NSƯT Thành Lộc từng chết đi sống lại năm 4 tuổi, phải làm con gái năm 6 tuổi
(Dân trí) - Chia sẻ trong khoá tu Ngày An lạc lần 2 tại chùa Giác Ngộ, NSƯT Thành Lộc cho biết, anh từng tắt thở trên tay mẹ vì bệnh đau ban (bệnh sởi) năm 4 tuổi. Tuy nhiên, sau đó anh đã được một sư thầy cứu và theo nghệ thuật để trả nghiệp cuộc đời.
NSƯT Thành Lộc tâm sự rằng, anh may mắn được sinh ra trong một gia đình có truyền thống sân khấu. Bên nội và bên ngoại đều là những gia đình nổi tiếng với nghệ thuật hát bội. Ông nội của anh là một ông bầu gánh rất nổi tiếng ở đất Vĩnh Long. Ông ngoại là một ông bầu gánh rất nổi tiếng ở Sài Gòn.
Ba anh là một ông kép hát bội nổi tiếng ở Vĩnh Long nhưng vì muốn tiến thân nên sau đó đã lên Sài Gòn. Đầu quân vô gánh hát bội của ông ngoại sau đó mới nên duyên với cô con gái út của ông ngoại, tức má anh sau này. Nghĩa là Thành Lộc được thừa hưởng gen di truyền từ gia đình và được nuôi đam mê nghệ thuật từ nhỏ.
“Tuy nhiên, từ nhỏ tôi nghĩ mình sẽ thành một kép cải lương chứ không nghĩ là kép kịch nói vì gia đình toàn theo nghệ thuật hát bội với cải lương không hà. Khi tôi 8 tuổi đã được lên tivi rồi vì tham gia ban thiếu niên các đài truyền hình của Sài Gòn với cái tên Thành Tâm.
Học lớp 6, lớp 7 tôi lại thích trở thành thầy giáo dạy văn. Một phần vì tôi có năng khiếu về văn chương và một phần vì quá si mê cô giáo dạy văn. Cô mặc áo dài rất đẹp và có cách viết chữ bằng phấn nhưng bằng dòng chữ nghiêng như in trên giấy. Tôi mê cô giáo quá lắm”, Thành Lộc kể.
Nam nghệ sỹ cũng bày tỏ thêm rằng, năm 1975, anh có theo học khoá balle và phát triển khá tốt. Thế mạnh của anh là múa dân gian Việt Nam. Năm 1977, anh có tham gia Liên hoan Thiếu nhi thế giới lần thứ I tại Liên Xô và đã giành được một Huy chương vàng. Sau đó về lại Việt Nam, trường múa có nhã ý muốn đào tạo anh trở thành một diễn viên múa chuyên nghiệp nhưng nếu theo con đường này anh phải mất 11 năm ở lại trường múa ngoài Hà Nội.
“Thời đó, toàn ăn khoai sắn, bo bo và mỳ gói nên tôi sợ không đủ sức để ở lại Hà Nội học tới 11 năm. Tôi liền xin phép thầy cô về Sài Gòn để hỏi ba má nhưng kỳ thực về cũng không nói gì lại với ba má cả. Thời đó, tôi học múa ở Nhà Văn hoá Thanh niên là thầy Thế Ly dạy, ông là một người rất giỏi.
Tôi có hỏi thầy: “Thưa thầy, con muốn học để thành một diễn viên múa chuyên nghiệp thì thầy thấy thế nào”, ông bảo với tôi rằng: “Thầy biết con sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, thầy nghĩ, nếu con trở thành nghệ sỹ sân khấu thì thầy tin con là một nghệ sỹ sân khấu xuất sắc, còn nếu theo nghiệp múa con chỉ là nghệ sỹ trung bình thôi. Nếu con là diễn viên mà có khả năng múa như vậy thì con là diễn viên xuất sắc. Nghe thầy nói tôi quyết tâm thi vào trường sân khấu”, NSƯT Thành Lộc trải lòng.
Tham nam nghệ sỹ này thì sau năm 1975, ở Sài Gòn bắt đầu xuất hiện thể loại thoại kích tức là kịch nói. Những đoàn kịch nói ở Hà Nội vào biểu diễn đã khiến anh say mê.
“Lúc đó, tôi hiểu kịch nói là bộ môn chuyển tải được những vấn đề mang tính đương đại, thời đại. Nó đi được vào những đề tài gai góc, thời sự, nhanh hơn, thể hiện tính thanh niên mạnh mẽ hơn. Lúc đó tôi mới 16 tuổi nên sự nhiệt huyết muốn cống hiến cho cộng đồng, cho xã hội mạnh mẽ lắm. Cái thời của chúng tôi sống có lý tưởng lắm, đó là lý tưởng muốn phụng sự cho đất nước, cho nhân dân. Bạn bè của tôi xung phong vào quân ngũ, còn tôi chọn nghệ thuật để cống hiến tài năng và tuổi trẻ. Tôi quyết định thi vào trường sân khấu năm 1978 và tốt nghiệp năm 1982. Tôi chọn kịch nói làm con đường đi cho đến bây giờ luôn.
Là diễn viên mà có thể hát bội, hát cải lương, hát tân nhạc, múa balle, múa dân gian, khiêu vũ được… nên tôi có nhiều thuận lợi hơn trong nghề. Và có lẽ nhờ thế mà tôi đứng lâu trong lòng khán giả”, Thành Lộc tâm sự.
Chia sẻ về tuổi thơ, nam nghệ sỹ kể, hồi mới 3 - 4 tuổi anh bị đau ban rất nặng mà do thời đó y học chưa phát triển nên không có thuốc nào chữa được. Má anh có kể lại rằng, có lần anh lên cơn đau ban, do không có thuốc chữa nên anh đã chết trên tay má. Chết theo nghĩa đen là tắt thở hoàn toàn. Tuy nhiên, vì thương con nên ba má anh vẫn muốn “còn nước, còn tát”. Trong cơn hoảng loạn, nghĩ không thể cầu cứu y học được nữa nên cầu cứu các đấng thần linh.
Ba má anh ẵm anh chạy lên một ngôi chùa ở Gò Vấp nhờ sư thầy cứu được tới đâu hay tới đó. Thầy trụ trì đưa vào trong cái chuông lớn, niệm Phật rồi đánh tiếng chuông. Không ngờ, sau khi tiếng chuông vừa dứt anh tỉnh dậy cười khanh khách. Sau biến cố đó, để dễ nuôi, ba má anh không cho anh làm con trai mà “hô biến” thành con gái. Anh được để tóc dài, mặc đồ con gái, không gọi bằng tên thật. Năm 6 tuổi, khi học lớp 1, anh mới được cắt tóc làm con trai và gọi bằng cái tên Thiện Tâm.
NSƯT Thành Lộc kể thêm rằng, thời đi học anh rất ghét thi học kỳ vì mỗi lần thi học kỳ xong có bằng danh dự là bị nhiều bạn ghét.
“Người học kém hơn thấy mình học giỏi thì thích chơi với mình nhưng người học giỏi giống mình thấy mình cũng học giỏi giống họ thì bị họ ghét. Ngay cả mình cũng vậy luôn, hôm nay tuột hạng mà bạn mình lên hạng là mình ghét. Lúc vào học trường sân khấu mừng lắm vì nghĩ chắc không phải thi cử gay gắt như trước nhưng hoá ra nó lại còn ghê hơn.
Khi học ở trường sân khấu, cứ thầy cô yêu thích mình là bạn bè lại ghét… Thế nên khi học chỉ mong sớm ra trường để thoát khỏi cảnh này nhưng ra trường lại còn khủng khiếp hơn. Thế giới showbiz là một thế giới đầy danh vọng. Người càng thành công trong sự nghiệp lại càng có nhiều kẻ thù. Nên để buông bỏ được khi theo nghệ thuật là một điều rất khó”.
Nam nghệ sỹ cũng cho biết, ngày xưa mỗi khi gặp ai không tốt với mình, mình ray rứt, lên án, thù ghét… bây giờ giác ngộ nhân mọi lẽ đời hơn nên anh tìm cách lý giải khác. Anh tự cho họ có lý do nào đó để mình tha thứ và bao dung.
"Bây giờ tôi thích cười nhiều hơn buồn. Nhiều người thích tạo ra thị phi để được mọi người chú ý tới mình, còn tôi không quen như vậy. Tôi thích nổi tiếng từ giá trị lao động của mình hơn là những lùm xùm. Năm nay, tôi rút ra khỏi thế giới của game show cũng vì muốn tập trung cho sân khấu và tránh những đụng chạm trong showbiz”, Thành Lộc tâm sự thêm.
Hà Tùng Long