NTK Minh Hạnh: “Sự kết hợp lập dị... dẫn đến sự biến dạng của áo dài”

(Dân trí) - Nhà thiết kế (NTK) Minh Hạnh bày tỏ rằng, sự kết hợp giữa loại trang phục tương tự áo dài nhưng rất ngắn phối với váy xoè cũng ngắn đến đầu gối là sự kết hợp mang tính “hưng phấn”, khá lập dị. Sự kết hợp này dẫn đến sự biến dạng của áo dài.

Cho đến thời điểm này, vẫn còn nhiều tranh cãi cho rằng, loại trang phục tương tự áo dài phối với váy xòe là một dạng “áo dài cách tân”. Với tư cách là một nhà thiết kế áo dài, lại có nhiều thời gian nghiên cứu về áo dài, bà suy nghĩ gì về điều này?

Trước tiên, tôi nghĩ cần phải nói rõ về vẻ đẹp của áo dài một lần nữa. Thực ra, câu chuyện này đáng ra không nên nói thêm nhưng vì có những sự hiểu lầm đáng tiếc kể trên sẽ dễ khiến áo dài trở thành “thảm hoạ” trong tương lai nên chúng ta phải nhắc lại. Trong quá trình phát triển của lịch sử, áo dài chính là biểu trưng của một vẻ đẹp Việt Nam. Áo dài gắn liền với những cụm từ: sự thanh lịch, sự duyên dáng, sự thanh cao, sự gợi cảm, sự dịu dàng, sự thuần Việt và rất nhiều mỹ từ khác nữa. Áo dài do đó đã trở thành một biểu trưng đặc sắc của Việt Nam.

NTK Minh Hạnh nhìn nhận về áo dài thảm họa dịp Tết Đinh Dậu.

Câu chuyện của những phản ứng nhiều chiều trong Tết Đinh Dậu vừa qua tôi cho là mang tính tích cực. Có thể, mọi người yêu quý áo dài nên mong muốn trong ngày Tết cổ truyền có một loại trang phục khác biệt hơn so với 364 ngày còn lại. Và trong sự phấn khích đó thì xuất hiện một loại áo dài nhưng rất ngắn phối với những chiếc váy xòe cũng ngắn đến đầu gối. Chính sự kết hợp mang tính “hưng phấn”, khá lập dị dẫn đến sự biến dạng của áo dài và dĩ nhiên không giữ được vẻ đẹp chính thống của áo dài nữa.

Người ta thường rất ngại nói về việc “Tại sao không chịu chấp nhận cho sự cách tân?”. Vì người ta rất sợ mọi người suy nghĩ, không nói đến sự cách tân, không nói đến sự thay đổi sẽ là sự bảo thủ. Tôi không nghĩ thế. Cuộc sống là phải thay đổi nhưng thay đổi phải dựa trên nền tảng. Nền tảng đó có vững chắc hay không là do cảm nhận của mỗi người sống trong thời điểm đó. Cảm nhận thế nào thì cảm nhận nhưng trong tận cùng của mỗi người đều biết mình là người Việt. Và họ mong muốn giữa lại phần sâu thẳm nhất đó là nguồn gốc. Nhưng họ không đủ bản lĩnh để kiểm soát được dòng chảy của thời đại đi đến đâu và họ trượt theo điều đó một cách dễ dãi, hời hợt, nông cạn… thậm chí là thô thiển. Như vậy, dư luận có những điều trái chiều là một sự tích cực để chúng ta có cơ hội khẳng định vẻ đẹp của áo dài đang nằm ở đâu.

Theo như bà nói, cách tân là cần có trong đời sống thời trang, kể cả áo dài. Vậy cách tân như thế nào là vừa đủ để không phải tạo ra những “thảm hoạ” hoặc những cuộc tranh cãi trái chiều?

Tôi đơn cử một ví dụ mà rất nhiều người biết nhưng tôi vẫn nói lại. Vào thập niên 30 của thế kỷ trước có sự cách tân của áo dài Cát Tường gọi là “Le Mur”. Ông Cát Tường lấy những ren, tay phồng, cổ sơ mi… đặt để vào chiếc áo dài và rất nhiều báo chí thời đó đã phản ứng một cách gay gắt. Rõ ràng sự phản ứng đó đã thể hiện sự khát khao cách tân. Nhưng trong một thời gian ngắn, áo dài Cát Tường không thể tồn tại với phong cách đấy.

Nếu tôi sống ở thời điểm đó, tôi cũng không đồng ý cách của Cát Tường. Bởi vì cách tân phải mang ý nghĩa khác, phải hướng tới tương lai chứ không phải quay về với quá khứ hoặc là lai-căng. Đó là điều vô cùng dị ứng đối với ngành thiết kế. Cũng dễ hiểu thôi vì ông Cát Tường là một người thợ may cho nên cách cảm nhận và tư duy trong việc cách tân chỉ giới hạn ở việc ghép nhặt, chắp nối làm sao để giống Tây.

Tôi cho đó là sự mong muốn trong sự tiếp biến giao thoa văn hoá. Sự mong muốn đó là tích cực còn làm được hay không là do bản lĩnh của người thiết kế. Rất may mắn trong thập niên 30 có họa sĩ Lê Phổ. Lê Phổ là họa sĩ của những bức tranh làm lay động lòng người với những vẻ đẹp hết sức thơ mộng và mong manh. Những bức họa của họa sĩ Lê Phổ như đưa người ta lạc vào chốn thiên thai. Chỉ trong vòng vài năm, sau sự cách tân của nhà may Cát Tường thì họa sĩ Lê Phổ đã có sự cách tân mà cho đến giờ này người ta vẫn sử dụng đường nét và tỉ lệ đó. Tôi cho đó là sự cách tân có giá trị bền vững.

Tôi nghĩ, đơn giản vì Lê Phổ là họa sĩ tạo hình, có một tâm hồn mong manh, một cái gì đó rất thánh thiện, thanh cao. Vì đó mà khi cách tân áo dài Lê Phổ được đông đảo người dân công nhận. Hình ảnh, phong cách, tỉ lệ của áo dài Lê Phổ đến bây giờ vẫn được mọi người công nhận, đó là áo dài năm thân, tà thụng.

Cho đến vào khoảng thập niên 60 thì có sự cách tân táo bạo hơn đó là chiếc áo của bà Trần Lệ Xuân. Bà Trần Lệ Xuân vốn ở miền Trung rồi chuyển vào Sài Gòn mà khí hậu ở phương Nam khá oi bức nên muốn được thoải hơn và tiện dụng thì bà Trần Lệ Xuân đã tạo ra áo dài cổ thuyền, hồi xưa người ta gọi là “áo dài bà Nhu”.

Trong lịch sử có 3 cuộc cách tân rất là rầm rộ như kể trên. 3 cuộc đó đều có 3 tên tuổi bởi tác giả sẽ phải chịu trách nhiệm về việc đó.

Quay trở lại với ngày hôm nay. Áo dài cách tân là một từ mà người ta đặt ra vì người ta không biết gọi gì cho đúng. Thế thì cách tân như thế nào? Cách tân có thể hiểu là một động từ dành cho công đoạn của một nhà thiết kế chứ không phải như một danh từ bởi vì áo dài là áo dài.

Theo NTK Minh Hạnh, cho đến nay, hình ảnh, phong cách và tỉ lệ của áo dài Lê Phổ vẫn được áp dụng. Hình ảnh bà Ngô Thị Thanh Hằng - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội lên chúc mừng vợ cố họa sĩ Bùi Xuân Phái, NSND Trà Giang, NTK Minh Hạnh trong Festival Áo dài Hà Nội 2016. Ảnh: Mạnh Thắng.
Theo NTK Minh Hạnh, cho đến nay, hình ảnh, phong cách và tỉ lệ của áo dài Lê Phổ vẫn được áp dụng. Hình ảnh bà Ngô Thị Thanh Hằng - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội lên chúc mừng vợ cố họa sĩ Bùi Xuân Phái, NSND Trà Giang, NTK Minh Hạnh trong Festival Áo dài Hà Nội 2016. Ảnh: Mạnh Thắng.

Nhiều người cho rằng, loại áo dài phối với váy xòe hiện nay được nhiều người chấp nhận vì nó phù hợp với một số bạn trẻ. Liệu điều này có ảnh hưởng gì đến những giá trị của áo dài truyền thống?

Chúng ta đều biết rằng, áo dài là một chiếc áo truyền thống. Một khi đã là áo truyền thống sẽ có những quy tắc mặc định vì chiếc áo truyền thống nói lên những nguyên tắc sống của người Việt. Ngày xưa, chiếc áo dài có 5 nút, tà trong và tà ngoài là hai màu khác nhau, thật chí là đối trọng. Ngày xưa khổ vải dệt rất nhỏ nên ở giữa có đường thẳng, đường thẳng đó vừa do kỹ thuật dệt vải vừa chứa đựng triết lí sống. Đường thẳng này cộng với tay áo cho ta hình tung và hoành nói về sự chính nhân quân tử của người mặc áo dài.

Thân trong và ngoài mang hai màu đối trọng để nói về quan điểm sống mà mọi người dân Việt đều muốn hướng tới đó là sự cân bằng của cuộc sống. Cái màu âm và màu dương đó cho người ta sự bình yên hơn, cảm thấy cân bằng hơn.

Tiếp theo, 5 cúc áo tượng trưng cho mối quan hệ ngũ luân của người Việt thời ấy. Trên một chiếc áo truyền thống bao giờ cũng có một câu chuyện kể về lịch sử, về những giá trị thăng trầm của đất nước ấy. Tất cả những triết lí sống ấy mang đến cho người mặc một vẻ đẹp mà người Việt luôn mong muốn hướng tới đó là vẻ đẹp thánh thiện, thanh cao.

Chúng ta không có vẻ đẹp theo quan điểm của Mỹ là bốc lửa, sexy… hoặc vẻ đẹp của Pháp là gợi tình, lãng mạn… Người Việt mong muốn vẻ đẹp khác. Nếu chúng ta hiểu được phần linh hồn của chiếc áo dài từ những triết lí sống đó, từ thế kỷ này đến thế kỷ khác, tại sao áo dài vẫn tồn tại một cách xuất sắc và trở nên phổ biến đến hôm nay vì chúng ta có một quá khứ đáng tự hào, có một bề dày truyền thống đáng nâng niu.

Việc chúng ta làm mới thì phải hiểu rõ cái căn bản, cái nguồn cội của nó để chúng ta làm mới một cách hữu hiệu. Làm mới mà không thể mất đi giá trị mà mình đã có. Làm mới để có những giá trị mới cho tương lai. Chúng ta làm mới để giải quyết sự tiện dụng nhất thời thì chúng ta sẽ mãi mãi mất đi những điều mà cha ông đã cố công gìn giữ.

Vậy bà cổ vũ hay phản đối loại trang phục tương tự áo dài gây tranh cãi quyết liệt trong dịp Tết Đinh Dậu vừa qua?

Với loại trang phục đó, nếu các bạn thích cứ mặc, không sao cả. Nhưng với tôi thì không nên gọi đó là áo dài. Nó là loại áo gì đó còn áo dài thì phải xuất hiện đúng vẻ đẹp của nó. Chúng ta cần phải khẳng định điều đó để chúng ta không phải trả giá cho những hệ lụy không cần thiết từ một chiếc áo không phải áo dài hay có thể gọi là áo ngoại lai.

Áo dài truyền thống đã là niềm tự hào của bất kỳ một người Việt nào. Chúng ta phải có trách nhiệm gìn giữ bằng một biện pháp nào đó, không phải là biện pháp hành chính, không phải pháp lý mà là biện pháp của tâm hồn.

Tâm hồn của bạn đẹp đúng với một người Việt thì chắc chắn bạn sẽ chọn mặc những chiếc áo mà nhìn là người ta nhận diện ra được bạn là người Việt Nam. Còn nếu, bạn mặc một chiếc áo mà người ta hoài nghi về nguồn gốc thì bạn không tổn thương, đồng bào của bạn cũng sẽ tổn thương.

Tôi vừa gặp một số bạn trẻ đang theo học nghệ thuật ở Italia. Có một bạn trẻ tên là Maika hỏi tôi: “Những ngày vừa qua con thấy trên mạng xôn xao những hình ảnh này (đó là hình ảnh loại trang phục ngoại lai như tôi vừa nói). Các bạn Italia hỏi rằng: “Cái này là áo dài à?”. Con cảm thấy lo ngại vì chắc chắn người Italia sẽ không hiểu hoặc hiểu sai đi cái áo dài mà mình đã từng có. Vậy con giải thích với họ làm sao, thưa cô?”.

Thật sự, câu hỏi ấy làm tôi khá thích thú và ngạc nhiên. Các bạn ấy còn quá trẻ, lại học ngành nghệ thuật nên không hiểu vì sao mặc cái áo ấy với váy xòe ngắn là điều dễ hiểu. Tôi có nói với các bạn ấy rằng, các con phải có những cảm nhận bắt đầu bằng chữ A nghĩa là phải đọc lại lịch sử, những gì trong lịch sử chính là cảm nhận cho tương lai.

NTK Minh Hạnh cho rằng, những tranh cãi quyết liệt liên quan đến áo dài vừa qua là sự tranh cãi tích cực. Ảnh: Xuân Ngọc.
NTK Minh Hạnh cho rằng, những tranh cãi quyết liệt liên quan đến áo dài vừa qua là sự tranh cãi tích cực. Ảnh: Xuân Ngọc.

Tôi không nói trang phục đó là xấu hay đẹp, tốt hay xấu… vì nó thuộc cảm quan của mỗi người. Khi tôi hướng dẫn cho tất cả các bạn trẻ, tôi vẫn nói rằng, tất cả mọi cảm xúc được đặt để trong một quan điểm thẩm mỹ nào đó đó đều phải được đặt để trong biện chứng khoa học.

Theo bà, trong câu chuyện này, các nhà thiết kế, người làm nghề… phải có trách nhiệm như thế nào trong việc định hướng sự lựa chọn của người tiêu dùng?

Đối với những loại sản phẩm thời trang khác tôi không ý kiến, còn với áo dài tôi nghĩ rằng, mỗi nhà thiết kế thời trang cần phải có một tấm lòng đủ ấm áp khi đứng trước tiền vì tiền lạnh lắm. Phải có kiến thức đủ mạnh để không bị văn hóa ngoại lai xâm thực vào tư duy thiết kế của mình. Phải có đủ bản lĩnh để khi mình làm mình biết đó là đúng mà nếu đám đông nông nổi vẫn ném đá mình thì vẫn đủ sức vượt qua điều đó. Hiện nay các nhà thiết kế Việt Nam rất thích làm mới nhưng bề dày về kiến thức, sự dũng cảm để đối diện với sự thật vẫn chưa đủ.

Câu chuyện áo dài ngày hôm nay không chỉ là câu chuyện riêng của các nhà thiết kế. Nhưng tôi nghĩ, nếu các nhà thiết kế mong muốn cho nền thời trang phát triển thì khi các bạn thiết kế áo dài, tâm hồn của các bạn phải đẹp như thế, phải đi đến sự thanh cao để áo dài có một tương lai mà không có bất kỳ một rào cản nào có thể cản phá nó được.

Cám ơn bà đã chia sẻ thông tin.

NTK Sỹ Hoàng

Tết vừa rồi, công ty của tôi tham gia biểu diễn ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, tôi đứng trên lầu nhìn xuống thấy rất đông bạn trẻ diện loại trang phục đang được gọi là “áo dài cách tân” mà tôi đau đớn lắm.

Tôi khẳng định, cái này không phải là áo dài. Vì không phải là áo dài nên không thể gọi là xu hướng áo dài cách tân...

Theo lẽ thường, chỉ cần nhìn vào bộ trang phục bình thường là có thể nhìn nhận được nhân cách, đạo đức và trình độ thẩm mỹ của người mặc. Huống chi là mặc một bộ không phải là áo dài mà tự nhận là người Việt Nam. Chúng ta bảo đó là bảo tồn văn hoá, phát huy giá trị văn hóa thì rất là sai. Ông bà mình nói: “Chiếc áo không làm nên thầy tu” nhưng thầy tu thì không được quyền chọn áo, trong khi chúng ta lại được quyền chọn áo mặc. Người ta cũng nói là “Xứng y, kỳ đức”, tức là nhìn vào bộ quần áo người ta thấy được đức độ của người mặc. Cho nên không thể tùy tiện nói: “Tôi còn trẻ, tôi muốn mặc gì là quyền của tôi” được.

Tôi cho rằng, bây giờ người nào lỡ mặc những loại trang phục đó mà bị mắng là đúng thôi. Nếu không muốn bị mắng nữa thì dẹp ngay thứ đó đi, đừng mặc nữa. Giới truyền thông, báo chí, nhà nghiên cứu nên lên tiếng mạnh hơn để mọi người phải nhìn nhận ra vấn đề. Tôi với trách nhiệm cao nhất của mình cũng sẽ làm hết mình để áo dài giữ được giá trị nguyên vẹn của nó. Và càng không thể để người ta đồng hóa mình dễ như thế được...

Hà Tùng Long

Clip: Xuân Ngọc