Đồng Tháp:

Phát hiện Ao Thần và nhiều di vật ở Khu di tích Gò Tháp

(Dân trí) - Trong quá trình kiểm tra, đoàn khai quật khảo cổ học đã phát hiện nhiều di vật có ý nghĩa trong nghiên cứu: 9 tảng đá, 11 mảnh đá có dấu vết chế tác, phát hiện được 1 mảnh đá có chữ (đến nay chưa dịch ra), một số mảnh vàng... Đặc biệt là phát hiện Ao Thần bằng gạch có diện tích 576m2.

Qua 3 đợt khai quật trong năm 2015 tại Khu di tích (KDT) Gò Tháp (huyện Tháp Mười), đoàn khai quật khảo cổ học của Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh do PGS.TS Đặng Văn Thắng làm trưởng đoàn đã tiến hành đào thám sát và khai quật khu vực hậu tổ, nhà ăn chùa Tháp Linh, chân Gò Tháp Mười, vị trí xây dựng nhà Trưng bày Xứ ủy và Văn hóa Óc Eo. Kết quả đợt khai quật này đã cung cấp nhiều tư liệu mới, nhận thức mới về các loại hình di tích, di vật văn hóa Óc Eo ở khu vực Gò Tháp.

Trong đợt thăm dò, khai quật lần này, đoàn khai quật khảo cổ đã tiến hành đào gần 40 hố thăm dò. Thạc sĩ Võ Thị Huỳnh Như, nghiên cứu viên trong đoàn phấn khởi cho biết: “Ở Gò Tháp rất là hay, đợt nào khai quật cũng phát hiện nhiều cái mới, điều này chỉ có Gò Tháp mới có. Trong đó nhiều kiến trúc, di vật mới được phát hiện rất có giá trị. Nên dù làm công tác khai quật ở đây mệt nhưng rất vui”.

Đây là tảng đá có chữ nhưng đến nay chưa dịch được nội dung của các chữ cổ trên tảng đá này
Đây là tảng đá có chữ nhưng đến nay chưa dịch được nội dung của các chữ cổ trên tảng đá này

Trong đợt khai quật này, đoàn đã tìm được kiến trúc Đền Thần Shiva phía tây chùa Tháp Linh. PGS.TS Đặng Văn Thắng cho biết, Kiến trúc Đền Thần Shiva phía tây nền chùa Tháp Linh là một công trình có giá trị khoa học và nghệ thuật cao, cần phải được giới thiệu đến người xem. Tuy nhiên nếu không có biện pháp an toàn, kiến trúc rất dễ bị hư hại. Nên xây dựng mái che, tường quanh với hệ thống thoát nước và các biện pháp bảo vệ hợp lý để đưa kiến trúc vào hệ thống các điểm giới thiệu cho du khách đến với Gò Tháp.

PGS.TS Thắng cho biết, trong đợt khai quật lần này ý nghĩa nhất là phát hiện Ao Thần Gò Tháp Mười. Đây là kiến trúc Ao Thần bằng gạch thứ 3 được tìm thấy ở khu vực Gò Tháp (sau Ao Thần Gò Tháp ở khu vực “tường thành phía tây Gò Tháp Mười được khai quật năm 2010 và Ao Thần phía đông Gò Minh Sư khai quật năm 2013). Điều rất quý ở đây là miền Nam chỉ có Gò Tháp mới có Ao Thần bằng gạch. Ao Thần mới được phát hiện có diện tích khá lớn (576m2), khá nguyên vẹn nhưng lại không có nhiều vật. Tuy đều là kiến trúc ao nằm phía đông đền chính như Ao Thần Gò Minh Sư nhưng hai kiến trúc này vẫn có những nét khác biệt tạo nên sự đa dạng trong bố cục kiến trúc đền - ao ở KDT Gò Tháp nói riêng và kiến trúc văn hóa Óc Eo nói chung. Tuy chưa được khai quật hoàn toàn nhưng có thể thấy Ao Thần có vai trò quan trọng trong tổ hợp kiến trúc Gò Tháp Mười với đền thờ chính là đền Vishnu nằm trên đỉnh gò, từ Ao Thần đến điện thờ chính là các kiến trúc phụ khác như đường đi, cổng.

Viên đá có lổ vuông ở giữa được phát hiện trong đợt khai quật gần đây
Viên đá có lổ vuông ở giữa được phát hiện trong đợt khai quật gần đây

Ao Thần Gò Tháp Mười hiện đã được khai quật một phần và thể hiện được nhiều ý nghĩa khoa học, nghệ thuật. Tuy nhiên để có thể nghiên cứu toàn diện và hoàn chỉnh hơn cần được tiến hành khai quật toàn bộ kiến trúc, nhất là phần lòng Ao Thần, phần hầu như chưa được khai quật nhiều vì diện tích của ao khá lớn. Đoàn khai quật đề nghị, sau khi khai quật một phần của Ao Thần nên được giữ lại và xây dựng hệ thống kính cường lực để phục vụ tham quan, phần còn lại được lấp kỹ thuật để bảo tồn.

Và nhiều di vật giá trị khác được tìm thấy trong 3 đợt khai quật năm 2015
Và nhiều di vật giá trị khác được tìm thấy trong 3 đợt khai quật năm 2015

Tại nhiều nơi khai quật, đoàn đã phát hiện nhiều di vật có tầm quan trọng đến công tác nghiên cứu: 9 tảng đá được tìm thấy như một bộ phận của kiến trúc và được để lại tại di tích, 11 mảnh đá có dấu vết chế tác, phát hiện được 1 mảnh đá có chữ (đến nay chưa dịch ra), một số mảnh vàng. Đặc biệt trong đợt khai quật lần này đoàn tìm thấy được một viên gạch có lỗ vuông, chất liệu sét pha cát, màu vàng nhạt; hiện vật chất liệu kim loại, thủy tinh...

Ông Trần Văn Nam, Trưởng Phòng Di sản văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch Đồng Tháp) cho biết, sau khi khai quật cần phải xây dựng hệ thống mái che và thoát nước thích hợp để bảo vệ và giới thiệu di tích đến với du khách. Bên cạnh đó thời gian tới cần có bản đồ khảo cổ học ở Gò Tháp để thông tin cho du khách dễ hình dung toàn cảnh di tích Gò Tháp nhằm phục vụ du lịch.

Nguyễn Hành - H.N

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm