Nữ đại biểu Quốc hội đề nghị hạn chế thấp nhất hình ảnh "soái ca" trên phim
(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội Mai Thị Phương Hoa đề nghị hạn chế thấp nhất hình ảnh thể hiện nhân vật thành đạt, "soái ca" trên màn ảnh. Bởi theo bà, họ thường gây cách hiểu lệch lạc cho thanh thiếu niên.
Chiều 28/10, cho ý kiến về Luật Điện ảnh sửa đổi, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) đề nghị hạn chế đến mức thấp nhất trong các tác phẩm điện ảnh những hình ảnh thể hiện nhân vật là những người thành đạt trong xã hội, những người hùng, thậm chí những soái ca trên màn ảnh.
"Những người này là thần tượng của nhiều thanh, thiếu niên. Họ thường thể hiện các cảnh hút thuốc lá hoặc uống rượu trong các phim gây cách hiểu lệch lạc cho thanh thiếu niên, gián tiếp cổ xúy cho hút thuốc lá, uống rượu bia", đại biểu Hoa nói.
Ngoài ra, đại biểu đoàn Nam Định thống nhất với việc cấm kích động bạo lực, hành vi tội ác thể hiện chi tiết, cách thức thực hiện, hình ảnh, âm thanh, lời thoại trong phim… nhưng trừ trường hợp không quá phản cảm, lên án tội ác bảo vệ cái đúng, phê phán cái sai.
Đại biểu Phạm Thúy Chinh (đoàn Hà Giang) đánh giá, điện ảnh là một ngành kinh tế, là sản phẩm của công nghiệp, nhưng cũng là sản phẩm đặc thù vì thuộc về văn hóa.
Theo đại biểu đoàn Hà Giang, diễn viên điện ảnh là người làm văn hóa, người của công chúng, có sức ảnh hưởng rộng nên phải chú trọng xây dựng hình ảnh, hành vi phù hợp với pháp luật và đạo đức xã hội.
Vì vậy, đại biểu Chinh đề nghị bổ sung quy định quyền, nghĩa vụ của diễn viên điện ảnh trong dự thảo luật, trong đó quy định diễn viên có quyền hay không cho phép những cảnh quay trong phim được đóng thế ở cảnh mạo hiểm hoặc cắt ghép những hình ảnh nhạy cảm.
Đồng thời quy định diễn viên điện ảnh phải chấp hành những quy định pháp luật và chuẩn mực nghề nghiệp, nghĩa vụ xây dựng hình ảnh, đảm bảo thuần phong mỹ tục khi tham gia sản xuất, phát hành phổ biến phim.
Theo đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) mục tiêu của luật để hài hòa giữa quản lý nhà nước và hoạt động điện ảnh mà không gây "ức chế" sáng tạo của người nghệ sỹ, thăng hoa cảm xúc trước ranh giới mong manh giữa giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống với cái mới…
Đại biểu đoàn Bình Dương cũng phản ánh thực trạng thời gian qua, việc nhập khẩu phim nước ngoài có nhiều khác biệt, thậm chí có bất đồng về văn hóa. Chính điều này đã góp phần làm thay đổi lối sống của các tầng lớp thanh niên, trong đó có việc sống thử trước hôn nhân.
"Vậy điều này có làm tổn hại đến các giá trị và phá hoại truyền thống văn hóa hay không", ông Nhân đặt vấn đề.
Việc thu hút tổ chức, người nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim tại Việt Nam, đại biểu theo Trần Thị Vân (đoàn Bắc Ninh) thấy cũng chưa mang tính đột phá.
"Cần phải rõ ưu đãi ra sao, hấp dẫn thế nào, thủ tục ưu đãi có minh bạch, thuận lợi và nhanh chóng hay không. Luật Điện ảnh nếu thông qua với chính sách ưu đãi theo hướng này chắc chắn sẽ là lời kêu gọi hấp dẫn để mời chào nhà sản xuất phim nước ngoài", nữ đại biểu nói.
Theo đại biểu đoàn Bắc Ninh, rất nhiều nhà làm phim đồng ý rằng vẻ đẹp của thiên nhiên Việt Nam và sự khéo léo, thân thiện, thông minh của người Việt Nam. Tuy nhiên, họ lại ít chọn đến Việt Nam do chưa có chính sách ưu đãi, chưa rõ ràng, minh bạch.
Theo bà Vân, nên tham khảo Thái Lan - đất nước có điều kiện tự nhiên, văn hóa tương đồng. Năm 2018, lần đầu tiên Thái Lan áp dụng chính sách ưu đãi từ 15-20% hoàn thuế cho đoàn làm phim nước ngoài thì ngay trong năm đó họ đã thu hút được 714 đoàn làm phim quốc tế, mang lại doanh thu 98 triệu USD.
Trước khi kết thúc phát biểu, bà Vân chia sẻ về một bài viết được đọc và cho biết bà "hẫng hụt" khi bộ phim "Good Morning Việt Nam" (Xin chào Việt Nam - một trong những bộ phim hài hay nhất của nước Mỹ) về đề tài chiến tranh Việt Nam, câu chuyện diễn ra tại Việt Nam nhưng cảnh quay lại được thực hiện ở Thái Lan.
"Nhân vật nữ tên Trinh thướt tha trong tà áo dài trắng Việt Nam nhưng do cô gái Thái Lan đóng", bà Vân cho hay.