Phái đoàn Liên minh châu Âu tham dự Ngày Thơ Việt Nam
(Dân trí) - Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán các nước thành viên Liên minh châu Âu và các Trung tâm Văn hóa châu Âu tại Việt Nam sẽ giới thiệu một số tác phẩm thơ ca châu Âu chọn lọc nhân dịp Ngày thơ Việt Nam 2016 vào ngày 21 – 22/2.
Nhân Ngày Thơ Việt Nam năm nay, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán các nước thành viên Liên minh châu Âu và các Trung tâm Văn hóa châu Âu tại Việt Nam sẽ giới thiệu một số tác phẩm thơ ca châu Âu chọn lọc vào ngày 21 - 22.2. Theo đó, ngày 21/2 sẽ diễn ra tọa đàm thơ ca Thơ trên đường đời tại Trung tâm Văn hóa Pháp, 24 Tràng Tiền, Hà Nội. Hoạt động nhằm tăng cường giao lưu văn hóa và quảng bá sự đa dạng của văn thơ châu Âu tới các khán giả yêu thơ Việt Nam.
Hội thảo có sự góp mặt của nhà thơ Pháp đoạt giải thưởng Goncourt năm 1996 André Velter; nhà văn, nhà thơ, dịch giả, nhà nghiên cứu Bỉ từng giành Giải thưởng Sách châu Âu năm 2015 Jean-Pierre Orban; nhà thơ, nhà văn, dịch giả Nguyễn Quang Thiều; nhà văn, nhà phê bình, dịch giả Phạm Xuân Nguyên…
Nói về sự kiện này, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên chia sẻ: “Cuộc sống là những con đường. Bao bước chân người đã cùng đi trên một con đường để tìm về một cái đích nào đó. Đường trong cuộc đời do những số phận người vạch ra. Những con đường đời của từng cá nhân đơn lẻ gặp nhau, cắt nhau, gần nhau rồi xa nhau, tạo nên lịch sử của mỗi con người và cả loài người. Sống là đi trên đường, đi bằng bước chân và đi bằng số phận.
Trên hành trình đó con người đã làm ra thơ, cũng như văn học nói chung, để có bạn đồng hành, để chia sẻ cùng nhau những cảm nghiệm, trải nghiệm về cuộc sống của mỗi người và mọi người trên trái đất, trong thế gian. Nhà văn Pháp Stendhal từng nói mỗi tác phẩm văn học giống như tấm gương kéo lê trên đường cái, phản ánh cả bầu trời cao, cả vũng nước nhỏ bên đường. Và có thể thêm cả những vũ trụ sâu thẳm trong hồn người đi trên đường.
Gian nan là những con đường của loài người trên mặt đất, đường sa mạc, đường đầm lầy, đường cao nguyên ban tích, họ ở đâu - những cô gái trong truyện cổ tích có nhiệm vụ rắc hoa lên những con đường ấy, nhà văn Thụy Điển Selma Lagerlof đã viết vậy”.
Ngày 22/2, sẽ giới thiệu sự đa dạng của thơ ca châu Âu, cụ thể nhà thơ André Velter và Jean-Pierre Orban sẽ có mặt tại gian thơ EU để giao lưu với khán giả của Ngày Thơ Việt Nam. Ngoài ra, hai nhà thơ sẽ trình diễn thơ trên sân khấu chính.
Ngày thơ Việt Nam lần thứ XIV sẽ diễn ra vào 8h30 ngày 22/2 tức Rằm tháng Giêng năm Bính Thân tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội với chủ đề: Mừng xuân, mừng Đảng.
Theo đó, đồng thời trên cả 3 sân Văn Miếu, Thái Học, Hồ Văn sẽ diễn ra các chương trình đọc thơ, ngâm thơ, trình diễn thơ và hoạt động của các đoàn nghệ thuật. Tại Thiên Quang Tỉnh, khai mạc không gian triển lãm về các nhà thơ thời kỳ chống Pháp; khai mạc gian trưng bày nét đẹp văn hóa của các tỉnh, TP, các trường ĐH và sự góp mặt của đại diện Cộng đồng châu Âu.
Các CLB thơ tiến hành các hoạt động phong phú trên phố Nghệ thuật tại khu vườn Văn Miếu. Chương trình Thả thơ là màn trình diễn truyền thống và độc đáo bế mạc Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XIV.
Cũng nằm trong chuỗi kỷ niệm, Ngày Thơ Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh sẽ chia làm 3 chương trình hoạt động trong 3 ngày liên tiếp. Các hoạt động gồm: hội thảo Sức sống thi ca đô thị, giao lưu thơ. Ngày thơ chính sẽ được tổ chức tại trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP vào 15 tháng Giêng năm Bính Thân.
Hà Tùng Long