Phát hiện nhiều hiện vật khảo cổ giá trị tại “thành phố” cổ xưa nước Việt

(Dân trí) - Trong dự án hợp tác nghiên cứu khảo cổ học Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn 2014 - 2019, các chuyên gia của Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Đại học Đông Á (Nhật Bản) đã tiến hành khai quật khảo cổ học lần thứ 2 năm 2015 tại thành cổ Luy Lâu, xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh).

Di tích Luy Lâu là trị sở của quận Giao Chỉ thời Hán. Từ khoảng 2000 năm trước, nơi đây đã là một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của khu vực Lĩnh Nam - Bắc Việt Nam.

Cuộc khai quật đã mở rộng phạm vi nghiên cứu về dấu tích của thành Nội, tiếp tục nghiên cứu làm rõ các vị trí đã phát hiện dấu tích tường thành nội phía đông, cổng thành phía bắc. Bên cạnh đó, các nhà khảo cổ học cũng mở rộng phạm vi hố đào nghiên cứu về khu vực phát hiện khuôn đúc trống đồng.

Tại các hố khai quật, các nhà khảo cổ học đã thu được số lượng lớn hiện vật là vật liệu kiến trúc, đồ dùng sinh hoạt có niên đại từ thế kỷ 1 trước công nguyên đến thế kỷ 14 sau công nguyên. Những vật gia dụng (đồ gốm, dấu tích của bếp) và vật liệu xây dựng (gạch, ngói, đầu ngói ống...) chứng minh quá trình cư trú liên tục, lâu dài của cư dân tại khu vực này và khẳng định đây là một trung tâm định cư có quy mô lớn.

Khuôn đúc trống đồng Đông Sơn được tìm thấy trong quá trình khai quật khảo cổ tại thành Luy Lâu. Ảnh: N.T.
Khuôn đúc trống đồng Đông Sơn được tìm thấy trong quá trình khai quật khảo cổ tại thành Luy Lâu. Ảnh: N.T.

Điều đặc biệt của đợt khai quật là đã thu được tới trên 900 mảnh khuôn đúc trống đồng Đông Sơn có niên đại khoảng thế kỷ thứ 4. Các mảnh khuôn đúc được phát hiện nằm trong địa tầng ổn định, cùng các nồi nấu đồng và mảnh khuôn nằm rải rác trong các hố thám sát và khai quật cho thấy khu vực thành Luy Lâu có thể đã từng là một công xưởng luyện kim đúc đồng quy mô lớn.

Những phát hiện khuôn đúc trống đồng năm 2015 bổ sung thêm cho kết quả khai quật năm 2014 đã khẳng định chắc chắn hơn tính bản địa của trống đồng. Những mảnh khuôn đúc đã chứng minh sức sống mãnh liệt của văn hóa Đông Sơn. Mạch văn hóa dân tộc vẫn tiếp tục chảy mạnh mẽ cả trong thời kỳ bắc thuộc.

Một góc của thành Nội - Luy Lâu ngày nay. Ảnh: TL.
Một góc của thành Nội - Luy Lâu ngày nay. Ảnh: TL.

Dù đang mang những giá trị quan trọng về lịch sử, văn hóa, dù cũng đã có sự quan tâm bảo vệ nhưng thành cổ Luy Lâu vẫn chịu nhiều ảnh hưởng của thời hiện đại: Nạn săn tìm cổ vật, việc đào ao thả cá và xây mộ của cư dân vẫn đang sống trong khu vực thành. Muốn giữ gìn di tích cần có những biện pháp kịp thời ngăn chặn tình trạng này. Đây cũng là vấn đề đặt ra trước các cấp quản lý, cả trung ương và địa phương.

Trong những năm tới, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục khai quật với mong muốn làm sáng tỏ diện mạo khu di tích Luy Lâu, đánh giá được ý nghĩa trị sở của quận Giao Chỉ giai đoạn đầu Công nguyên, đồng thời sẽ tổ chức một số cuộc hội thảo quốc tế để công bố kết quả nghiên cứu tại Việt Nam và Nhật Bản.

Hà Tùng Long

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm