Phát hiện vụ trộm tranh “ngoạn mục” như… phim

(Dân trí) - Một bức tranh quý trị giá 3.750 tỷ đồng từng bị đánh cắp cách đây hơn 30 năm đã vừa được tìm thấy lại trong căn nhà của một cặp vợ chồng giàu có và đạo mạo. Từng chi tiết gây sửng sốt trong vụ trộm tranh khiến người ta thấy giống… trong phim hơn là đời thực.

Một bức tranh đắt giá bị đánh cắp đã vừa được tìm thấy lại bởi lực lượng FBI (Mỹ) sau khi bức tranh này “im hơi lặng tiếng” suốt nhiều thập kỷ, rồi bỗng bất ngờ bị đem bán trên thị trường với giá “rẻ như cho”.

Một người đàn ông có tên Ron Roseman đến từ thành phố Houston, bang Texas, Mỹ, khi dọn dẹp nhà của vợ chồng người dì quá cố - bà Rita và ông Jerry Alter, ngụ tại thị trấn Cliff, bang New Mexico, Mỹ - đã gom lại một số món đồ cũ và đem bán giá rẻ cho một người chuyên thu mua đồ cũ trong vùng.

Điều mà ông Ron không hề hay biết, đó là bức tranh mà ông đem bán, thực chất là một tác phẩm của danh họa người Hà Lan theo trường phái trừu tượng - Willem de Kooning (1904-1997). Bức tranh đã bị đánh cắp cách đây nhiều năm, từng được xem là tranh quý trong Bảo tàng Nghệ thuật của Đại học Arizona.

Bức tranh được ước tính có giá 165 triệu USD (tương đương 3.750 tỷ đồng). Người cháu trai đã rất sửng sốt khi nhận được cuộc gọi từ nhân viên FBI chỉ vài ngày sau khi bán các món đồ cũ gom góp trong nhà, bao gồm cả bức tranh, với giá 2.000 USD (tương đương 45,5 triệu đồng).

Bức tranh theo trường phái trừu tượng này có tên “Người phụ nữ da màu”, do danh họa người Mỹ gốc Hà Lan Willem de Kooning thực hiện. Bức tranh có giá 165 triệu USD. Tác phẩm bị đánh cắp hồi năm 1985.
Bức tranh theo trường phái trừu tượng này có tên “Người phụ nữ da màu”, do danh họa người Mỹ gốc Hà Lan Willem de Kooning thực hiện. Bức tranh có giá 165 triệu USD. Tác phẩm bị đánh cắp hồi năm 1985.

Ông Ron Roseman đến từ thành phố Houston, bang Texas, Mỹ, đã tới ngôi nhà của vợ chồng người dì quá cố nằm ở bang New Mexico để dọn dẹp, thu thập một số đồ cũ đem bán giá rẻ.
Ông Ron Roseman đến từ thành phố Houston, bang Texas, Mỹ, đã tới ngôi nhà của vợ chồng người dì quá cố nằm ở bang New Mexico để dọn dẹp, thu thập một số đồ cũ đem bán giá rẻ.

Trước đây, bức tranh từng được treo trong Viện bảo tàng Nghệ thuật của Đại học Arizona và được xem là bức tranh quý nhất trong bộ sưu tập của trường.
Trước đây, bức tranh từng được treo trong Viện bảo tàng Nghệ thuật của Đại học Arizona và được xem là bức tranh quý nhất trong bộ sưu tập của trường.

“Tôi cảm thấy như thể một con nai bị rọi đèn pha. Tôi rất yêu quý chú và dì. Tôi không thể hình dung ra nổi bằng cách nào mà hai người lại có bức tranh quý như vậy”, ông Ron Roseman chia sẻ với phóng viên mới đây.

Bức “Người phụ nữ da màu” có kích thước 102x76cm, được vẽ bằng chất liệu sơn dầu, khắc họa một người phụ nữ khỏa thân theo phong cách trừu tượng. Bức tranh đã bị đánh cắp sau ngày lễ Tạ ơn năm 1985.

Ở thời điểm đó, camera chưa được lắp trong phòng trưng bày của bảo tàng, người ta chỉ biết rằng có một người đàn ông và một người phụ nữ đã thực hiện vụ đánh cắp táo tợn. Các chi tiết của vụ trộm khi đó được miêu tả lại rằng người phụ nữ làm phân tán sự chú ý của nhân viên bảo tàng ở một góc cách xa bức tranh bị đánh cắp.

Trong khi đó, người đàn ông tiến lại bức tranh, dùng dao cắt tranh ra khỏi khung, rồi cuộn lại và nhét dưới áo, sau đó, hai người nhanh chóng rời khỏi bảo tàng.

Cửa hàng thu mua đồ cũ ở thành phố Silver, bang New Mexico, Mỹ, nơi ông Ron Roseman đem bán các món đồ cũ bao gồm cả bức tranh với giá rất rẻ.
Cửa hàng thu mua đồ cũ ở thành phố Silver, bang New Mexico, Mỹ, nơi ông Ron Roseman đem bán các món đồ cũ bao gồm cả bức tranh với giá rất rẻ.

Sau khi khớp lời khai của một số nhân chứng ở thời điểm năm 1985, một phác họa mô tả hai kẻ trộm đã được cảnh sát thực hiện, đó là một phụ nữ tóc vàng và một người đàn ông tóc sẫm màu (chi tiết này trùng khớp với màu tóc của vợ chồng nhà Alter thời trẻ). Sau khi bước ra khỏi bảo tàng, cặp đôi nhanh chóng lên xe rời khỏi hiện trường.

Dịp lễ Tạ ơn năm 2015, một khung tranh để trống đã được đặt cạnh một tấm bảng đề cập lại chi tiết vụ đánh cắp tranh từng xảy ra tại bảo tàng. Động thái này được bảo tàng thực hiện ở thời điểm tròn 30 năm sau ngày tranh bị đánh cắp.
Dịp lễ Tạ ơn năm 2015, một khung tranh để trống đã được đặt cạnh một tấm bảng đề cập lại chi tiết vụ đánh cắp tranh từng xảy ra tại bảo tàng. Động thái này được bảo tàng thực hiện ở thời điểm tròn 30 năm sau ngày tranh bị đánh cắp.

Đại diện viện bảo tàng cho biết: “Sự việc từng gây chấn động bảo tàng. Chúng tôi đã luôn lo sợ rằng bức tranh đã bị đốt, hoặc bị tổn hại nặng nề. Giờ đây, khi tranh được tìm thấy lại và suốt nhiều năm, nó chỉ ở cách chúng tôi vài tiếng lái xe, đó thực là việc không tin nổi”.

Một khách hàng ghé thăm tiệm đồ cũ ở bang New Mexico, nơi bức tranh vừa được bán và treo lên trong cửa hàng, đã nhìn ra chi tiết khác thường. Ngay sau đó, người chủ cửa hàng đem cất tranh cẩn thận, rồi lên mạng tìm kiếm thông tin về bức tranh và sửng sốt trước những gì đọc được. Ngay lập tức, ông gọi điện cho bảo tàng và nhà chức trách.

Giờ đây, nhà chức trách sẽ điều tra vụ việc chi tiết hơn. Dù vậy, họ tin rằng vợ chồng quá cố nhà Alter có liên quan tới vụ trộm. Lúc sinh thời, họ là hai giáo viên giàu có, từng đi du lịch vòng quanh thế giới. Người cháu trai của hai ông bà đã tìm thấy bức tranh treo trong một phòng nhỏ ít khi sử dụng đến.

Lúc sinh thời, người chồng - ông Jerry Alter - từng viết một cuốn sách hồi năm 2011 có tên “The Cup and the Lip” (Chiếc cốc và đôi môi) kể câu chuyện về một cặp vợ chồng thực hiện vụ trộm tại bảo tàng để đánh cắp một món trang sức quý.

Trong tác phẩm, có đoạn miêu tả: “Nhân viên xao lãng… Người phụ nữ liền tháo chốt, tóm lấy món đồ, chạy về phía cửa đã có sẵn xe chờ bên ngoài, người bảo vệ lúc này mới ngỡ ngàng chạy đuổi theo”. Câu chuyện này được đem ra đối chiếu với vụ trộm năm 1985 và có một số chi tiết trùng khớp.

>> Tìm lại được tranh quý bị đánh cắp của danh họa Van Gogh
>> Kẻ trộm đột nhập lấy đi tranh quý trị giá 363 tỉ đồng

>> Tranh bị đánh cắp trở về với chủ nhân, giá tăng… 20.000 lần

Bích Ngọc
Theo ABC News/Curbed NY