Ông Trần Thanh Mẫn nêu giải pháp phát triển thiết chế văn hóa, thể thao
(Dân trí) - Phát biểu tổng kết Hội thảo Văn hóa 2024 diễn ra ngày 12/5 tại Quảng Ninh, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh các giải pháp phát triển thiết chế văn hóa, thể thao.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, hội thảo đã nêu rõ những vướng mắc, bất cập như nội hàm "thiết chế văn hóa, thể thao" chưa được quy định rõ ràng, quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa, thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 chậm ban hành.
Một số chỉ tiêu đề ra trong các chiến lược và quy hoạch về xây dựng các công trình văn hóa quốc gia chưa đạt, còn ít công trình văn hóa, thể thao có quy mô lớn, hiện đại, đủ điều kiện để tổ chức các sự kiện tầm cỡ quốc tế. Việc đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao ở một số khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị chưa được quan tâm đúng mức.
"Việc quản trị nội bộ một số cơ quan, đơn vị còn yếu kém, chất lượng, hiệu quả dịch vụ thấp. Việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các đơn vị sự nghiệp công lập còn chậm. Xã hội hóa lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công chưa đáp ứng yêu cầu. Việc khai thác đối với các tài sản tại các thiết chế văn hóa, thể thao chưa thực sự hiệu quả…
Ngân sách nhà nước đầu tư cho xây dựng, quản lý thiết chế văn hóa, thể thao còn thấp, phân tán, chưa đáp ứng yêu cầu. Việc thực hiện tự chủ tài chính đối với nhiều đơn vị sự nghiệp công lập, kinh phí để xây dựng mới, sửa chữa hoặc nâng cấp, mua sắm trang thiết bị của các thiết chế văn hóa, thể thao rất khó khăn, nhất là các địa phương chưa tự chủ được về tài chính.
Đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động làm việc tại nhiều thiết chế chưa bảo đảm yêu cầu về cơ cấu, số lượng và chất lượng. Nhiều đơn vị nghệ thuật thiếu hụt nguồn nhân lực chuyên môn chất lượng…", ông Trần Thanh Mẫn nêu.
Trước những bất cập đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh hội thảo thống nhất các giải pháp nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách và bảo đảm nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao. Các giải pháp tập trung 5 nhóm vấn đề.
Về hoàn thiện thể chế, chính sách: Xây dựng mục tiêu và lộ trình thích hợp để hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật quy định về thiết chế văn hóa, thể thao bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi.
Rà soát các văn bản pháp luật, bổ sung, sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan để làm rõ khái niệm và nội hàm "thiết chế văn hóa, thể thao", "cơ sở văn hóa, thể thao" làm cơ sở để xây dựng và áp dụng các chính sách đầu tư, quản lý, khai thác, vận hành và thuận tiện trong việc xây dựng, tích hợp quy hoạch mạng lưới thiết chế văn hóa, thể thao trong cả nước.
Nghiên cứu hoàn thiện chính sách đầu tư phát triển và vận hành hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, bao gồm chính sách đầu tư công, chính sách đầu tư theo phương thức đối tác công - tư và chính sách xã hội hóa; chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, nhất là về đất đai, thuế, vốn tín dụng trong việc xây dựng các cơ sở văn hóa, thể dục thể thao để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển.
Về quy hoạch thiết chế văn hóa, thể thao: Hoàn thiện quy hoạch theo hướng đồng bộ, hiện đại, bản sắc, hiệu quả, bảo đảm công bằng và đáp ứng nhu cầu của Nhân dân; bố trí quỹ đất cho các thiết chế văn hóa, thể thao tại vị trí thuận lợi, phù hợp với điều kiện thực tế; quan tâm xây dựng, phát triển thiết chế văn hóa, thể thao cho thanh niên, trẻ em, người lao động, người khuyết tật, người cao tuổi. Bổ sung các chỉ tiêu cụ thể về phát triển thiết chế văn hóa, thể thao vào nội dung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu trong chiến lược, quy hoạch, đề án liên quan đến thiết chế văn hóa, thể thao.
Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn; đổi mới nội dung, phương thức tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Xây dựng và nhân rộng mô hình tổ chức hoạt động tiêu biểu, phù hợp với vùng miền, đối tượng, lứa tuổi. Xây dựng chính sách ưu tiên ở vùng miền núi, hải đảo, biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát đối với tài sản công nói chung và tài sản công ở các thiết chế văn hóa, thể thao nói riêng.
Ưu tiên bố trí kinh phí có trọng tâm, trọng điểm, theo lộ trình, mục tiêu cụ thể. Tăng dần mức chi ngân sách nhà nước cho phát triển văn hóa nói chung, phát triển thiết chế văn hóa, thể thao nói riêng. Thúc đẩy hoạt động liên kết trong việc sử dụng cơ sở vật chất đã được Nhà nước đầu tư. Coi trọng và thực hiện xã hội hóa với phương châm "Nhà nước và Nhân dân cùng làm"; huy động nguồn lực tham gia xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở.
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định về tiêu chí, điều kiện sắp xếp, tổ chức lại bộ máy, bảo đảm tinh gọn, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động. Nghiên cứu, sửa đổi chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ văn nghệ sĩ, diễn viên tham gia hoạt động các loại hình nghệ thuật truyền thống. Thực hiện quy hoạch, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; khuyến khích đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao.
Báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng chung nhận định, bên cạnh những ưu điểm thì hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao hiện vẫn tồn tại nhiều bất cập cả ở Trung ương và cơ sở các cấp.
Đơn cử, đối với hệ thống bảo tàng, ngày 23/6/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể hệ thống bảo tàng Việt Nam đến năm 2020.
Tuy nhiên, sau gần 20 năm thực hiện, mới chỉ có Bảo tàng Dân tộc học được đầu tư xây dựng năm 2006, còn lại các dự án đầu tư xây dựng các bảo tàng cấp quốc gia khác như (Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam) đều chưa thực hiện được theo lộ trình đề ra do không bố trí được nguồn vốn.
Hiện nay, còn 4 đơn vị có trụ sở làm việc nhưng chưa có cơ sở biểu diễn gồm Nhà hát Nhạc, Vũ kịch Việt Nam; Nhà hát Cải lương Việt Nam; Nhà hát Kịch Việt Nam; Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam.
Các đơn vị này thường xuyên phải thuê địa điểm biểu diễn với nguồn kinh phí lớn.
Ngược lại, có đơn vị đã có cơ sở biểu diễn nhưng lại chưa có trụ sở làm việc riêng như Nhà hát Chèo Việt Nam.
Đặc biệt, Nhà hát Lớn Hà Nội chỉ là nơi biểu diễn nhưng không có đơn vị nghệ thuật, hiện trở thành địa điểm cho thuê để tổ chức biểu diễn…
Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật thể dục, thể thao cũng trong tình trạng tương tự. Có thể kể đến như Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu tập luyện của vận động viên; tỉ lệ đáp ứng của Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia TP.HCM còn thấp hơn, chỉ 30%.