PGS, TS Trịnh Hòa Bình: Làm mọi cách để chặn đứng xu hướng “văn hóa 18+”
Liên quan tới việc “để lọt” một vài ấn phẩm đồi trụy, có yếu tố gợi dục… trong các ấn phẩm truyện, chương trình game show truyền hình PV báo Dân Việt đã có cuộc phỏng vấn với PGS, TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học).
TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học).
Thưa ông, vừa qua dự luận có rộ lên thông tin trong một cuốn truyện cổ tích về muông thú có những đoạn mô tả rất gợi dục, phản cảm. Dư luận cho rằng đây chính là liều “thuốc độc” với trẻ em? Ông có đồng ý với quan điểm này?
Thực ra, không phải bây giờ ta mới đề cập tới những vấn đề nhạy cảm, bạo lực trong các ấn phẩm dành cho trẻ em. Cần nhớ rằng trước đây chúng ta đã nhiều lần phát hiện những sai phạm liên quan tới vấn đề này. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận một thực tế là gần đây xu hướng viết truyện có “cài” các yếu tố gợi cảm, liên quan tới tính dục càng trở nên phổ biến, có xu hướng trở thành một trào lưu đáng quan tâm.
Dưới góc độ của một nhà nghiên cứu xã hội học tôi cho rằng đúng là các ấn phẩm này là “liều thuốc độc” có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển nhân cách, tâm lý của trẻ sau này. Chính vì vậy, cần phải làm mọi cách để chặn đứng xu hướng “văn hóa 18+” này.
Đâu là nguyên nhân dẫn tới các các ấn phẩm, chương trình thiếu lành mạnh này phát tán như hiện nay, thưa ông?
Để xảy ra những lỗi nghiêm trọng như trên có nhiều nguyên nhân. Có những nguyên nhân chủ quan, có những nguyên nhân khách quan. Trước hết là do sự yếu kém về năng lực của đội ngũ viết truyện, đội ngũ biên tập sách.
Vì thiếu sự tìm tòi, nên họ không chọn được cách tiếp cận phù hợp, đa phần này chỉ dừng lại ở việc mô tả, kể lể, khiến độc giả có xu hướng nhấm nháp, tăng nhu cầu tự khám phá ở trẻ mà không để ý tới sự phát triển lâu dài về nhân cách của trẻ.
Bên cạnh đó, cũng có không ít những nhà xuất bản bất chấp hậu quả, đã tìm cách cài, cắm nội dung nhạy cảm vào sách nhằm tăng view, tăng lượng phát hành. Tuy nhiên, công bằng mà nói số này là không nhiều.
Bình luận về nội dung được cho là nhạy cảm trong truyện tranh “Tuyên cổ tích về các loài chim và muông thú”, bà Võ Thanh Việt - PGĐ Nhà xuất bản Văn Hóa - Thông tin cho rằng do "bạn đọc suy diễn". Ông nghĩ gì về điều này?
Quan điểm cá nhân tôi cho rằng là một người làm sách, làm ấn phẩm văn hóa cần có một cái nhìn thấy đáo dựa trên những căn cứ khoa học trước khi kết luận.
Có thể nội dung gợi dục trong các ấn phẩm truyện, các chương trình game show là không lớn nhưng nó có thể ảnh hưởng lớn, lâu dài tới sự phát triển bền vững trong nhân cách của trẻ trong tương lai.
Chuyện các ông bố bà mẹ thể hiện quan điểm, không đồng tình với cách thể hiện trong cuốn truyện này cũng là dễ hiểu bởi họ có quyền “làm lớn” chuyện khi mà câu chuyện đấy có thể tác động không tốt tới sự hình thành và phát triển tâm lý, nhân cách của con họ sau này.
Vậy theo ông chúng ta cần phải có cách ứng xử thế nào cho phù hợp trước việc xuất hiện ngày càng nhiều ấn phẩm, các chương trình được cho là không lành mạnh với trẻ em?
Tôi nghĩ rằng chỉ có một cách ứng xử duy nhất cần làm trước mắt là “tẩy chay” những ấn phẩm không lành mạnh ảnh hưởng tới sự phát triển về thể chất và tinh thần của trẻ.
Về lâu dài, cần thay đổi cách nhìn của những nhà quản lý theo hướng gắn tăng trách nhiệm của họ với các ấn phẩm mà họ xuất bản. Tăng trách nhiệm cụ thể đòi hỏi các nhà làm sách, nhà quản lý xuất bản không chỉ phải có “tâm” mà còn cần có cái “tầm”.
Về phía gia đình, cha mẹ các cháu cần phải hiểu nhận biết được họ là một “đầu lọc” cuối cùng, quan trọng quyết định việc ủng hộ hay từ chối cuốn sách, chương trình có yếu tố nhạy cảm này. Nếu mỗi người trong xã hội tự xây dựng cho mình một quan điểm, cách nhìn đúng dựa trên sự phát triển toàn diện của trẻ thì tôi nghĩ các ấn phẩm không lành mạnh sẽ “hết đất sống” thôi.
Theo ông, thời gian tới chúng ta cần làm gì để có thể chặn đứng một thực trạng mà ông cho nó đang trở thành một xu hướng này?
Như trên đã phân tích, có nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng, xuất hiện ngày càng nhiều ấn phẩm có nội dung không lành mạnh cho trẻ.
Để thay đổi thực trạng này cần sự nỗ lực từ nhiều phía. Trước hết là những người làm sách, làm chương trình cho trẻ ngoài các “tâm” cần phải có cái “tầm” trong việc xử lý văn bản, câu chuyện theo hướng định hướng kiến thức, thay vì chỉ cố gắng để miên tả trần trụi câu chuyện nhạy cảm.
Mỗi gia đình cũng cần là một “đầu lọc” giúp con em mình lựa chọn những ấn phẩm có giá trị. Bên cạnh đó, tôi nghĩ các cơ quan như Cục chăm sóc Bảo vệ trẻ em, Hội bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng cũng cần phải có ý kiến mạnh mẽ hơn về vấn đề này.
Xin cảm ơn ông!
Theo Minh Nguyệt
Dân Việt