Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên:

“Phải dùng đến những thứ ngoài văn học thì … vứt!”

“Thứ văn học mà phải dùng đến những thứ ngoài văn học thì rất có thể cũng… đáng vứt đi!” - nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên lấy làm nghi ngại trước câu chuyện cô gái 27 tuổi phát ngôn gây sốc về sex và trinh tiết...

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên

“Thứ văn học mà phải dùng đến những thứ ngoài văn học thì rất có thể cũng… đáng vứt đi!” - nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên lấy làm nghi ngại trước câu chuyện cô gái 27 tuổi phát ngôn gây sốc về sex và trinh tiết - được cho là nhằm hướng sự chú ý đến cuốn sách mới “Đừng chết vì yêu” của cô.

Đừng chết vì… (bán) sách!

Là người thường nắm giữ vai trò dẫn chuyện trong không ít cuộc ra mắt sách, anh thấy câu chuyện này có… bình thường?

27 tuổi, cái tuổi cũng đã không còn “nhỏ dại”, lại nghe nói đã có 5 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, và như vậy, tất nhiên là câu chuyện hẳn đã phải được tính trước. Giật gân, lá cải, hẳn rồi! Nhưng thế là ít nhiều, họ cũng đã đạt được mục đích. Đáng buồn là, những chuyện bất thường (dùng những chiêu trò phản văn hóa để giới thiệu một sản phẩm văn hóa) lại đang dần trở nên bình thường trong đời sống văn học ở ta: Hai chữ “câu khách” đang chế ngự không ít người làm sách, viết sách, từ khâu giật tên sách, tít báo, minh họa bìa, chọn những câu chữ “gợi cảm” đưa ra bìa gập, bìa 4… Trong cảm quan của một nhà phê bình văn học thì tôi ngờ rằng thứ văn học mà phải dùng đến những thứ ngoài văn học để “ăn đậu ở nhờ” thì rất có thể cũng chỉ đáng vứt đi mà thôi!

Vẻ như, những chiêu trò trong showbiz đang được một số nhà làm sách vận dụng triệt để?

Và chính điều đó đã làm lu mờ đi chủ thể chính của sự kiện là cuốn sách và lao động sáng tạo của tác giả. Là người bạn đồng hành, dĩ nhiên tôi rất hiểu tâm lý của những người làm sách và viết sách trong thời buổi văn hóa đọc chật vật tìm người đọc như hiện nay, nhưng không vì thế mà tôi ủng hộ kiểu đánh bóng tên tuổi bằng những chiêu trò mang tên “showbiz” giật gân, rẻ tiền như vậy. Ở đây, ta chưa bàn đến chuyện quan điểm của cô gái là đúng hay sai, nhưng cách cô ấy chọn nói về những chủ đề nhạy cảm, ở thời điểm mà ai cũng hiểu là người nói đang muốn hướng sự chú ý đến cái gì, thì tôi e là không ổn. Nếu các “kỳ cuộc” ra mắt sách mà cứ kèm theo các bài báo gây sốc kiểu này thì đến một lúc nào đó (mà cái lúc đó tôi đồ là đã đến rồi), liệu còn mấy ai tin vào giá trị (thực có) của những cuốn sách…

Chẳng phải anh cũng đã từng có lúc phải nói “những lời có cánh” khi nhận lời giúp các nhà sách sao? Điều đó tốt hơn ư?

Tôi không nghĩ mình đã dùng đến “những lời có cánh” chỉ để lăng xê một cuốn sách không đáng đọc, càng không đáng để tôi phải đánh đổi uy tín bao năm gầy dựng của một nhà phê bình. Tôi cũng không nói, tất cả những nhận định của tôi - dù là một người có chuyên môn - đều là đúng, nhưng ít nhất, tôi đã rất cân nhắc câu chữ và lời ăn tiếng nói của mình để không đưa ra những nhận xét quá bốc đồng và thiếu tin cậy. Tổ chức một cuộc ra mắt sách thì dễ, nhưng nếu như làm không cẩn thận, thì sẽ rất khó lấy lại lòng tin của người đọc, một khi họ phát hiện ra thứ mà họ được mời ăn kia bất quá cũng chỉ là “bánh vẽ”.

Chúng ta chẳng lạ gì nhau

Nói đi thì cũng phải có nói lại. So với thời văn hóa đọc còn được săn đón, thì hiện nay, để in được một bài điểm sách trên báo đâu có dễ (trừ khi “mua đất”, hay giật tít “lừa tình”…). Nên phần nào đó, cũng nên thông cảm với sức ép mà những người viết sách/làm sách phải chịu?

Tôi không chắc cô gái “nói không với sex trước hôn nhân” kia có phải chịu sức ép nào từ nhà làm sách trong chuyện bán sách hay không. Nhưng rõ ràng, nếu như cô ấy không muốn, thì chẳng ai có thể bắt cô ấy nói những điều đó cả. Có câu “hữu xạ tự nhiên hương” tưởng đã lỗi thời, nhưng thực ra nó vẫn còn “hiệu lực” đấy! Tôi biết có một người rất chăm viết, nhưng đặc biệt lười ra mắt sách mà sách vẫn bán chạy như thường là nhà văn Nguyễn Việt Hà. Hay như nhà thơ Vi Thùy Linh, dù là một thái cực khác hẳn: Bảo cô ấy có làm PR cho sách không, có chứ, nhưng đó lại là một thứ PR sạch sẽ và đầy kiêu hãnh. Lần đầu tiên có một cuộc giới thiệu sách được thực hiện tại Nhà hát Lớn, với sự tham gia tình nguyện của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, chỉ vì một câu hỏi mà lẽ ra chúng ta phải hỏi nhau lâu rồi: Tại sao hầu khắp các bộ môn nghệ thuật khác đều đã từng được tôn vinh ở đó, còn thơ thì không? Và người đã đưa câu hỏi đó ra một cách tự tin và quyết liệt lại chính là một cô gái trẻ (rồi sau đó là thêm nhà thơ Hồng Thanh Quang). Giới thiệu sách tất nhiên có nhiều cách và nhiều con đường, tùy vào điều kiện và cả tính cách, quan niệm của từng người. Nhưng trên hết, bản thân người sáng tạo phải biết tôn trọng chính sản phẩm sáng tạo của mình. Bằng không, thì cũng đừng mong được độc giả tôn trọng.

Một thời, bạn đọc chọn sách theo kim chỉ nam là nhà phê bình. Nhưng ngày nay, nghe chừng là khó mà tìm được những tác giả “Thi nhân Việt Nam” lắm, khi mà nhà phê bình - thay vì đi phát hiện, lại thường làm theo “đơn đặt hàng”. Nhà phê bình, họ đang ở đâu, theo anh?

Đúng là đang có những bước đi lùi và rời xa vị trí, nếu như thiên chức số 1 của nhà phê bình phải là phát hiện, đưa ra trước văn đàn những giá trị chưa được và cần được đông đảo bạn đọc biết tới. Bản thân tôi cũng vậy. Dù vẫn đọc khá đều và giữ liên lạc khá chặt chẽ với một số BTV uy tín của các nhà sách - cũng là một trong những kênh giúp tôi phát hiện những đầu sách tốt, nhưng đôi khi vì lẽ này hay lẽ khác mà tôi đã chưa làm tròn phận sự của mình. Chẳng hạn như gần đây, tôi có đọc được hai cuốn “Ngựa thép” của Phan Hồn Nhiên và “Cơ bản là buồn” của Nguyễn Ngọc Thuần, cũng thích lắm, nhưng vẫn chưa thu xếp viết được cho thấu đáo…

Nhân nói đến văn học trẻ. Anh không để ý, tác phẩm vừa đoạt giải nhất “Văn học tuổi 20” lần 5 cũng có một cái tên khá… “khêu gợi” sao: “Người ngủ thuê”?

Gợi, thì nhiều cách gợi lắm, và đôi khi, cũng còn là ở văn hóa tiếp nhận. Nhưng tôi tin, với một cuộc thi uy tín và giàu tâm huyết như “Văn học tuổi 20”, thì bản thân nó cũng đã là một sự bảo chứng rồi! Chẳng phải chúng ta chẳng lạ gì nhau sao?!

Theo Thủy Lê
Lao động