“Ông Festival”: Việt Nam có nhiều nghệ sĩ “xuất khẩu” được rồi!

(Dân trí)-Trở lại Việt Nam lần này với vai trò Giám đốc nghệ thuật và sản xuất chương trình “Oh là là”, “ông Festival” Philippe Bouler đã chia sẻ nhiều điều thú vị về chương trình và bày tỏ sự tin tưởng vào thế hệ nhạc sĩ trẻ Việt khi bước vào thị trường âm nhạc thế giới.

Nghệ sĩ đến từ Pháp Philippe Bouler

Nghệ sĩ đến từ Pháp Philippe Bouler được nhiều người yêu mến gọi là "ông Festival".
 
Trong cuộc trò chuyện cùng PV Dân trí, Philippe Bouler nói về lý do xây dựng chương trình Đại nhạc hội Oh là là rằng: “Tôi muốn dành chương trình này tới giới trẻ, bởi giới trẻ đều yêu âm nhạc, mà âm nhạc có lợi thế là vượt qua mọi biên giới, mọi rào cản ngôn ngữ. Tôi cũng muốn thông qua Festival này khán giả có thể cảm nhận được rõ nét hơn bộ mặt của âm nhạc đương đại Pháp.

 

Thêm nữa, tôi muốn thiết kế một ngày hội - một bữa tiệc âm nhạc mà ở đó người ta đến với nhau một cách vui vẻ nhất”. Đại nhạc hội “Oh là là” cũng được nhắc đến như là một trong những hoạt động nghệ thuật nhân dịp kỷ niệm bốn mươi năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt - Pháp.

 

Là người có hơn 40 lần sang Việt Nam suốt 30 năm qua, cảm nhận của ông thế nào về Việt Nam thông qua chương trình lần này?

 

Tôi có thể nói điều này, dự án Đại nhạc hội “Oh là là” là sự hợp tác giữa những người bạn với nhau. Vì có nhiều lần sang Việt Nam nên tình yêu đó luôn có trong tôi. Khi tôi nói về tình yêu của tôi đối với Việt Nam tới các nghệ sĩ của Pháp, hay khi tôi bật cho họ nghe đĩa của các nghệ sĩ Việt Nam và đề nghị họ hãy hát cùng các nghệ sĩ Việt Nam, thì nhiều nghệ sĩ Pháp như Sophie, Lei la đều rất háo hức về điều này. Họ rất sẵn sàng để được tới Việt Nam trải nghiệm như tôi. Bởi thế, nói đúng hơn Festival lần này không phải của Phillip Bouler đâu mà là chương trình của những người bạn có tình yêu đối với hai đất nước.

"Khi đến đất nước Việt Nam, tôi cảm nhận sự thanh bình hài hòa của chính tôi, khác với nhiều nơi tôi đã đến - tôi cảm thấy dường như mình đang tranh cãi với chính mình" - ông Philippe Bouler nói.

 

 

Trong lời giới thiệu chương trình có đoạn “Đêm nhạc duy nhất này sẽ là những giây phút kỳ diệu, một, sự bùng nổ của âm thanh và cảm xúc, một không gian lắng đọng, là một Giọt lệ thiên thu”? tại sao có ý này?

 

Giọt lệ thiên thu - đó là điều mà tôi chợt nghĩ khi thiết kế chương trình này. Nó như một lời chào tới cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

 

Cách đây 20 năm tôi đã tới Việt Nam và gặp gỡ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Chúng tôi ngồi nói chuyện với nhau một cách thoải mái, và phát hiện giữa chúng tôi có rất nhiều điểm chung âm nhạc, tình yêu, cuộc sống.

 

Vậy trong chương trình có nghệ sĩ nào hát ca khúc Trịnh Công Sơn không?

 

Tôi sẽ không thể tiết lộ hết, nhưng chương trình sẽ có điều bất ngờ, nên mọi người hãy tới để đón nhận về sự bất ngờ này nhé (cười). Tôi nghĩ, Trịnh Công Sơn cũng sẽ ở đâu đó trong chương trình này.

 

Ông có chia sẻ, chương trình này là để dành cho giới trẻ, vậy ông làm gì để thuyết phục khán giả đến SVĐ Hàng Đẫy vào ngày 12/10 tới đây?

 

Trong chương trình chỉ có 7 bài tiếng Pháp thôi, ngoài ra có nhiều ngôn ngữ khác như Tiếng Anh, Ả rập… Chương trình có các giọng ca hàng đầu như La Grande Sophie hay Thanh Lam, các nghệ sĩ âm nhạc dân gian cá tính (Quang và Minh với Hamon và Martin), Viet Vo Da House với nhạc électro-jazz dân gian; nhạc pop nhẹ nhàng và đầy chất thơ từ Lê Cát Trọng Lý; phong cách rock-électro của Leila Bounous, sự kết hợp tuyệt vời giữa rock và disco của ban nhạc Poni hoax. Trước khi kết thúc chương trình là một giờ đồng hồ dành cho nhạc Rock, khán giả trẻ chắc chắn bị lôi cuốn, nhún nhảy ở màn cuối này. Chúng tôi xây dựng đêm đại nhạc hội kết cấu theo sự bùng nổ lên cao dần.
 
Philippe Bouler đảm nhận vai trò Giám đốc nghệ thuật và sản xuất chương trình “Oh là là”

Philippe Bouler đảm nhận vai trò Giám đốc nghệ thuật và sản xuất chương trình “Oh là là”

 

Được nhắc đến nhiều với các chương trình Festival quốc tế nói chung và Festival Huế (năm 2000 và 2002) với tên gọi “ông Festival”, ông cảm thấy thế nào về cách gọi này?

 

Tôi rất là vinh dự khi được mọi người yêu mến và dành cách gọi đó cho mình.

 

Thực tế Festival đang có xu hướng bão hòa, theo ông làm thế nào để chương trình Festival có thể hấp dẫn hơn?

 

Câu chuyện làm thế nào để hấp dẫn hơn thực sự là câu hỏi không đơn giản. Tôi chỉ lấy một ví dụ, tôi đã làm giám đốc nghệ thuật và sản xuất chương trình Festival ở Huế vào năm 2000, 2002. Thế nhưng từ 2002 tới nhiều năm sau đó, tôi vẫn theo dõi cũng như đảm nhận vai trò nhà tuyển chọn, sản xuất cho chương trình phía Pháp trong Festival Huế, tôi nhận thấy có 2 luồng tranh cãi. Một là: mối quan hệ giữa di sản và đương đại. Nghĩa là một hướng muốn giữ lại đặc sắc di sản, hướng khác thì muốn mở nó ra để nhằm tới cái đương đại. Luồng thứ hai là cuộc tranh cãi giữa chất lượng và số lượng. Tôi cho rằng, một Festival thành công là cả nghệ sĩ và công chúng đều hài lòng, chính vì thế quan điểm cá nhân của tôi ở luồng tranh cãi này là nên chú trọng chất lượng thay vì số lượng.

 

Đại nhạc hội “Oh là là - Festival Âm nhạc Việt - Pháp” được coi là bữa tiệc âm nhạc nhạc hoành tráng, vì sao chương trình lại đưa ra mức giá vé thấp đến như vậy (30-50 ngàn đồng/vé)?

 

Thực sự đây là món quà mà chúng tôi dành cho giới trẻ Việt Nam và chúng tôi cũng biết giới trẻ rất thích khám phá, rất thích âm nhạc, tuy nhiên không chỉ ở Việt Nam mà ở bất cứ nơi nào trên thế giới giới trẻ phần lớn đều không có nhiều tiền. Vì thế với giá tiền ở mức khiêm tốn đó thì đảm bảo ai cũng vào được. Còn lý do khác nếu mở cửa miễn phí thì không kiểm soát được, không biết có bao nhiêu người vào và ảnh hưởng đến vấn đề an ninh của chính những đến người tham dự.

 

Tôi cũng xin nói thêm, ở Pháp nếu một Festival như thế này, chỉ riêng chương trình biểu diễn có nữ nghệ sĩ La Grande Sophie (- Album mới nhất của La Grande Sophie có tên gọi La place du fantôme, đã được bầu chọn là album của năm tại giải thưởng âm nhạc Pháp Victoire de la Musique 2013 - tương đương với giải Grammy tại Mỹ) mức giá là 50 euro (tương đương 1,5 triệu đồng/vé).

 

Ông có nhận xét ngắn gọn gì về âm nhạc Việt Nam đương đại?

 

Tôi xin nhắc lại một chút cách đây 20 năm tôi cảm thấy còn sớm quá nếu làm một chương trình âm nhạc kết hợp giữa các nghệ sĩ Pháp - Việt. Tuy nhiên từ khoảng 10 năm trở lại đây âm nhạc Việt Nam thay đổi nhanh chóng có thể đó là do sự tác động của công nghệ, internet... Cũng từ khoảng 10 năm trở lại nay các nghệ sĩ Việt Nam đã sáng tác được trên rất nhiều thể loại. Tôi cho rằng bây giờ Việt Nam có nhiều nghệ sĩ có thể “xuất khẩu” được rồi nghĩa là họ có thể tham gia thị trường âm nhạc thế giới một cách thoải mái.

 

Xin cảm ơn ông Philippe Bouler!

 

 

Philippe đến Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1984 để xây dựng festival múa rối Pháp dưới sáng kiến của AFAA (Association Francaise d'Action Artistique - Hiệp hội hành động nghệ thuật Pháp). Kể từ năm 1999, ông đã đi về Việt Nam không dưới 40 lần, bao gồm việc tham gia xây dựng festival Huế bắt đầu từ năm 2000.

 

Ngoài việc tham gia xây dựng festival Huế, ông tham gia xây dựng và sản xuất rất nhiều dự án văn hóa Pháp tại Việt Nam (Decouflé , Royal de Luxe, Régine Chopinot, Philippe Jamet, The Cosmic Trap, Laurent Garnier, Diogal the company Carabosse , Guy Alloucherie ... ).

 

Ông cũng làm việc với ca sỹ, nhạc sỹ, nghệ sỹ ghi ta người Pháp nổi tiếng thế giới Francis Cabrel, tác giả của nhiều ca khúc kinh điển, ví dụ như bản Je l'aime à mourir (Anh yêu em đến chết) được ca sỹ Shakira cover lại. Philippe Bouler và Francis Cabrel cùng hợp tác trong một chương trình từ thiện cho trẻ mồ côi tỉnh Bắc Kạn mà đáng kể là ba đêm nhạc gây quỹ được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 10 năm 2009.

 

Hiện tại ông đang hợp tác với ca sỹ - nhạc sỹ Lê Cát Trọng Lý với vai trò người hỗ trợ về sự nghiệp.

 

 

Ngọc Lan (thực hiện)