Kinh phí đầu tư phát triển thiết chế văn hóa, thể thao "nhỏ giọt, ăn đong"

Hương Hồ

(Dân trí) - Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - tại Hội thảo Văn hóa 2024.

Ngày 12/5, Hội thảo Văn hóa 2024 với chủ đề "Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao" đã diễn ra tại Quảng Ninh.

Hội thảo do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) và tỉnh Quảng Ninh tổ chức, nhằm tiếp tục triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11/2021, tiếp nối nội dung Hội thảo Văn hóa năm 2022.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn (điều hành hoạt động của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội) tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo.

Cùng dự và chủ trì Hội thảo có: Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký… cùng các Ủy viên Trung ương Đảng.

Kinh phí đầu tư phát triển thiết chế văn hóa, thể thao nhỏ giọt, ăn đong - 1

Quang cảnh Hội thảo Văn hóa 2024 (Ảnh: Ban Tổ chức).

Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao còn nhiều hạn chế, bất cập

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - khẳng định thiết chế văn hóa, thể thao có một vị trí đặc biệt quan trọng trong xây dựng, phát triển nền văn hóa dân tộc.

Qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, thiết chế văn hóa, thể thao đã đạt nhiều thành tựu quan trọng.

"Hình thức hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao ngày càng phong phú, đa dạng… Các thiết chế văn hóa, thể thao mới góp phần kiến tạo nên những cảnh quan phát triển vừa hiện đại, vừa mang bản sắc của các địa phương, góp phần tạo nên diện mạo rất đặc trưng cho không gian kiến trúc đô thị và nông thôn mới.

Cùng với quá trình hội nhập và phát triển của đất nước, nơi đây đã trở thành không gian hoạt động của các ngành công nghiệp văn hóa, thể thao phù hợp với cơ chế thị trường; nơi ươm mầm cho những ý tưởng sáng tạo, tài năng biểu diễn, thi đấu thành tích cao; nơi tổ chức các sự kiện giao lưu văn hóa, biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể thao, các sự kiện chính trị - xã hội, góp phần hun đúc, phát huy và lan tỏa sức mạnh mềm Việt Nam trên trường quốc tế", ông Thắng nói.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, theo lãnh đạo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, sự vận hành của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao hiện nay còn bộc lộ rất nhiều hạn chế, bất cập; tồn tại những nghịch lý, khó khăn, vướng mắc kéo dài chưa được khắc phục.

Cụ thể, kinh phí đầu tư để phát triển các thiết chế văn hóa, thể thao còn rất hạn chế, được tiến hành theo lối "nhỏ giọt, ăn đong".

Trong khi nhiều thiết chế văn hóa, thể thao có cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật vẫn còn lạc hậu, chưa đáp ứng yêu cầu thì vẫn có một số thiết chế văn hóa, thể thao dù đã được đầu tư rất tốn kém nhưng lại hoạt động kém hiệu quả, thậm chí "bỏ hoang", gây ra lãng phí lớn.

Bộ máy hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao kém hiệu quả; nguồn nhân lực cả chuyên môn và quản lý đều chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Tiền lương và đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ làm việc tại các thiết chế văn hóa, thể thao chưa thỏa đáng…

"Có một thực tế, chủ trương của Đảng đã rõ nhưng khi đi vào tổ chức thực hiện thì nhiều địa phương, đơn vị vẫn không biết phải bắt đầu làm từ đâu và phải làm như thế nào.

Không ít chính sách, quy định của pháp luật vẫn nặng về hướng dẫn chung chung, chưa cụ thể hóa đầy đủ dẫn đến tình trạng mạnh ai nấy làm cả trong đầu tư nguồn lực và tổ chức hoạt động…

Một số quy định về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của các thiết chế văn hóa, thể thao không phù hợp với thực tiễn. Điều này khiến cho nhiều thiết chế văn hóa, thể thao, nhất là trong lĩnh vực văn hóa, thể thao truyền thống, thật sự gặp khó khăn, lúng túng trong quá trình tiến tới tự chủ tài chính, phải xoay xở "giật gấu vá vai", thậm chí biến tướng "lách luật" trong việc huy động, phân bổ các nguồn lực và tổ chức nhiều hoạt động nghệ thuật, biểu diễn", ông Thắng cho hay.

Kinh phí đầu tư phát triển thiết chế văn hóa, thể thao nhỏ giọt, ăn đong - 2

Ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu đề dẫn Hội thảo (Ảnh: Ban Tổ chức).

Giải pháp gỡ vướng mắc xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao

Để góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về luật pháp, cơ chế, chính sách, nhất là liên quan đến huy động và phân bổ có hiệu quả nguồn lực cho phát triển các thiết chế văn hóa, thể thao đáp ứng những yêu cầu mới, ông Thắng đề nghị các đại biểu tham dự Hội thảo tập trung phân tích, làm sâu sắc nội dung trọng tâm như hoàn thiện hệ thống luật pháp và cơ chế, chính sách.

Theo đó, thứ nhất, hoàn thiện hệ thống luật pháp và cơ chế, chính sách. Phải tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí phát triển của các thiết chế, gồm: cơ sở vật chất, trang thiết bị, bộ máy tổ chức, nhân sự, kinh phí hoạt động và cơ chế vận hành.

Rà soát hệ thống các quy định về thiết chế văn hóa, thể thao hiện nay, trong đó có những luật đã ban hành như: Luật Quy hoạch, Luật Thư viện, Luật Di sản văn hóa, Luật Điện ảnh, Luật Thể dục, thể thao, …

Thứ hai, tổ chức thực hiện có hiệu quả nội dung về phát triển thiết chế văn hóa, thể thao trong quy hoạch tổng thể trong bối cảnh việc tổ chức thực hiện các quy hoạch vẫn là khâu yếu, chưa đáp ứng yêu cầu. Tăng cường quản lý, sử dụng, khai thác có hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao.

Phải đổi mới thật sự phương thức tổ chức, quản lý và nâng cao chất lượng hoạt động của thiết chế văn hóa, thể thao các cấp trên nguyên tắc "phù hợp, bản sắc, hiện đại".

Khắc phục hội chứng "phong trào" và tình trạng "đồng dạng hóa" các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá và rút kinh nghiệm trong việc xây dựng, phát huy hiệu quả sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao các cấp.

Tăng cường huy động các nguồn lực, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các thiết chế văn hóa, thể thao và tổ chức bộ máy, nhân sự cũng như công tác đào tạo nguồn nhân lực.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm