Phạm Tiến Duật: Người mang chân dung một thời đại
(Dân trí) - Thời đại tôi muốn nói ở đây là thời đại xây dựng CNXH và chống Mỹ, cứu nước; đấu tranh thống nhất Tổ quốc từ năm 1954 đến năm 1975.
Gọi tắt, đó là thời chống Mỹ; một thời đại gian khổ, thiếu thốn mọi bề, đầu rơi máu chảy khôn xiết nhưng cũng là thời đại hào sảng nhất trong lịch sử dân tộc, thăng hoa mọi giá trị con người.
Tôi không đồng tình cách gọi thời đó là “thời bao cấp’. Cách gọi ấy chỉ xét một tính chất về điều hành kinh tế và mang nghĩa xấu. Ngay cả trong điều hành kinh tế; trong lưu thông phân phối, thời đó làm như vậy do điều kiện lịch sử và cũng kỳ tài.
Yêu cầu của thời đại đó là gì?
Muốn xây dựng CNXH phải có con người XHCN, con người mới có tinh thần yêu nước nồng nàn, có tri thức cao, có tinh thần mình vì mọi người, mọi người vì mình.
Muốn giải phóng dân tộc, phải lớp cha trước, lớp con sau ra trận, tất cả vì tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta thì ta còn phải chiến đấu quét sạch nó đi.
Mọi thước đo giá trị, đều dựa trên yêu cầu tối cao ấy của thời đại. Cuộc chiến đấu ấy của dân tộc ta mang ý nghĩa nhân đạo và nhân loại cao cả.
Phạm Tiến Duật (1941-2007) được coi là thế hệ sinh ra cùng Cách mạng Tháng Tám, có tuổi thơ trong kháng chiến chống Pháp; sống và cống hiến vẻ vang trong thời đại chống Mỹ.
Ngày ấy việc nỗ lực học tập, lựa chọn nghề nghiệp không phải chủ yếu là một sinh kế; mà chủ yếu là khao khát hiểu biết, khao khát dùng kiến thức ấy để cống hiến. Vào ĐHSP Hà Nội, Phạm Tiến Duật mong trở thành một người thầy, đem sức mình đóng góp cho sự nghiệp trồng người, xây dựng những con người mới XHCN. Ở trường, ông không chỉ học văn mà còn tranh thủ học hội họa, học nhạc và cả học múa để có một kiến thức toàn diện. Triết học cũng là một đam mê. Ham học, bắt buộc mình tự học là một tính cách được giữ đến trọn đời.
Năm 1964, Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc hòng ngăn chặn sức mạnh hậu phương, bằng sức mạnh không quân đẩy Việt Nam về thời kỳ đồ đá. Ngày nay, có những kẻ không qua một ngày bom đạn, muốn xét lại chiến tranh, xét lại cha ông; không những phi khoa học, còn thể hiện sự bạc bẽo, vô ơn.
Tốt nghiệp đại học năm 1965, Phạm Tiến Duật nhập ngũ. Lúc này, đất nước rất cần người cầm súng. Đó là lớp sinh viên đầu tiên vào bộ đội. Và rất giản dị, rất bình đẳng, anh sinh viên cũng như người nông dân khoác áo lính, đều là binh nhì. Thoạt đầu, Phạm Tiến Duật là pháo thủ cao xạ pháo; sau đó là chiến sĩ lái xe thuộc Đoàn 559.
Chiến tranh không có lựa chọn. Chỉ điều động. Con người chỉ có một lựa chọn: Lựa chọn vì đất nước và sống như thế nào trong hoàn cảnh được đưa tới.
Phạm Tiến Duật, như nhiều thanh niên trong thời đại ấy đã lựa chọn cho mình con đường cầm súng. Rất tin tưởng ở thắng lợi, nhưng đó là một ngày nào. Còn điều chắc hơn ai cũng biết đi chiến trường là chết. Một anh sinh viên văn khoa càng biết rõ ràng hơn: Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu/ Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi. Sự lựa chọn này vừa là truyền thống “xả thân thủ nghĩa”, “quốc gia hưng vong, sất phu hữu trách”, “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”; vừa mang tinh thần, ý chí thời đại mà sau này Lê Mã Lương phát biểu: “Cuộc đời đẹp nhất là ở trên trận tuyến đánh quân thù”.
Quả vậy, quãng đời ở Trường Sơn là quãng đời đẹp nhất của nhà thơ Phạm Tiến Duật. Chỉ khi ở đây, ông mới thấu hiểu và ghi nhận được vẻ đẹp và sức mạnh của thời đại mình qua hình ảnh rất cụ thể của người chiến sĩ lái xe, cô TNXP, người tư lệnh, người mẹ Pa Cô, Vân Kiều… Trong chiến tranh chống Mỹ, Trường Sơn là tựu trung của mọi tựu trung. Cái gì ở nơi khác có, Trường Sơn cũng có. Cái gì nơi khác không có, Trường Sơn cũng có. Trường Sơn đã cho Phạm Tiến Duật một kho báu. Ngược lại Phạm Tiến Duật đã làm sáng lên Đường Trường Sơn. Mỗi chiến sĩ Trường Sơn, rộng hơn, cả dân tộc thời ấy đều soi thấy mình trong câu thơ của ông.
Bài Tiếng bom ở Seng Phan có đoạn :
Tôi đứng giữa Seng Phan
Cao hơn tiếng bom là khe đá tiếng đàn
Tiếng mìn công binh phá đá
Tiếng điếu cày rít lên thong thả
Thế đấy giữa chiến trường
Nghe tiếng bom rất nhỏ.
Đây là tâm lý, là thế đứng của Việt Nam những ngày đánh Mỹ. Khi cả thế giới lo sợ, lương tri bị thách thức trước sức mạnh quân sự, sự bạo tàn của đế quốc Mỹ thì sự bình thản Việt Nam, tự tin Việt Nam đã làm nên sự cứu rỗi cho cả nhân loại. Nhân nói về sự bình thản, tôi nhớ người Khu Bốn tuyến lửa hồi ấy hay nói: “Việc hắn hắn mần, việc ta ta mần”! Cái câu ấy nói giản dị ấy mà chứa dựng bên trong biết bao sức mạnh, cái sức mạnh không thể gì chi phối, chứ đừng nói đè bẹp, lung lay. “Tiếng hát át tiếng bom” cũng ra đời ở vùng đất ấy, thời kỳ ấy. Thế đấy giữa chiến trường, Nghe tiếng bom rất nhỏ, là một hiện thực của âm thanh, của lòng người mang ý nghĩa triết lý của một thời đại.
Lửa đèn, Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Gửi em cô Thanh niên xung phong, Nhớ là chùm bài được Giải nhất cuộc thi thơ của báo Văn nghệ năm 1969-1970 của nhà thơ Phạm Tiến Duật. Ông là thế hệ đầu, là nhà thơ độc đáo, xuất sắc nhất trong thơ chống Mỹ. GS Lê Đình Kỵ từng nhận xét: Thơ chống Mỹ có hai trường phái nổi bật: “Trường phái Chế Lan Viên là trường phái tìm cái đẹp từ bên trong ngưng đọng của lý trí; trường phái Phạm Tiến Duật tìm cái đẹp từ trong các diễn biến sôi động của cuộc sống”.
Phạm Tiến Duật viết: “Lê Đình Kỵ đã gọi đúng về tôi. Nếu không có cuộc sống với những con người đa dạng ồn ào bao quanh với xô bồ chi tiết trôi chảy từng phút, từng giờ, thì hình như tôi không có thơ”. Qua đây, ta thấy tính xác thực, hơn thế là tính hiện thực trong thơ Phạm Tiến Duật. Ông là “họa sĩ” của Đường Trường Sơn; là thư ký trung thành chép sử thời đại. Giá trị sử liệu trong thơ Phạm Tiến Duật rất lớn. Bài thơ về tiểu đội xe không kính viết về chính anh và tiểu đội của anh chân thực đến từng chi tiết: Không có kính, không phải vì xe không có kính/ Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi…/ Không có kính, ừ thì có bụi/ Bụi phun tóc trắng như người già/ Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc/ Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha.
“Gửi em, cô Thanh niên xung phong” viết ở Hà Tĩnh năm 1968:
Cạnh giếng nước có bom từ trường
Em không rửa, ngủ ngày chân lấm
Ngày em phá nhiều bom nổ chậm
Đêm nằm mơ nói mớ vang nhà.
Cô gái tinh nghịch, ở Thạch Kim nói là Thạch Nhọn, đêm về hay nói mớ ấy có nguyên mẫu, đó là O Nhị, đã có mặt tại Hà Nội năm 2007 lúc tác giả lâm trọng bệnh.
Nhưng nói thơ Phạm Tiến Duật giàu tư liệu cuộc sống chỉ mới đúng một nửa. Nói cho chính xác, thơ Phạm Tiến Duật là kết tinh vẻ đẹp của thực tế cuộc sống, sự hàm súc và đột khởi của trí tuệ và sự chân thành, lắng sâu của tình cảm. Không nhiều nhà thơ gồm đủ ba điều ấy.
Phải là người lính đầy tự tin, dũng mãnh và phải là lớp trí thức mới viết được câu thơ Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng. Cảm nhận của ông trong “Lửa đèn” đầy những thị giác, thính giác, nhưng cảm nhận ấy còn được dẫn dắt bởi trí tuệ, nâng câu thơ lên tầm triết lý: Mạch đất ta dồi dào sức sống/ Nên nhành cây cũng thắp sáng quê hương; Nơi tắt lửa là nơi vang rền xe xích/ Kéo pháo lên trận địa đồng cao; Nơi tắt lửa là nơi dài tiếng hát/ Đoàn thanh niên xung phong phá đá sửa đường…
Phạm Tiến Duật còn là người đưa cái bề bộn của cuộc sống thành những chất liệu thơ, đem sự chính xác của báo chí vào thơ: Từ trên trời bảy trăm mét/ Nhìn thấy lửa que diêm sáng mặt người/ Một nghìn mét từ trên trời/ Thấy ánh lửa đèn hàn chớp lóe. Tác giả kể, kiến thức ấy là hoàn toàn chính xác, vì tác giả đã đọc và ghi vào sổ bài báo thông tin khoa học quân sự trên báo Nhân Dân Ánh sáng mặt đất và độ cao phòng không. Hiệu quả nghệ thuật đạt được chính là, từ sự chính xác này, người đọc sẽ tin được sự chính xác của những kết luận mà nhà thơ đi tới sau đó.
Những từ mà nhân dân, bộ đội ta hay dùng, Phạm Tiến Duật cũng đem vào thơ rất ngọt. Hơn thế, anh không ngại bộc lộ con người tự nhiên của mình khi nằm nghiêng, nằm ngửa ngắm trăng hay tranh thủ liếc nhìn các cô TNXP Tranh thủ có ánh sáng đèn dù/ Anh vội nhìn em và bạn em khắp lượt/ Mọi người cũng tò mò nhìn anh/ Rồi bóng tối lại khép vào bóng tối. Điều này các nhà thơ sách vở, các nhà thơ cổ điển không làm được.
Các nhà thơ Đổi mới đem mọi từ vào thơ nhưng không làm nên chất thơ. Đó là gì? Đó là cái riêng của Phạm Tiến Duật, cái vẻ đẹp tự nhiên – có thể nói được biểu hiện mọi lúc, mọi nơi của cuộc sống thời chống Mỹ. Tất cả đều được soi sáng, bảo đảm bằng vẻ đẹp lý tưởng. Anh lái xe trằn trọc trong mọi tư thế trên cánh võng, có thể nghĩ đến nhiều điều nhưng nhớ nhất vẫn là với những chuyến hàng lên phía trước, nên Nôn nao ngồi dậy nhớ lưng đèo. Những cô gái TNXP tinh nghịch càng làm tăng thêm vẻ đẹp của lứa tuổi và ý thức về sứ mệnh của họ: Bụi mù trời mùa hanh/ Nước trắng khe mùa lũ/ Đêm rộng đêm dài là đêm không ngủ/ Em vẫn đi, đường vẫn liền đường.
Đọc thơ Phạm Tiến Duật, lúc nào tôi cũng xao xuyến cảm động vì tình yêu thương con người của anh. Đó là thứ tình cảm bên trong, là cái sâu xa của tình đồng đội chứ không phải từ ngoài nhìn vào, từ trên nhìn xuống. Có khi ông nhờ hình ảnh Khăn xanh, khăn xanh phơi đầy lán sớm, Sách giấy mở tung trắng cả rừng chiều; có khi không nén được phải thốt lên nhiều lần Thương em, thương em, thương em biết mấy. Đi bộ đội, đi đánh giặc mà cứ lãng mạn, cứ thương hết cô gái này đến cô gái khác. Đây là “cô bộ đội ấy đã đi xa” Nhớ nhau, nhớ nhau những buổi mưa dầm/ Căn nhà dột tóc em ướt hết/ Anh ngồi nghĩ gì em chẳng biết/ Cứ hát tràn những câu hát bâng quơ. Nhưng không có tình thương ấy, không vì những cô gái ấy thì người ta đã không đi đánh giặc. Giặc thua ta là thua ở cái ý thức ấy, ở cái tình thương ấy.
Tôi cho Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây là bài thơ hay nhất của Phạm Tiến Duật và hay nhất của thơ chống Mỹ. Nó miêu tả chân thực khung cảnh chiến trường, không khí thời đại, tình đồng đội và cả điều sâu xa hơn thế. Nổi bật là cái ríu rít, quấn quýt của tình yêu. Đường ra trận bằng tình yêu, trong tình yêu không thể không là con đường chiến thắng! Mọi gian khổ, hiểm nguy sao mà nhẹ nhõm đến dường kia! Các nhân vật trong thơ, cái con người kỳ lạ thời đó không bao giờ nghĩ đến cái chết, chỉ nghĩ đến sự sống. Suy rộng ra, một dân tộc như thế không thể gì đè bẹp.
Với bộ đội Trường Sơn, bài thơ khi được phổ nhạc đã thành bài hát truyền thống.
Tôi muốn nói thêm đôi điều. Ngày ấy người ta cần thơ như cần ăn, cần không khí để hít thở. Cả xã hội, đặc biệt là các đồng chí lãnh đạo rất quan tâm đến văn nghệ sĩ. Từ miền bắc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp điện cho Tướng Đồng Sĩ Nguyên, Tư lệnh 559, phải chăm lo tốt cho Phạm Tiến Duật. Vì thế, là thượng sĩ nhưng anh được hưởng tiêu chuẩn như một thượng tá, có phòng riêng, có điện để ngồi sáng tác. Từ chiến trường ra, ông được rất nhiều Ủy viên Bộ Chính trị mời cơm. Riêng Thủ tướng Phạm Văn Đồng còn nói chuyện lâu với anh về nghề nghiệp. Ông nói: Văn nghệ không chỉ vì cái trước mắt. Còn phải nhìn xa hơn, con người hơn. Không chỉ là cuộc chiến đấu này, sư đoàn này, thời khắc lịch sử này mà là cả nhân quần, cả mai sau.
Thế đó, văn nghệ thời ấy đâu có cứng nhắc, đâu chỉ biết minh họa!
Phạm Tiến Duật là người rất thương mến, chăm chút và không có khoảng cách trong giao tiếp với thế hệ trẻ, mặc dù ông với họ cách biệt đẳng cấp giữa một nhà thơ lớn và những cây bút mới vào nghề. Nếu trước đây, trong Hội Nhà văn Việt Nam có Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên, Huy Cận… là những người làm công tác đối ngoại rất giỏi bởi uy tín cá nhân, bởi tài hùng biện; thì sau này, đảm đương công việc ấy không ai bằng Phạm Tiến Duật và Hữu Thỉnh.
Và con người nghệ sĩ bậc nhất ấy thường rất đúng hẹn về bài vở đối với các báo. Ông có tình cảm đặc biệt đối với tạp chí VNQĐ và báo Nhân Dân, coi đó là ngôi nhà của mình. Một tình cảm và cũng là một lập trường.
Vào năm 2003, ông tặng tôi tập sách “Vừa làm vừa nghĩ” do NXB Văn học ấn hành. Ở đó, ông bàn nhiều về thơ và nhiều ý kiến vô cúng xác đáng. Ông khẳng định sự thật thà, chân thành chính là cái gốc, cái bí mật của văn chương.
Trong công cuộc đổi mới thơ “chộn rộn”, ai cũng muốn riêng, muốn khác lạ; ông viết: “Thơ chỉ biết đến thơ mà không biết đến đời thì thơ thua xa một cái máy vi tính” (Vừa làm vừa nghĩ, tr. 59). Gần như có xu hướng phủ định vàn trong thơ, cho thơ không vần mới là hiện đại.
Ông nhẹ nhàng nhắc nhở: “Dù số người làm thơ không vàn ngày một đông lên nhưng không vì thế mà vần điệu ở ta và ở Tây nữa mất đi. Vần là một hiện tượng ngôn ngữ kỳ diệu. Vần là quầng sáng chói lọi của tiếng nói. Trong sự trôi, chảy đi, cuốn đi của dòng âm thanh , vần đọng lại trong trí nhớ con người một cách mạnh mẽ. Sở dĩ có điều ấy là vì vần tồn tại trong điệu như những dấu mốc dẫn lối chỉ đường cho sự trôi chảy của dòng âm thanh” (SĐD, tr.65).
Ông lại viết về sự “phá cách” như sau: “Bây giờ nhiều nhà thơ trẻ, nhân danh cải cách, nhân danh hội nhập mà tiếng Tây thì trọ trẹ, tiếng ta thì chẳng cần quan tâm. Mầy mò lại cái cũ mà làm gì, người ta đang tìm cái mới, cái lạ còn chưa xong lại còn sinh sự! Cái cũ phải phá. Vâng, đúng. Nhưng muốn chặt một cái cây mà chẳng biết rễ cay ấy thế nào, tán cây ấy thế nào thì có cơ cái cây đổ sẽ rơi xuống đầu người chặt (SĐD, tr. 215).
Đầu năm 2007, tôi có bài thơ “Tân niên thán lão” (Năm mới than già) viết theo thể thất ngôn bát cú được ông khen. “Anh Duật đãi chú một chầu bia và muốn bàn cùng chú đôi điều về thơ”, ông gọi điện bảo. Ông luôn là bậc thầy, người anh của chúng tôi. Cuối năm đó anh đi. Mới đó mà đã gần mười năm. “Thời gian đi như một vệt sao dài”, trong vệt sao ấy, hình ông càng ngày càng lớn dần trong nỗi nhớ người thân, trong lịch sử văn học. Tiếc Từ điển văn học của ta viết nhiều chuyện xa xôi mà chưa có tên ông.
Lại nhớ câu thơ của ông Đốt lòng nhau cứ gì phải lửa/ Tiếng hát trong rừng bay xa, bay xa…