Phát hiện nhiều di vật tại công trình kiến trúc “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam
(Dân trí) - Qúa trình khai quật khảo cổ học tại khu vực tường thành phía Đông Bắc Thành nhà Hồ và di chỉ khảo cổ học núi Xuân Đài cho thấy quy mô kết cấu tường thành vô cùng phức tạp, kiên cố... Đồng thời, nhiều di vật cũng đã được phát hiện trong quá trình khai quật.
Ngày 22/01/2019, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tổ chức hội nghị báo cáo kết quả khai quật khảo cổ năm 2018 tại Trung tâm bảo tồn di sản Thành nhà Hồ.
Theo báo cáo của Viện khảo cổ học Việt Nam, năm 2018 đã thực hiện khai quật lát cắt tường thành phía Đông Bắc Thành nhà Hồ với diện tích 400m2 và khai quật thám sát di chỉ khảo cổ học núi Xuân Đài, huyện Vĩnh Lộc với diện tích là 500m2.
Qua khai quật tại khu vực tường thành phía Đông Bắc Thành nhà Hồ cho thấy, quy mô kết cấu tường thành vô cùng phức tạp, kiên cố. Khu vực đất trong tường thành được gia cố chắc chắn bằng đá khối và nền sét đầm lèn. Khu vực nền gia cố chân thành phía trong đã làm rõ lớp đất đắp nền.
Sau quá trình khai quật, nhiều di vật đã được phát hiện chủ yếu là nhóm vật liệu kiến trúc như: Gạch, ngói, đá khối, trang trí kiến trúc và nhóm các loại hình đồ dùng trong sinh hoạt như: Sành, sứ, tiền kim loại, chủ yếu thuộc niên đại Lý - Trần - Hồ - Lê.
Theo các đại biểu khẳng định, với những kết quả khai quật bước đầu về khu vực tường thành phía Đông Bắc Thành nhà Hồ tạo căn cứ khoa học cho việc trùng tu lại khu vực tường thành phía Bắc và làm rõ được cấu trúc gia cố thành đất bên trong thân tường đá.
Kết quả khai quật cũng cho thấy công cuộc xây dựng thành đá quy mô và đồ sộ của một vương triều xưa. Như trong cuốn Thành cổ Việt Nam khẳng định “Những khối đá xanh khổng lồ đẽo vuông thành sắc cạnh xây khắp bốn mặt tường thành - một hiện tượng chưa hề gặp ở bất cứ một công trình quân sự cổ nào trên đất nước ta”.
Tại khu vực núi Xuân Đài, với 2 hố khai quật đã phát lộ nhiều di vật như: Gốm men, gạch bìa, gạch có chữ Hán, gạch trang trí hoa chanh, hoa cúc; ngói mũi sen đơn, kép; ngói mũi nhọn,trang trí kiến trúc thời Trần; gốm men trắng trang trí hình sóng nước; ngói sen, ngói bò nóc; gạch bìa; lá đề; ngói men trắng vẽ lam thời Lê Sơ và Lê Trung Hưng, đinh sắt các loại.
Kết quả khai quật tường thành phía Đông Bắc Thành nhà Hồ và di chỉ khảo cổ học núi Xuân Đài, tạo căn cứ khoa học cho việc trùng tu lại cũng như góp phần bổ sung tư liệu cho các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa và khảo cổ học.
Theo các nhà khoa học, kết quả khai quật khảo cổ học đã chỉ ra một di tích với quy mô kiến trúc to lớn, niên đại kéo dài và liên tục, nhiều hiện vật đẹp mang tính đẳng cấp cao, là cơ sở khoa học chân xác nên cần được bảo vệ nguyên trạng.
Các dấu tích kiến trúc và hiện vật cần được trưng bày, quảng bá và tuyên truyền rộng rãi để phát huy giá trị di tích, giáo dục ý thức bảo vệ các di sản do cha ông để lại, thúc đẩy sự phát triển của du lịch Thanh Hóa.
Dù kết quả khai quật là rất tốt, song còn nhiều kiến trúc vẫn chưa rõ hết quy mô do diện tích khai quật quá hẹp. Do vậy cần tiếp tục mở rộng diện tích khai quật, thám sát để có được sự đánh giá đầy đủ, khách quan hơn nữa.
Duy Tuyên