NSƯT Phương Thảo: "Nhiều nghệ sĩ bây giờ mải khoe đường cong, lười học"
(Dân trí) - NSƯT Phạm Phương Thảo cho rằng, nghệ sĩ ngày xưa làm nghệ thuật vì khao khát, đam mê, nghệ sĩ bây giờ nhiều người làm nghệ thuật chủ yếu để "khoe đường cong, hàng hiệu chứ lười học hành".
Trên ghế giám khảo chung kết Sao Mai năm nay, Phạm Phương Thảo luôn nổi bật bởi hình ảnh rất "nóng", từ phong cách thời trang khác biệt so với hình ảnh thường ngày đến những gam màu sử dụng. Chị coi trọng thời trang, hình ảnh ra sao khi xuất hiện trước khán giả?
- Thời trang thể hiện thẩm mỹ và văn hóa của người mặc. Tôi luôn chú trọng cách ăn mặc phù hợp với vóc dáng của mình và nơi đến để tự tin, tôn trọng người khác.
Năm nay xu hướng "chơi màu" lên ngôi, nhưng nó đã là gu của tôi từ nhiều năm trước. Tôi thích màu sắc vì nó mang lại cảm giác tươi vui. Hơn nữa, chất liệu lụa luôn là lựa chọn hàng đầu của những set váy tôi hay mặc.
Lụa có màu sắc đa dạng, phong phú. Với những thiết kế yêu thích, tôi thường may luôn cả bảng màu để mặc thay đổi. Tôi không nghĩ mình lại được chú ý và đánh giá cao về gu thời trang khi diện màu nổi trên thảm đỏ như vậy. Bây giờ tôi mới biết mình hợp "chơi màu" đến thế (cười).
Có ý kiến cho rằng, các thí sinh Sao Mai bây giờ "sướng" hơn thời các chị ngày xưa, đi thi được hỗ trợ rất nhiều, ngay cả trang phục, hình ảnh cũng đầu tư hàng chục triệu đồng cho mỗi bộ váy áo lộng lẫy. Nhưng ngược lại, về tài năng lại không bằng thế hệ cũ, chị nghĩ sao về điều đó?
- Nếu nói các em không tài năng bằng mình là đang tự đề cao bản thân quá. Cá nhân tôi nhận thấy, các thí sinh hiện tại rất tài năng. Họ dám bước ra những điều xưa cũ, học hỏi, vận dụng những điều mới mẻ, đưa vào nghệ thuật truyền thống.
Nhưng theo tôi họ chưa thành công vì 2 lý do: Một là khán giả truyền thống khó chấp nhận thay đổi gu thưởng thức, vì bao năm qua họ đã quen món ăn đó phải là gia vị đó.
Hai là những ngôi sao cũ vẫn hát bài hát, lối hát cũ và vẫn được yêu mến. Bởi vậy, giai đoạn này, nghệ thuật rất phong phú, đa dạng, đồng nghĩa với việc "mạnh ai người ấy sáng". Chỗ nào phù hợp với ai thì người ấy mạnh.
Tôi thấy xu hướng dần sẽ loại bỏ lối mòn, nhường chỗ cho những tác phẩm nghệ thuật mang hơi thở hiện đại.
Tuy nhiên, việc vận dụng khéo léo để mang hơi thở mới vào nghệ thuật mà vẫn giữ được chất Việt, thuyết phục công chúng phụ thuộc vào các nghệ sĩ trẻ. Cá nhân tôi ủng hộ và chờ đợi điều này.
Dư luận cũng cho rằng, trong những năm gần đây, rất ít Quán quân Sao Mai nổi bật sau cuộc thi và trở thành những tên tuổi lừng lẫy như thế hệ trước. Chị có đồng tình?
- Tôi cho rằng, cuộc sống càng phát triển, con người càng vơi đi cái tình trong cảm xúc và lương tâm.
Nghệ sĩ ngày xưa làm nghệ thuật vì khao khát, đam mê như mạch nguồn trong từng hơi thở. Nghệ sĩ bây giờ nhiều người làm nghệ thuật chủ yếu để khoe đường cong, hàng hiệu chứ lười học hành, trau dồi kiến thức và trí tuệ, thấy ai làm gì thì bắt chước, mà người bắt chước lại nổi tiếng hơn vì biết pha trò hơn.
Khán giả trẻ lại có xu hướng ủng hộ việc pha trò, thành ra nghệ thuật chân chính gần đây ít được quan tâm.
Mà các Quán quân Sao Mai, phần lớn học hành bài bản, chỉ làm được nghệ thuật chân chính thôi. Đầu tư cho nghệ thuật đúng nghĩa bây giờ cần chiến lược thông minh, tốn kém lắm. Đó là sự thiệt thòi cho các em.
Những mùa giải Sao Mai gần đây không có các thí sinh nam giành giải Quán quân, hầu hết đều là những gương mặt nữ chiếm lĩnh giải cao nhất. Ở vị trí giám khảo, chị có thể lý giải gì về điều này?
- Tôi và các giám khảo khác cũng muốn cân bằng âm dương lắm nhưng chất lượng các thí sinh nữ tốt hơn hẳn thì không thể khác được.
Không thể phủ nhận các bạn gái thời nay rất thông minh, tài năng và biết cách làm mình tỏa sáng. Nghệ thuật lại rất cần yếu tố này.
Chị đánh giá ra sao về mặt mạnh, mặt yếu của các thí sinh bước vào vòng chung kết xếp hạng? Hẳn chị đã nhìn thấy những Quán quân?
- Năm nay, có thể nói là mùa giải khó chấm nhất từ trước tới nay bởi chất lượng đồng đều của các thí sinh. Ai cũng có sở trường và nhược điểm. Nhưng ai thông minh, bản lĩnh, họ sẽ biết cách tự hiểu mình mạnh ở đâu để chinh phục Ban Giám khảo.
Quán quân phải là ngôi sao trong lòng tôi và phải thuyết phục được các thành viên giám khảo khác. Điều đó phụ thuộc vào phong độ của các em trong trận chiến cuối cùng.
Theo chị, áp lực lớn nhất của một giám khảo Sao Mai là gì?
- Là thoát ra được cái tôi của chính mình. Nếu cứ bảo thủ, đề cao cá nhân, sẽ vô tình lựa chọn thí sinh cho mình chứ không phải cho cuộc thi và nền âm nhạc tương lai.
Có nhiều bạn giọng hát tốt nhưng lại không có tố chất sân khấu, sẽ không thể là ngôi sao sáng được. Chấm thi mà cứ ưu tiên thí sinh hát to, hát khỏe, kỹ thuật tốt mà không chú trọng phong cách, thần thái biểu diễn cũng chưa đúng.
Chỉ còn ít ngày nữa sẽ diễn ra đêm chung kết, chị có lời khuyên nào dành cho các thí sinh?
- Chọn bài thông minh, xử lý tác phẩm tốt, trang phục, trang điểm đẹp và phù hợp tác phẩm là điều tôi muốn nhắn nhủ tới các thí sinh. Cuối cùng, hãy thật bản lĩnh, hát như lần cuối cùng được hát, không quan trọng thắng thua, mà phải chắc chắn mình không nuối tiếc điều gì.