"Phan Quang với báo chí Cách mạng Việt Nam"

(Dân trí) - Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông vừa xuất bản tập sách "Phan Quang với báo chí Cách mạng Việt Nam".

Tập sách bao gồm những phát biểu, chuyện kể trong tọa đàm do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, về nhà báo Phan Quang, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam. Cuộc tọa đàm nằm trong chương trình của Hội Nhà báo Việt Nam tôn vinh và tri ân các nhà báo nguyên lãnh đạo cấp cao của Hội đã có nhiều đóng góp to lớn đối với Hội Nhà báo Việt Nam và báo chí Cách mạng Việt Nam.

Nhà báo Phan Quang tên thật là Phan Quang Diêu, sinh năm 1928 tại Quảng Trị. Sau Cách mạng tháng 8/1945, ông đã tích cực tham gia hoạt động Cách mạng. Bắt đầu từ năm 19 tuổi, ông làm phóng viên, viết báo Cứu quốc ở Liên khu IV, dọc theo dãy Trường Sơn từ Thừa Thiên Huế trở ra.

Phan Quang với báo chí Cách mạng Việt Nam - 1

Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông vừa xuất bản tập sách "Phan Quang với báo chí Cách mạng Việt Nam".

Ông có nhiều truyện ngắn, bài báo có giá trị, phản ánh kịp thời, chân thực cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta. Tháng 10/1954, ông được điều về Hà Nội làm phóng viên báo Nhân Dân.

Vừa tự học bồi bổ thêm kiến thức, ông lăn lộn với cơ sở, phát hiện và biểu dương những nhân tố mới trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất đất nước.

Trong kháng chiến chống Mỹ, ông sống nhiều ở tuyến lửa khu IV, và chuyên tâm nghiên cứu nhiều vấn đề về nông nghiệp - nông thôn và nông dân, là một nhà báo có uy tín trong lĩnh vực này.

Sau ngày đất nước thống nhất, vừa làm báo, ông vừa đảm nhận những nhiệm vụ mới: Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin - Thể thao và Du lịch, đại biểu Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam…

Vừa viết văn vừa làm báo, vừa dịch thuật, ở lĩnh vực nào Phan Quang cũng có những đóng góp. Với thế hệ các nhà báo Việt Nam hiện nay, nhà báo Phan Quang thực sự là một tấm gương điển hình, có tầm ảnh hưởng và lan tỏa nhiều giá trị nghề nghiệp. Cuốn sách "Phan Quang với báo chí Cách mạng Việt Nam" chỉ đề cập những nét lớn trong sự nghiệp báo chí của nhà báo Phan Quang.

Nhà giáo nhân dân - Giáo sư Hà Minh Đức đánh giá "Nhà báo Phan Quang với vốn kiến thức, vốn hiểu biết cuộc sống trong và ngoài nước sâu rộng đã giúp cho anh có tư duy năng động. Tư duy chính luận, tư duy hình tượng, tư duy trừu tượng đều được ông vận dụng có hiệu quả, thông mạch, không bị giới hạn nào ngăn cách. Ông không tự giới hạn mình, không giới hạn trong khuôn khổ chật hẹp cho các hoạt động tinh thần ở nhiều lĩnh vực…

Chính với phẩm chất tư duy không giới hạn, ông hiểu rõ những giới hạn của các nhà báo trẻ phải vượt qua và ân cần khích lệ bạn hữu nhiều thế hệ với những thành tựu mới". (Hà Minh Đức: "Ngưỡng mộ một cây bút tài năng và nhân hậu", sách đã dẫn trang 29).

Nhà báo Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam đặc biệt nhấn mạnh những cống hiến của Phan Quang trong hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam.

Từ năm 1991, ông và thường trực Hội đề xuất và được Ban Bí thư TƯ Đảng và Thủ tướng Chính phủ đồng ý, thành lập Giải Báo chí toàn quốc, tiền thân của Giải Báo chí quốc gia hiện nay.

Phan Quang với báo chí Cách mạng Việt Nam - 2

Ông là người nghiên cứu, chọn lọc, bổ sung, chỉnh sửa và cùng thường trực Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì xây dựng "Quy ước đạo đức báo chí Việt Nam" được Đại hội lần thứ VI Hội Nhà báo Việt Nam thông qua năm 1995.

Không ít công việc do ông khởi xướng, lãnh đạo đã được Hội Nhà báo Việt Nam nhiều nhiệm kỳ ủng hộ, thực hiện, đổi mới, nâng cao… Từ năm 1988 đến hết năm 1997, ông được giao nhiệm vụ là Tổng Giám đốc - Tổng Biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam, tập trung chỉ đạo xây dựng Đài Tiếng nói Việt Nam theo hướng hiện đại, tiếp cận trình độ phát thanh hiện đại khu vực và thế giới (Nguyễn Thế Kỷ "Nhà báo, nhà văn Phan Quang - một tấm gương lao động sáng tạo không ngừng nghỉ", sách đã dẫn trang 15).

Nhà báo Hà Đăng, người bạn thân thiết của nhà báo Phan Quang trong bài viết nhan đề "Cây đại thụ trong làng báo chí cách mạng nước ta" (sách đã dẫn trang 25) sau khi nhắc lại những kỷ niệm trong nghề báo với Phan Quang, nhấn mạnh rằng với Phan Quang "Nghiệp báo nghề văn là một hành trình bất tận".

"Là một nhà báo cách mạng chuyên nghiệp" - nhà báo Hồng Vinh đã nhận xét về Phan Quang như thế trong phát biểu của mình.

Hồng Vinh kể rằng, trong thư viện báo Nhân Dân tại 71 Hàng Trống (Hà Nội), "thật ngỡ ngàng và ngưỡng mộ" trước hàng ngàn bài viết của Phan Quang, những sản phẩm kết tinh công sức và trí tuệ sung mãn của cây bút yêu nghề, luôn sáng tạo, đổi mới từ cách phát hiện vấn đề đến cách thể hiện sinh động, cuốn hút nhờ độ nhạy cảm chính trị, nghệ thuật nắm bắt xu hướng thời cuộc vận động cùng với sự chắt chiu làm giàu vốn ngôn ngữ.

Đọc bài ông, người đọc trân trọng biệt tài giao hòa lửa báo với hơi văn - cách truyền tải các tư liệu từ hiện thực đời sống, dẫn dắt khéo léo người đọc dễ tiếp cận nhờ cách diễn đạt nhẹ nhàng mà tinh tế, bình dị mà lắng sâu (Nguyễn Hồng Vinh: Mấy cảm nghĩ về nghề từ nhà báo lớn Phan Quang, trang 17 sách đã dẫn).

Với hơn 300 trang in khổ 16x24, tập sách "Phan Quang với báo chí Cách mạng Việt Nam" là tập hợp những tình cảm lắng sâu của bạn bè, đồng nghiệp, đồng chí của nhà báo Phan Quang, cũng là những ghi nhận rất cao những đóng góp của ông đối với sự phát triển của báo chí Cách mạng Việt Nam thời gian qua.

Từ cuộc đời và những tác phẩm báo chí của ông, thấy rõ ông luôn thấm nhuần những lời dạy của Bác Hồ đối với người làm báo Việt Nam. Nhà báo Phạm Quốc Toàn kể rằng: "Bác Phan Quang khuyên tôi: "Viết được gì thì cứ viết, hay thì công chúng đọc, chưa hay thì người thân đọc, viết dở thì ta đọc". Và tôi đã noi gương ông trong việc đọc, đi, nghĩ và viết mỗi ngày.

Thật khó có thể nêu hết ở đây những phát biểu, nhưng câu chuyện về nhà báo - nhà văn - dịch giả - nhà văn hóa lớn Phan Quang. Cuốn sách thật sự là một tư liệu quý về một người làm báo Việt Nam tiêu biểu theo phong cách Hồ Chí Minh. Và như nhà thơ Hữu Thỉnh đánh giá, về mặt nghề nghiệp, Phan Quang là một trong số những tên tuổi lớn đóng góp vào một sự thay đổi căn bản trong văn hóa đọc, hình thành một loại hình mới: "Văn báo bất phân".

Qua những trang viết của Phan Quang, "Chúng ta xúc động gặp lại hình ảnh cao quý và gần gũi của Bác Hồ vĩ đại và các đồng chí lãnh đạo của Đảng… Anh Phan Quang còn là người bạn thân thiết của nhiều trí thức hàng đầu của đất nước".

Và theo Hữu Thỉnh, thì qua những nhân vật báo chí nổi tiếng ấy trong tác phẩm của Phan Quang, chúng ta "bắt gặp cả một thời đại" (Hữu Thỉnh: Qua những con người bắt gặp cả một thời đại", sách đã dẫn, trang 53).

Một điều đáng quý ở tập sách "Phan Quang với báo chí Cách mạng Việt Nam" là ngoài những phát biểu, chuyện kể được nêu trong cuộc tọa đàm, ban biên tập còn lựa chọn đưa vào một số bài báo của bạn bè và đồng nghiệp nói về những tác phẩm cũng như cuộc đời làm báo của nhà báo Phan Quang.

Đặc biệt là về những tập sách ông cho xuất bản hơn 20 năm nay, sau khi đã được nghỉ công việc quản lý. Đó là "Hơn hai thập kỷ sau tuổi xưa nay hiếm vẫn đọc - đi - nghĩ và viết: (Nguyễn Lương Phán, sách dẫn, trang 117).

Nhà báo Nguyễn Lương Phán viết: "Hơn 70 năm cầm bút, có tới 30 năm làm "quan" ở những chức vụ khá cao nhưng đêm đêm ông vẫn cặm cụi ghi chép, cần mẫn viết. Giờ đây, khi được thư thả và chủ động thời gian chắc sẽ còn những tập, tuyển tập (Phan Quang) kế tiếp… Là bạn đọc, chúng tôi vẫn luôn hào hứng đón đợi các tác phẩm mới của ông".

Tại buổi tọa đàm, nhà báo Phan Quang đã có những lời tâm tình thật xúc động mà ban biên tập đã ghi lại và đưa vào cuối tập sách "Phan Quang với báo chí Cách mạng Việt Nam", với một nhan đề "thật Phan Quang": "Đôi chút tâm tình lúc cuối đông" (sách đã dẫn trang 227).

Đầu tiên là lời tri ân những người thầy giáo của ông, trong đó có Giáo sư - Nhà giáo Nhân dân Hà Minh Đức có mặt trong buổi tọa đàm "Thầy Đức và trò Quang" đều đam mê văn chương cho nên "vừa là thầy trò vừa là bằng hữu". "Không thầy đố mày làm nên". Ông khẳng định như vậy. Và ông nhắc tới nhà báo Hà Đăng cùng cây đa cổ thụ phố Hàng Trống với lòng "biết ơn". Ông bộc bạch rằng "nếu trời cho còn sống và còn sức khỏe, chúng tôi nguyện đi tiếp con đường Bác Hồ vạch cho báo chí truyền thông".

Ở tuổi ngoài 90 "cõi người có hạn, tâm người vô cùng", nhà báo Phan Quang nhấn mạnh rằng: "Cõi người, tình người là sợi dây gắn bó chúng ta không hề khác biệt về tuổi đời, bất chấp sự khắc nghiệt của thời gian, cùng nhau đi tiếp những chặng đường đáng yêu đáng sống".

Trên khắp các nẻo đường của Tổ quốc, có một chàng thanh niên ra đi từ tuổi đôi mươi, nay vẫn đang bước tiếp trên con đường hướng tới ấm no hạnh phúc của dân tộc, độc lập tự do cho đất nước. Đó là chàng thanh niên Phan Quang Diêu - nhà báo Phan Quang.

Cảm ơn Hội Nhà báo Việt Nam đã có một tập sách quý, về một người viết sử Việt Nam trên các trang báo.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm