NTK Minh Hạnh mang “Chim phượng hoàng” sánh với thời trang Pháp

(Dân trí)- Nằm trong sự kiện giao lưu văn hóa Việt – Pháp, NTK Minh Hạnh đã lấy ý tưởng từ đôi cánh chim phượng hoàng mang tên “Phượng hoàng bay đến mặt trời” với 100 mẫu thiết kế sẽ được mang sang trình diễn tại lâu đài Chambord vào ngày 7/9 tới.

Trước ngày lên đường, NTK Minh Hạnh chia sẻ: “Đây sẽ là một cuộc viễn chinh đầy áp lực, thách thức nhưng cũng vô cùng tự hào không chỉ của 3 NTK mà của thời trang Việt Nam. Vì Chambord là một kiệt tác kiến trúc vĩ đại của thế giới được UNESCO công nhận là di sản văn hóa nhân loại và đây là lần đầu tiên Chambord chấp nhận cuộc biểu diễn thời trang từ một đất nước xa xôi đó là Việt Nam.  Thực tế thì trên bản đồ thời trang thế giới, Việt Nam không biết đang đứng ở vị trí nào nên cơ hội được đến một đất nước mà thời trang đã trở thành hơi thở của họ là một điều vô cùng tự hào của chúng ta”.

NTK Minh Hạnh trả lời báo chí trong cuộc họp báo chiều 22/8.
NTK Minh Hạnh trả lời báo chí trong cuộc họp báo chiều 22/8.
Mẫu thiết kế Cánh chim phượng hoàng của NTK Minh Hạnh.
Mẫu thiết kế "Cánh chim phượng hoàng" của NTK Minh Hạnh.

Mẫu thiết kế (đen) của NTK Công Khanh và thiết kế trên chất liệu da cá sấu của NTK Minh Hạnh (đỏ).
Mẫu thiết kế (đen) của NTK Công Khanh và thiết kế trên chất liệu da cá sấu của NTK Minh Hạnh (đỏ).

Trước thách thức và áp lực đó, NTK Minh Hạnh và cộng sự đã đưa hình tượng “Chim Phượng Hoàng” vào các mẫu thiết kế bởi loài chim này là biểu tượng của vẻ đẹp cao quý, thanh lịch, tự do.

Bộ thiết kế lấy hình mẫu quen thuộc là tà áo dài Việt Nam nhưng được thể hiện độc đáo qua sự sáng tạo của 3 NTK: Công Khanh với giấc mơ về huyền thoại của những nghệ thuật Goric, mang tinh thần thời đại. Qua đó kiến trúc hùng vĩ của lâu đài Chambord được thể hiện như một thành phố trong không trung bằng kĩ thuật in chuyển tiếp trên chất liệu lụa và trang sức bằng gỗ chạm tay.

NTK Trọng Nguyên trong cuộc họp báo.
NTK Trọng Nguyên trong cuộc họp báo.

Một mẫu thiết kế của NTK Trọng Nguyên.
Một mẫu thiết kế của NTK Trọng Nguyên.

Trong 20 mẫu thiết kế của NTK Trọng Nguyên lại là sự liên kết giữa những tác phẩm hội họa nổi tiếng đang được trưng bày tại Chambord  để tạo những hình kỉ hà như không gian rộng mở. Những họa tiết tranh tường của lâu đài Chambord được đưa vào chiếc áo dài Việt Nam với mục đích tạo sự hòa quyện Đông – Tây. Với chất liệu metalic ánh kim rực rỡ được xứ lý tinh tế khiến những kiệt tác trở nên gần gũi.

Với NTK Minh Hạnh việc lấy ý tưởng từ đôi cánh chim Phượng Hoàng được chị sử dụng trên những chất liệu “rất Việt Nam” như: ren chỉ làm bằng tay của Hà Nam – Hà Nội, vải lanh dệt tay của người H Mông. Đặc biệt lần này sự góp mặt của da cá sấu nằm trong 15 mẫu thiết kế được coi là “cuộc mở đầu” để nâng tầm giá trị của chất liệu này ở Việt Nam. Ngoài ra  lụa và thổ cẩm cũng được chị lựa chọn trong bộ sưu tập bởi theo NTK Minh Hạnh: “Đây là những chất liệu dân tộc quý không chỉ với người Việt Nam và với tất cả mọi người trên thế giới”.

 NTK Công Khanh với những mẫu thiết kế khắc họa kiến trúc của lâu đài 
 NTK Công Khanh với những mẫu thiết kế khắc họa kiến trúc của lâu đài Chambord trên chất liệu Việt Nam.

Mẫu Thiết kế của NTK Công Khanh.
Mẫu Thiết kế của NTK Công Khanh.

Trong cuộc họp báo chiều ngày 22/8, NTK Minh Hạnh còn khẳng định: “Nhà thiết kế cần làm bộc lộ rõ nét nguồn gốc của mình và không có gì quý hơn đó là sử dụng những dấu hiệu dân tộc để bộc lộ”.

Lí do để chị chọn những chất liệu vốn “rất Việt Nam” và mang hơi thở dân tộc Việt đó còn là : Những chất liệu này vẫn được dệt bằng sợi tự nhiên, đây là khuynh hướng và tương lai để cho những người tiêu dùng trên toàn thế giới hướng đến vì nó thân thiện với môi trường.

Tham gia sự kiện này ngoài một số người mẫu của Việt nam như Hoa hậu Ngọc Hân, người mẫu Hồng Quế, Kha Mỹ Vân, Lâm Thu Hằng… NKT Minh Hạnh cho biết sẽ chọn thêm những người mẫu Pháp vì muốn khẳng định tất cả những kiểu dáng, phong cách của áo dài Việt Nam phù hợp với tất cả những người đang sống trong thế giới này.

Phạm Oanh 

 

Phạm Oanh