Nữ phóng viên qua đời do làm việc kiệt sức
(Dân trí) - Dư luận Nhật hiện bàng hoàng trước vụ việc một nhà báo truyền hình của nước ngày đã qua đời vì kiệt sức, sau khi làm thêm 159 tiếng đồng hồ trong vòng một tháng và chỉ nghỉ có 2 ngày.
Hiện tại, vụ việc đang gây xôn xao dư luận Nhật Bản và được nhắc tới trên nhiều trang tin tức quốc tế. Cô Miwa Sado, một nhà báo trong lĩnh vực đưa tin thời sự, làm việc cho đài truyền hình quốc gia của Nhật Bản - NHK, đã bị một cơn đau tim và qua đời hồi tháng 7/2013.
Một năm sau khi cô qua đời, kết quả cuối cùng của cuộc điều tra do nhà chức trách tiến hành đã kết luận rằng cái chết của cô Miwa Sado là do cô đã làm việc quá sức.
Chỉ cho tới tuần này, thông tin về vụ việc mới được công bố rộng rãi tới công chúng, chủ yếu là do cha mẹ của cô Sado gây sức ép đối với các bên liên quan, họ hy vọng thông tin được đưa tới công chúng sẽ giúp ngăn ngừa những trường hợp đáng tiếc tương tự.
Vụ việc này thêm một lần nữa cho thấy một vấn đề của đời sống xã hội Nhật Bản đương đại, đó là hội chứng “karoshi”, một từ có nghĩa là “chết vì làm việc quá sức”. Điều đáng buồn là sự việc lại xảy ra với một phóng viên làm việc tại một nhà đài vốn nhiều lần thực hiện các bản tin về hiện tượng “karoshi”.
Ở thời điểm qua đời, cô Sado 31 tuổi, là một phóng viên chuyên đưa tin tức thời sự về lĩnh vực hành chính công tại Tokyo. Trước khi cô Sado qua đời, cô liên tục đảm trách những dòng sự kiện quan trọng. Sau khi vừa hoàn tất một loạt sự kiện, cô Sado qua đời 3 ngày sau.
Chia sẻ với tờ nhật báo Asahi, mẹ của cô Sado cho biết: “Trái tim tôi tan nát khi nghĩ rằng có thể con gái mình đã rất muốn gọi điện cho mẹ trong những giờ khắc mệt mỏi cuối cuộc đời. Miwa đi rồi, tôi có cảm giác như một nửa con người tôi chết đi.
“Tôi sẽ không thể nào cười được trong suốt phần đời còn lại của mình. Cho tới tận hôm nay, đã bốn năm trôi qua, chúng tôi vẫn không thể chấp nhận sự thật rằng con gái của chúng tôi đã qua đời.
Sự việc đã gây sốc đối với dư luận Nhật Bản bởi trước nay giới truyền thông nói chung và đài NHK nói riêng đã tích cực đưa tin về những vụ việc tương tự, về những con người qua đời do áp lực công việc, như vụ tự tử của một phụ nữ trẻ hồi năm 2015 sau khi cô làm việc thêm giờ tới hơn 100 tiếng trong vòng một tháng tại một công ty quảng cáo.
Hiện tại, đại diện đài NHK chia sẻ ban đầu rằng họ có theo dõi khối lượng công việc và thời gian làm việc của nhân viên, nhưng họ cũng thừa nhận rằng có những điều cần phải được cải thiện.
Bà Masahiko Yamauchi, đại diện cho ban thời sự của đài NHK chia sẻ: “Vụ việc là một vấn đề đối với tổ chức của chúng tôi, bao gồm cách thức tổ chức lao động và cách các dòng sự kiện được đeo bám, triển khai”.
Về phía lãnh đạo đài NHK, chủ tịch Ryoichi Ueda đã nói: “Chúng tôi rất buồn vì mất đi một phóng viên xuất sắc và đã cân nhắc sự việc rất cẩn trọng, bởi sự ra đi của cô Sado được ghi nhận là do có liên quan tới công việc. Chúng tôi sẽ tiếp tục những nỗ lực để cải thiện điều kiện làm việc và sẽ tiếp tục hợp tác với cha mẹ của cô”.
Tại Nhật Bản, các điều tra xã hội đã kết luận rằng chính những ngày làm việc kéo dài đã gây ra cái chết của hàng chục người vì những vấn đề như đột quỵ, đau tim, trầm cảm, tự tử.
Hồi tháng 7 vừa qua, một thanh niên 23 tuổi làm việc cho một công ty xây dựng đã tự sát sau khi làm thêm… 200 giờ trong vòng một tháng. Sau đó, người ta đã tìm thấy thi thể của anh bên cạnh một tờ giấy nhắn viết rằng anh đã “chạm tới giới hạn cuối cùng của thể chất và tinh thần”.
Theo điều tra của nhà chức trách Nhật Bản đối với những trường hợp được xác nhận là chết vì làm việc quá sức, báo cáo vừa đưa ra vào thứ 6 vừa qua cho biết có 191 trường hợp “karoshi” xảy ra trong vòng một năm qua (tính tới tháng 3/2017).
Báo cáo cũng cho thấy rằng 7,7% nhân viên làm việc tại Nhật Bản thường làm thêm hơn 20 tiếng mỗi tuần. Bộ trưởng Lao động Katsunobu Kato khẳng định rằng Chính phủ Nhật Bản sẽ “hết sức cố gắng” giảm số người chết vì làm việc quá sức xuống thành con số 0.
Trong nỗ lực xử lý vấn đề này, hồi tháng 5 vừa qua, Chính phủ Nhật Bản đã lần đầu tiên công bố rộng rãi một danh sách đen hơn 300 công ty vi phạm luật lao động.
Hồi tháng 2 năm nay, Nhật Bản cũng bắt đầu phát động chiến dịch “ngày thứ 6 về sớm”, kêu gọi các nhân viên hãy nghỉ sớm vào ngày thứ 6 cuối cùng của tháng 2. Mặc dù vậy, một số nhà xã hội học cho rằng động thái này chưa quyết liệt bởi đó là một sự tùy chọn, không bắt buộc, và một số công ty đã không hòa vào chiến dịch.
Bích Ngọc
Theo Business Insider/Guardian