Ở những nơi “hồn nhiên” nhún nhảy nơi công cộng cũng... phạm pháp
(Dân trí) - Không phải ở quốc gia nào bạn cũng có thể nhảy múa tùy hứng. Khi đến những đất nước dưới đây, bạn có thể sẽ gặp phải rắc rối nếu “hồn nhiên” nhún nhảy nơi công cộng.
Trước việc luật pháp Nhật Bản sẽ gỡ bỏ lệnh cấm nhảy múa ở nơi công cộng vào năm tới (sau 67 năm tồn tại luật này), hãy cùng điểm qua những quốc gia mà ở đó nhảy múa rất có thể là một tội:
Nhật Bản
Lệnh cấm nhảy múa nơi công cộng ở Nhật Bản đã được đưa ra từ thập niên 1940, khi đó các hộp đêm ở Nhật là những điểm nóng nơi tệ nạn mại dâm diễn ra phổ biến.
Để hạn chế đến tối đa các tệ nạn xã hội có cơ hội nảy sinh, nhà chức trách đã yêu cầu tất cả các hộp đêm phải dừng hoạt động nhảy múa, khiêu vũ sau nửa đêm. Ngoài ra, nếu hộp đêm không được cấp phép tổ chức hoạt động nhảy múa, họ không được phép để khách hàng nhún nhảy.
Tuy vậy, kể từ cuối thế kỷ 20, lệnh cấm này đã được nới lỏng dần một cách không chính thức, dù thực tế điều luật nói trên vẫn chưa được gỡ bỏ. Hoạt động nhảy múa đã trở lại là một thú vui đơn thuần giải trí, không còn ẩn chứa quá nhiều nguy cơ cho những tệ nạn xã hội trá hình như trước đây.
Vì vậy, trước thềm Thế vận hội Olympic 2020 tổ chức ở Tokyo, Nhật Bản, khi đất nước mặt trời mọc chắc chắn sẽ đón tiếp rất nhiều du khách quốc tế và việc họ đến thăm các quán bar để giải trí sẽ là một phần tất yếu, nhà chức trách đã quyết định chính thức dỡ bỏ lệnh cấm.
Kuwait
Ở đất nước Ả Rập này, nơi đa số người dân đều theo đạo Hồi, việc nhảy múa ở nơi công cộng phải đối diện với cái nhìn rất khắt khe của cộng đồng và sự nghiêm khắc của luật pháp. Luật pháp Kuwait có những đề cập chi tiết và cụ thể về cách hành xử tại những sự kiện âm nhạc tụ tập đông người.
Những động tác như lắc đầu cuồng nhiệt theo điệu nhạc là không được chấp nhận, chỉ có một số động tác được cho phép tại những sự kiện âm nhạc tập thể, ngoài vỗ tay thì chỉ còn có thể… giơ tay lên không trung và đung đưa theo điệu nhạc.
Đức
Suốt nhiều thập kỷ qua, 13/16 bang của Đức đã luôn áp dụng lệnh cấm nhảy múa, tiệc tùng, ca hát một cách triệt để vào mỗi dịp lễ Phục sinh. 3 bang còn lại cũng có những lệnh cấm nhưng “nương nhẹ” hơn một chút. Lệnh cấm này nhằm thể hiện sự sùng kính, lòng mộ đạo của người Đức nói chung trong một dịp lễ quan trọng đối với các tín đồ Thiên Chúa.
Thụy Điển
Ở Thụy Điển, việc nhảy múa, khiêu vũ nơi công cộng được kiểm soát rất chặt chẽ, kỹ lưỡng. Các câu lạc bộ, quán bar, nhà hàng cần phải được cấp phép mới có thể để các khách hàng của họ nhảy múa. Đến Thụy Điển, du khách “chớ dại” nhún nhảy tùy hứng, mà cần phải tìm tới những địa điểm giải trí đã được cấp phép tổ chức hoạt động nhảy múa.
Afghanistan
Afghanistan là một quốc gia Hồi giáo có cách nhìn nghiêm khắc đối với việc nhảy múa. Năm 2012, một nhóm phiến quân Taliban đã hành quyết 17 người đang tụ tập nhảy múa tại một buổi hội họp tiệc tùng diễn ra ở miền nam đất nước. Vì những sự việc như thế này, nên người dân Afghanistan không dám nhảy múa ngay cả trong những sự kiện vui của cộng đồng.
Tuy vậy, ở Afghanistan lại âm thầm tồn tại một hủ tục có tên “bacha bazi” (cậu bé đồ chơi), tục lệ này đã tồn tại từ lâu và cho tới giờ vẫn đang diễn ra. Tại những buổi tiệc kín của những người đàn ông giàu có, các “cậu bé đồ chơi” được gọi tới để nhảy múa, nhưng sự việc không dừng lại ở đó, nạn lạm dụng trẻ em chính là mặt trái của những màn nhảy múa “bacha bazi”.
Iran
Cách nhìn của các nhà hành pháp Iran đối với việc nhảy múa đã trở thành chủ đề được quan tâm với sự ra mắt của bộ phim “Desert Dancer” (Vũ công sa mạc - 2014) - một bộ phim tiểu sử kể về vũ công người Iran - Afshin Ghaffarian. “Desert Dancer” đã cho thấy việc nhảy múa bị hạn chế nghiêm ngặt như thế nào ở Iran.
Những nhóm nhảy ở Iran chủ yếu đều hoạt động ngầm; ở đây không có những lớp dạy nhảy; những ai yêu thích nhảy múa thường phải tự học một cách kín đáo.
Cũng trong năm 2014, thế giới đã biết thêm một vụ việc liên quan đến chuyện nhảy múa ở Iran khi một nhóm thanh niên Iran gặp rắc rối với cảnh sát vì đã “cả gan” thực hiện một video nhảy múa trên nền nhạc ca khúc nổi tiếng “Happy” của nam ca sĩ Pharrell Williams.
Video do 6 thanh niên sống ở thủ đô Tehran (Iran) thực hiện, trong đó, họ say mê nhảy múa, ngay sau khi video này được đăng tải lên trang YouTube và thu hút nhiều lượt xem, 6 thanh niên liền bị cảnh sát bắt giữ.
Bích Ngọc
Theo Huff Post
Mọi thông tin, ý kiến đóng góp cho chuyên mục Văn hóa, quý độc giả có thể gửi đến ban Văn hóa báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email vanhoa@dantri.com.vn. Xin trân trọng cảm ơn! |