Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Phát huy lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số để xây dựng sản phẩm du lịch
(Dân trí) - Lễ hội mừng cơm mới của dân tộc Bru-Vân Kiều là nghi thức tâm linh để tạ ơn trời đất, thần linh đã ban cho đồng bào mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Ngày 18/11, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Bình đã tổ chức hội thảo khoa học "Bảo tồn, phát huy giá trị Lễ hội Mừng cơm mới của người Bru-Vân Kiều, xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy để khai thác, xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch".
Hội thảo tập trung trao đổi, đề xuất các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị Lễ hội Mừng cơm mới của người Bru-Vân Kiều.
Trong đó, tập trung vào các nội dung trọng tâm gồm: giải pháp xây dựng, thực hiện các chính sách để huy động nguồn lực; động viên, tôn vinh những nghệ nhân và chủ thể đang bảo tồn, thực hành lễ hội và xây dựng các chương trình, kế hoạch; xác định, đề cao, phát huy vai trò cộng đồng; nâng cao hiệu quả bộ máy quản lý, điều hành và tổ chức các hoạt động liên quan lễ hội.
Bên cạnh đó là công tác tuyên truyền, quảng bá về lễ hội; nâng cao nhận thức của cộng đồng và các cấp chính quyền trong bảo tồn, phát huy giá trị của lễ hội để khai thác, xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Chương trình hội thảo là một trong các hoạt động để trao đổi, thảo luận và làm rõ hơn những giá trị thực tiễn trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị Lễ hội Mừng cơm mới của người Bru-Vân Kiều; tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về nguồn gốc, nội dung và các giá trị văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của lễ hội; đồng thời, phòng ngừa, ngăn chặn, bảo vệ và xử lý các vi phạm đối với di sản.
Sự kiện cũng là một hoạt động cụ thể của việc thực hiện dự án 6 của Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I: 2021- 2025 về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.
Lễ hội Mừng cơm mới của dân tộc Bru-Vân Kiều thường được tổ chức sau khi thu hoạch lúa rẫy vào tháng 10 và 11 âm lịch hằng năm. Lễ hội vừa có giá trị về lịch sử và văn hóa tộc người, vừa góp phần thu hút các nhà nghiên cứu, khách du lịch đến trải nghiệm đời sống văn hóa cộng đồng của người dân địa phương.
Lễ hội hiện còn lưu giữ những nghi lễ liên quan tới vòng đời cây lúa, là nghi thức tâm linh để tạ ơn trời đất, thần linh đã ban cho đồng bào mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận Lễ hội Mừng cơm mới của người Bru-Vân Kiều ở xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.