Nữ sĩ Xuân Quỳnh có thiếu hồ sơ xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh?

(Dân trí) - Sau khi có thông tin cố nhà thơ Xuân Quỳnh không có tên trong danh sách được Chủ tịch nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2016, nhiều cơ quan báo chí đã nêu vấn đề này với cơ quan chức năng.

LTS: Trước những thông tin liên quan tới việc cố nhà thơ Xuân Quỳnh không có tên trong danh sách được Chủ tịch nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2016, chúng tôi xin gửi tới bài viết của tác giả Đoàn Dũng để độc giả thêm thông tin. Bài viết là quan điểm của tác giả, xin trân trọng gửi tới đọc nội dung như sau:

***

Ngay từ ngày 19/1/2017, ông Phùng Huy Cẩn, Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng, Bộ VHTTDL, thành viên Hội đồng cấp Nhà nước đã có cuộc trao đổi với báo chí về vấn đề này.

Ngày 16/2, trao đổi với Báo Văn Hóa, ông Phùng Huy Cẩn tiếp tục khẳng định những nội dung mình đã trả lời báo chí từ ngày 19/1/2017 và cung cấp thêm một số thông tin mới. Những nội dung mà Vụ trưởng Vụ TĐ-KT Phùng Huy Cẩn đã trao đổi được Báo Văn hóa giới thiệu trên trang web toquoc.vn (Báo điện tử của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) qua bài viết “Bộ VHTTDL tiếp tục đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho hai tác giả Xuân Quỳnh và Thu Bồn”.

Cố nhà thơ Xuân Quỳnh và nhà thơ Lưu Quang Vũ. Ảnh: TL.
Cố nhà thơ Xuân Quỳnh và nhà thơ Lưu Quang Vũ. Ảnh: TL.

Đọc xong bài báo, tôi cảm nhận được hai ý quan trọng như sau:

1. Hai cố tác giả Xuân Quỳnh và Thu Bồn được đánh giá rất cao vì vậy đã được Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện, Chủ tịch Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh” về văn học nghệ thuật ký Tờ trình số 31/T.Tr-HĐGT ngày 14/2/2017 báo cáo và đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục xem xét, trình Chủ tịch nước xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh” về văn học, nghệ thuật năm 2016, ngay cả khi hồ sơ xét thưởng được cho là thiếu Giải thưởng theo quy định tại Khoản 3 Điều 9 Nghị định số 90/2014/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo tờ Trình (trích từ nội dung bài báo) thì: “... Bộ VHTTDL kính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, trình Chủ tịch nước xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh” về văn học, nghệ thuật cho 2 cố tác giả Nguyễn Thị Xuân Quỳnh và Hà Đức Trọng (Thu Bồn) có hồ sơ đủ điều kiện và tỷ lệ phiếu bầu đồng ý từ 90% trở lên của tổng số thành viên Hội đồng cấp Nhà nước, tuy thiếu Giải thưởng theo quy định tại Khoản 3 Điều 9 Nghị định số 90/2014/NĐ-CP của Chính phủ; nhưng các tác phẩm này được Hội đồng đánh giá có giá trị rất cao về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật; Có tác dụng to lớn phục vụ sự nghiệp cách mạng, ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống xã hội, tác dụng giáo dục và định hướng thẩm mỹ cao cho thanh, thiếu niên; góp phần quan trọng vào việc thay đổi nhận thức của nhân dân trong sự nghiệp phát triển văn học, nghệ thuật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Các hồ sơ này đều được 3 cấp Hội đồng: cấp cơ sở, cấp chuyên ngành lĩnh vực Văn học và cấp Nhà nước tổ chức họp xét theo đúng quy trình, thủ tục, hồ sơ quy định tại Nghị định số 90/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Trong quá trình làm việc, Hội đồng các cấp đều thảo luận về từng tác phẩm, cụm tác phẩm trên nguyên tắc công khai, khách quan, độc lập của từng thành viên; bỏ phiếu kín, kiểm phiếu và công bố kết quả ngay tại phiên họp Hội đồng.

Các tác phẩm, cụm tác phẩm này đều đảm bảo đạt tỷ lệ phiếu bầu đồng ý từ 90% trở lên của tổng số thành viên Hội đồng các cấp - là cơ sở để Hội đồng cấp Nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ theo quy định. Kính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, trình Chủ tịch nước xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh” về văn học, nghệ thuật cho 2 tác giả nêu trên”.

2. Câu hỏi mà dư luận bấy lâu quan tâm ”Vì sao Xuân Quỳnh không có tên trong danh sách được Chủ tịch nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT năm 2016“ giờ đã được Bộ VHTTDL trả lời: vì thiếu Giải thưởng theo quy định tại Khoản 3 Điều 9 Nghị định số 90/2014/NĐ-CP của Chính phủ.

Tuy nhiên, điều này thực tế có đúng như vậy không và để giải đáp điều này hãy cùng xem thử Khoản 3 Điều 9 Nghị định số 90/2014/NĐ-CP của Chính phủ là gì:

Khoản 3 Điều 9 Nghị định số 90/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định tác phẩm được coi là đặc biệt xuất sắc khi đạt một trong các tiêu chuẩn sau đây:

- Đã được tặng Giải Vàng, Giải A hoặc Giải Nhất tại các cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp và triển lãm về văn học, nghệ thuật cấp quốc gia do Bộ VHTTDL tổ chức hoặc

- Đã được tặng Giải thưởng cao nhất của Hội Văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương thuộc lĩnh vực chuyên ngành hoặc được tặng giải cao nhất tại các cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp và triển lãm về văn học, nghệ thuật quốc tế.

Với tiêu chí này, việc xét tặng đối với hồ sơ của nhà thơ Xuân Quỳnh liên quan đến các vấn đề sau: các khía cạnh cần xem xét là :

- Nhà thơ Xuân Quỳnh có tác phẩm tham dự nào được tặng giải thưởng?

- Giải thưởng ấy có phải là Giải thưởng cao nhất của Hội Văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương thuộc lĩnh vực chuyên ngành, cụ thể trong trường hợp này là của Hội Nhà văn Việt Nam không ?

- Hồ sơ xét thưởng có kèm Bản sao có chứng thực Quyết định tặng thưởng hoặc Giấy chứng nhận Giải thưởng của Hội Văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương thuộc lĩnh vực chuyên ngành, cụ thể trong trường hợp này là của Hội Nhà văn Việt Nam không ?

Sau đây là thông tin tôi tìm được, chia sẻ để bạn đọc cùng xem xét:

a) Nhà thơ Xuân Quỳnh có 2 tác phẩm tham dự xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh” về văn học nghệ thuật năm 2016 là tập thơ “Lời ru trên mặt đất” và tập thơ thiếu nhi: “Bầu trời trong quả trứng”. Tập thơ “Bầu trời trong quả trứng” của Xuân Quỳnh được Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam năm 1982-1983 (cùng năm này còn có 5 tác phẩm nữa được Giải thưởng Văn học, trong đó có tác phẩm “Gặp gỡ cuối năm” tiểu thuyết của Nguyễn Khải, “Đứng trước biển” của Nguyễn Mạnh Tuấn).

Năm 1990 tập thơ “Hoa cỏ may” của Xuân Quỳnh cũng được Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam (cùng năm này có 5 tác phẩm nữa được Giải thưởng Văn học, trong đó có tác phẩm “Ông cố vấn” tiểu thuyết của Hữu Mai).

b) Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam có những năm không phân loại A,B (1979-1984, 1990-1995); có năm lại phân loại A, B (1985-1987, 1996-1997, 1999-2001); có năm chỉ có loại B (1996-1997,1999-2001); có năm nhiều Giải thưởng, có năm ít (năm 1992 chỉ có 01 Giải thưởng Văn học duy nhất “Một chấm xanh thơ” của Phùng Khắc Bắc, năm 1994 chỉ có 01Giải thưởng Văn học duy nhất “Di cảo” thơ của Chế Lan Viên). Như vậy trong những năm không phân loại A, B, các tác giả đoạt giải thưởng đều là những Giải thưởng Văn học cao nhất. Còn những năm có phân loại A, B thì chỉ có Giải A mới là giải cao nhất.

Để có các thông tin ở mục a) và b) nêu trên, bạn đọc đơn giản chỉ cần vào google gõ: bachkhoatrithuc Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam. Bạn sẽ tìm thấy trang web Bách khoa tri thức với nội dung về Giải thưởng Văn học hàng năm của Hội Nhà văn Việt Nam và truy cập thông tin dễ dàng.

Ngoài ra, để hiểu thêm Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam có ý nghĩa như thế nào, mời bạn đọc tham khảo đoạn giới thiệu dưới đây về nhà văn Xuân Thiều, tác giả vừa được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT:

Đại tá, nhà văn Xuân Thiều tên thật là Nguyễn Xuân Thiều (1930-2007) quê ở xã Bùi Xá, huyện Đức Thọ-Hà Tĩnh. Ông gia nhập QĐND Việt Nam từ những năm đầu Toàn quốc kháng chiến, từng làm chính trị viên đại đội, chiến đấu trên mặt trận Trị Thiên trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Ông là nhà văn trưởng thành trong quân đội, tác giả của 15 tập văn xuôi bao gồm các thể loại, từng 3 lần đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam. Hầu hết các tác phẩm của ông đều gắn với đề tài LLVT, chiến tranh cách mạng và những vấn đề sau chiến tranh. Ông đã được trao Giải thưởng Nhà nước về VHNT đợt 1 năm 2001 và vừa qua đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT…

Như vậy rõ ràng không thể nói rằng Xuân Quỳnh thiếu Giải thưởng theo quy định tại Khoản 3 Điều 9 Nghị định số 90/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Vì tập thơ “Bầu trời trong quả trứng” của Xuân Quỳnh đã được Giải thưởng Văn học của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1982-1983.

c) Khoản 1 Mục c Điều 14 Nghị định số 90/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định hồ sơ đề nghị xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh” về văn học, nghệ thuật phải có bản sao có chứng thực Quyết định tặng thưởng hoặc Giấy chứng nhận Giải thưởng quy định tại Khoản 3 Điều 9 của Nghị định này. Điều này có nghĩa hồ sơ xét thưởng của Xuân Quỳnh phải có bản sao Quyết định tặng thưởng hoặc Giấy chứng nhận Giải thưởng Văn học của Hội Nhà văn Việt Nam.

Theo gia đình tác giả cho biết, hồ sơ xét thưởng của Xuân Quỳnh có bao gồm Giấy xác nhận Giải thưởng Văn học của Hội Nhà văn Việt Nam đối với tập thơ “Bầu trời trong quả trứng” của Xuân Quỳnh. Như vậy hồ sơ đã đáp ứng đúng quy định tại Khoản 1 Mục c Điều 14 Nghị định số 90/2014/NĐ-CP của Chính phủ.

Đến đây chắc bạn đọc đã tự có câu trả lời việc Xuân Quỳnh không có tên trong danh sách đã được Chủ tịch nước ký xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT năm 2016 có đúng là bị oan không.

Đoàn Dũng