Phát lộ dấu tích nền móng kiến trúc cổ xưa ở cố đô Hoa Lư
(Dân trí) - Tiến hành khai quật khảo cổ tại cố đô Hoa Lư, bước đầu đã tìm thấy dấu tích nền móng kiến trúc cổ xưa thuộc các thời kỳ khác nhau, từ giai đoạn Đại La cho đến thời Đinh - Tiền Lê ở thế kỷ 10.
Thực hiện quyết định của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Ninh Bình phối hợp với Viện Khảo cổ học đang tiến hành khai quật khảo cổ tại cánh đồng nằm ở phía Nam đền thờ vua Lê Đại Hành thuộc khu di tích lịch sử văn hóa đặc biệt cố đô Hoa Lư (xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, Ninh Bình).
Tại địa điểm trên, đoàn khảo cổ đã tiến hành khai quật diện tích khoảng 600 m2. Bước đầu đã tìm thấy các dấu tích nền móng kiến trúc xuất lộ trong các hố khai quật thuộc các thời kỳ khác nhau, từ giai đoạn Đại La cho đến thời Đinh - Tiền Lê ở thế kỷ 10.
Ghi nhận của PV Dân trí tại điểm khai quật khảo cổ này, trên diện tích khai quật đã lộ ra nhiều hiện vật như: các loại gạch, ngói đất nung, gạch hoa văn, nền đất nện... được xếp thành hàng thể hiện rõ những nền móng cổ xưa.
Các chuyên gia khảo cổ đã tiến hành thu thập các mẫu đất, đá, gạch ở hố khai quật đưa về phân tích để làm rõ niên đại. Khi có kết quả sẽ bổ sung thêm tư liệu lịch sử, văn hóa phục vụ công tác nghiên cứu, tìm hiểu về kinh đô Hoa Lư - nơi trị vì của vương triều Đinh - Tiền Lê và Lý, gắn với Nhà nước Đại Cồ Việt - Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầy đủ đầu tiên của nước ta.
Những hiện vật thu thập được trong quá trình khai quật sẽ được tạm nhập vào Bảo tàng tỉnh Ninh Bình để giữ gìn, bảo quản. Bảo tàng tỉnh Ninh Bình, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý và báo cáo Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phương án bảo vệ và phát huy giá trị những hiện vật đó.
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch lưu ý đoàn khảo cổ, trong thời gian khai quật, cơ quan được cấp giấy phép cần chú ý bảo vệ địa tầng của di tích, có trách nhiệm tuyên truyền cho người dân về việc bảo vệ di sản văn hóa ở địa phương, không công bố kết luận chính thức khi chưa có sự thỏa thuận của cơ quan chủ quản và Cục Di sản văn hóa.
Sau khi khai quật, dựa trên những kết quả nghiên cứu sẽ là cơ sở để tiến hành xây dựng bản đồ phân bố khu di tích khảo cổ phục vụ kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư theo hướng phát triển bền vững.