Ở Ấn Độ, cóc cũng là... “cậu ông trời”?
(Dân trí) - Không chỉ trong những câu chuyện dân gian của Việt Nam, con cóc mới là “cậu ông trời”.
Trong văn hóa dân gian Ấn Độ, người ta tin rằng cóc là loài vật có quan hệ mật thiết với những cơn mưa. Quan niệm này rất gần gũi với người Việt Nam, từ lâu dân ta đã có câu: “Con cóc là cậu ông trời/ Ai mà đánh cóc thì trời đánh cho”.
Tại ngôi làng Assam ở đất nước Ấn Độ, tổ chức lễ cưới cho cóc là một hoạt động cầu mưa truyền thống đã có từ lâu đời. Lễ cưới giữa hai chú cóc là một hoạt động thường được tiến hành vào mùa thu hoạch với sự tham gia của hàng trăm người dân trong làng và các khu vực lân cận.
Hai nhóm phụ nữ sẽ được phân công riêng rẽ để làm nhiệm vụ tắm táp và “mặc đồ” cho cóc đực và cóc cái, chuẩn bị cho một hôn lễ đặc biệt. Trước đó, những người phụ nữ này còn chuẩn bị cả đồ trang sức làm bằng tay dành cho cóc cái trong ngày cưới.
Chủ trì buổi lễ là một thầy tu Hindu. Từ lâu đời, người dân Ấn Độ đã tin rằng việc tổ chức hôn lễ cho cóc vào những ngày nóng nực trong mùa hè sẽ khiến mưa về nhanh chóng hơn.
Tổ chức lễ cưới cho cóc là một hoạt động thường niên của dân làng Assam.
“Cô dâu - chú rể” sẽ được đặt lên một chiếc bè nhỏ và thả ra sông.
Cặp đôi sẽ được “du ngoạn” sông nước khi buổi lễ kết thúc.
Phẩm đỏ được bôi lên đầu của hai chú cóc trong buổi lễ.
Suốt buổi lễ, để hai chú cóc không nhảy đi chỗ khác, người ta phải cắt cử hai cô thiếu nữ làm nhiệm vụ trông giữ “cô dâu - chú rể”.
Cô dâu - chú rể cóc được chở trên một chiếc “xe cưới” có trang trí nhiều cây lá. Đi theo đoàn rước là những phụ nữ được giao nhiệm vụ chuẩn bị cho cô dâu - chú rể cóc trong ngày cưới.
Ở Việt Nam, cóc cũng gắn liền với truyện cổ tích “Cóc kiện trời”. Theo đó, trong quan niệm dân gian, người dân Việt Nam tin rằng hễ cóc nghiến răng là trời sắp đổ mưa, vì vậy, đồng dao Việt Nam có câu: “Con cóc là cậu ông trời/ Ai mà đánh cóc thì trời đánh cho”.
Bích Ngọc
Theo DM