Đề nghị tiếp tục xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho thi sĩ Xuân Quỳnh, Thu Bồn
(Dân trí) - Bộ VHTTDL vừa có tờ trình trình Thủ tướng Chính Phủ đề nghị tiếp tục xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh” về văn học, nghệ thuật năm 2016 đối với hai cố tác giả là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh và Hà Đức Trọng (Thu Bồn).
Tháng 4/2016, hồ sơ của cố thi sĩ Xuân Quỳnh đã vượt qua ba vòng xét duyệt và có tên trong danh sách các hồ sơ đủ điều kiện mà Bộ VHTTDL trình Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2016 gồm các lĩnh vực: Sân khấu, Âm nhạc, Kiến trúc, Múa, Văn nghệ dân gian, Văn học, Điện ảnh, Nhiếp ảnh, Mỹ thuật.
Tuy nhiên, vào sáng 16/1/2017, khi Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng thuộc Bộ VHTTDL nhận được danh sách các tác giả được Hội đồng xét duyệt cấp Nhà nước trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật thì lại không có tên cố thi sĩ Xuân Quỳnh. Điều này đã khiến gia đình cố thi sĩ Xuân Quỳnh và giới yêu văn học đặt ra nhiều câu hỏi.
Ông Phùng Huy Cẩn - Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng cho biết, việc xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2016 số lượng hồ sơ lọt qua 3 vòng cấp Hội đồng là 115 người và được trình lên 3 cơ quan nhà nước là Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước. Và kết quả danh sách được duyệt chính thức gồm 77 người, bao gồm 10 tác giả được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và 67 tác giả được Giải thưởng Nhà nước.
Theo ông Phùng Huy Cẩn, đây là lần đầu tiên việc xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về VHNTcó số tác giả được các Hội đồng đề nghị bị loại nhiều như thế.
“Với trường hợp của nhà thơ Xuân Quỳnh, theo tôi được hiểu là do không có giải thưởng. Mặc dù những bài thơ của nữ nhà thơ đã được bao thế hệ thuộc lòng, trở thành thơ tình gối đầu giường. Biết bao bài hát đã được phổ nhạc từ thơ của bà đã trở thành những bài hát nổi tiếng, sống mãi với thời gian như: Thuyền và biển, Thơ tình cuối mùa thu… hay như hai tập thơ “Lời ru trên mặt đất” và “Bầu trời trong quả trứng” là một trong số rất nhiều tác phẩm của nhà thơ được đề nghị xét tặng. Hai tập thơ có nội dung tư tưởng phục vụ sự nghiệp cách mạng với một tinh thần lạc quan, vì một ngày mai tươi sáng dù có bị bom đạn tàn phá. Và phải khẳng định rằng nó có giá trị xuất sắc về nghệ thuật”, ông Cẩn cho biết thêm.
Ông Phùng Huy Cẩn cũng cho biết, sau khi tiến hành lễ trao tặng giải thưởng thì Bộ VHTTDL sẽ có kiến nghị lên Thủ tướng, Chủ tịch nước về những trường hợp “chưa xét tặng”.
Được biết, ngày 14/2 vừa qua Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện, Chủ tịch Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học nghệ thuật năm 2016 đã ký tờ trình đề nghị tiếp tục xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh” về văn học, nghệ thuật năm 2016 đối với hai cố tác giả là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh và Hà Đức Trọng (Thu Bồn).
Về việc chậm trao kinh phí cho người được giải thưởng hoặc danh hiệu cho những người được trao danh hiệu như: NSND, NSƯT, NNND, NNƯT và được tặng Giải thưởng về Văn học nghệ thuật (Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước), ông Phùng Huy Cẩn cho biết, theo quy định hiện hành thì sau khi có quyết định của Chủ tịch nước về việc công nhận các danh hiệu hoặc trao tặng các giải thưởng thì các Bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm trao tiền cho các nghệ sĩ, tác giả thuộc Bộ, ngành và địa phương mình quản lý.
Mức được hưởng của các danh hiệu hoặc các giải thưởng cũng đã có quy định cụ thể. Bộ VHTTDL chỉ có trách nhiệm trao kinh phí cho các nghệ sĩ và tác giả thuộc Bộ VHTTDL. Năm 2016, có hai địa phương là Thừa Thiên Huế và TP. HCM chậm trong việc chi trả, sau khi nhận được thông tin phản ánh, Vụ Thi đua khen thưởng đã ngay lập tức trực tiếp nhắc cơ quan chức năng của hai địa phương này và ngay sau đó các địa phương đã thực hiện việc chi trả cho các nghệ sĩ được công nhận các danh hiệu.
Hà Tùng Long