra và đưa ra hình thức xử phạt?

Giơ cao đánh khẽ, ai phục

Trong một diễn biến khác nằm ngoài showbiz, lĩnh vực văn hóa thời gian qua cũng chứng kiến hàng loạt những sự kiện nhức nhối nhưng không có hồi kết bởi sau khi báo chí và dư luận vào cuộc, mổ xẻ thì cuối cùng những người liên quan dường như lại vô can.
 
Làm thế nào mà hình ảnh một địa điểm du lịch của Trung Quốc lại xuất hiện trong gian hàng VN?
Làm thế nào mà hình ảnh một địa điểm du lịch của Trung Quốc lại xuất hiện trong gian hàng VN?

Mới đây, trong cuộc họp báo tổng kết hoạt động của ngành Văn hóa Thể thao Du lịch quý I/2013, đại diện Tổng cục Du lịch có vẻ rất "cầu thị" khi nhận trách nhiệm hoàn toàn liên quan đến sự cố trưng bày nhầm ảnh di tích Phật Sơn của Trung Quốc tại gian hàng trưng bày du lịch của Việt Nam tại hội chợ quốc tế du lịch ITB 2013 tại Đức tháng 3/2013.

Điều đáng nói là trách nhiệm lại là của "tập thể Tổng cục Du lịch" và chưa có cá nhân nào bị đưa ra xử lý trước một sự nhầm lẫn không thể chấp nhận được như vậy. Việc xác định cá nhân nào liên quan không hề khó và phức tạp nhưng phải chờ một hội đồng kỷ luật xem xét rồi mới kết luận. Và đến nay, sau gần 3 tháng, khi dư luận dường như đã "quên" sự cố này thì vẫn chưa có ai bị xử lý.

Tương tự với việc xâm hại di tích Mỹ Sơn mới đây tại Quảng Nam. Việc tiến hành bê tông hóa giữa lòng di sản thế giới đã được UNESCO công nhận này bị phát giác từ cuối tháng 2/2013. Sau sự việc, cả Ban quản lý di tích Mỹ Sơn và cả lãnh đạo huyện Duy Xuyên, Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam đều đã lên tiếng nhận trách nhiệm, coi đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng Luật di sản.

Nhưng đến nay, tất cả mới chỉ dừng lại ở việc nhận lỗi, "rút kinh nghiệm và kiểm điểm", chưa có bất cứ cá nhân liên quan nào nhận hình thức kỷ luật trong khi di tích Mỹ Sơn thì đã không còn nguyên vẹn.
 
Di tích Mỹ Sơn bị xâm hại vì thiếu hiểu biết?
Di tích Mỹ Sơn bị xâm hại vì thiếu hiểu biết?

Trường hợp này tương tự với sự việc đau lòng xảy ra ở chùa Trăm Gian năm ngoái. Dù di tích này đã bị xâm hại nghiêm trọng nhưng những người có trách nhiệm chỉ phải kiểm điểm và nhận mức kỷ luật cảnh cáo và khiển trách. Chỉ duy có trưởng ban quản lý chùa Trăm Gian bị thôi giữ chức vụ này vì không hoàn thành nhiệm vụ theo chức năng được phân công.

Chính vì nhận lỗi "cầm chừng" như vậy nên sau đó UBND TP.Hà Nội đã yêu cầu Giám đốc Sở VHTTDL Hà Nội nghiêm túc kiểm điểm lại trong việc vi phạm ở Chùa Trăm Gian. Lý do là bản báo cáo về kiểm điểm trách nhiệm còn chung chung và chưa rõ cá nhân bào phải chịu trách nhiệm. Từ đó đến nay, dư luận cũng chưa rõ cuối cùng thì mức độ kiểm điểm các cá nhân liên quan tới đâu.

Có lẽ chính vì những hình thức kỷ luật nửa mùa kiểu giơ cao đánh khẽ, không truy cứu đến cùng trách nhiệm của những người liên quan như vậy đã dẫn đến hiện tượng nhờn luật, coi thường luật, bất chấp dư luận trong tất cả các lĩnh vực khiến đời sống văn hóa - giải trí ngày càng nhiễu loạn và khó kiểm soát như hiện nay.

 
Theo Hạnh Phương
VietNamNet