NSƯT Đức Long: "Làm nghề hát mà "giàu có" đúng nghĩa khó lắm"
(Dân trí) - Đến giờ, tuy vẫn sống trong căn nhà nhỏ ở đường Lê Duẩn (Hà Nội), không có xe sang hay của để dành đặc biệt nhưng NSƯT Đức Long vẫn hài lòng...
NSƯT Đức Long tâm sự, được sống tạm đủ để toàn tâm toàn ý với nghệ thuật là ông quá mãn nguyện và thấy may mắn hơn người khác rất nhiều rồi, không mong gì hơn. Dù không dư dả gì, ông vẫn luôn sẵn sàng cưu mang những học trò nghèo bao năm nay.
"Nghệ sĩ không phải là ông này, bà nọ"
Đi qua rất nhiều thăng trầm và biến cố, nhìn lại cuộc đời mình, cả về âm nhạc và cuộc đời, ông có điều gì nuối tiếc?
- Điều tiếc nuối đó là nhiều năm nữa, chúng tôi cũng không thể tìm lại được thời đi hát ở trên biên giới, hát cho cán bộ, chiến sĩ, đồng bào ở vùng sâu vùng xa.
Có khi đoàn chuẩn bị biểu diễn, bà con đi cả nửa ngày đường đến nghe. Khi chúng tôi hát xong, bà con lại lên nương… Tiếc là tuổi chúng tôi không còn có nhiều thời gian nữa để cống hiến như ngày ấy.
Khán giả yêu mến Đức Long không chỉ bởi giọng hát đẹp, mà còn vì sức cống hiến chưa bao giờ mệt mỏi của ông. Tại sao ông ví nghệ sĩ như "công nhân quét rác"?
- Tôi luôn cho rằng, nghệ sĩ không phải là ông này, bà nọ mà được quyền nọ, quyền kia. Tôi ví nghệ sĩ như người công nhân quét rác. Anh muốn người ta yêu mến mình thì đoạn đường này ngày nào cũng phải quét sạch, chứ một nhát đến tai, hai nhát đến gáy thì sẽ chẳng ai yêu mình cả.
Nghề biểu diễn của tôi cũng thế, mỗi lần đứng trước khán giả phải hết mình, khán giả họ đến xem mình là xem nỗ lực, nhiệt tình của mình với nghề, còn hát như cái máy làm công ăn lương, thì không khán giả nào yêu mến cho được.
Nỗi sợ hãi lớn nhất của ông trong cuộc đời này là gì?
- Với tôi, nỗi sợ hãi lớn nhất chính là không được hát, ngoài ra tôi… không sợ gì cả.
Đâu là lý do để ông chọn cái tên giản dị "Đức Long hát…" cho liveshow của mình?
- Cả cuộc đời nhìn lại, tôi sống hết mình với nghiệp ca hát. Có thể "trắng tay" vì hát, mà cũng có thể "giàu có" vì hát.
Bởi vậy "hát" là đã nói trọn vẹn về con người, sự nghiệp, dấu ấn của Đức Long trong cuộc đời này rồi. Cuộc đời Đức Long viên mãn nhất chính là được hát.
"Trắng tay" vì hát, mà cũng có thể "giàu có" vì hát
Ông nói, có thể "trắng tay" vì hát, mà cũng có thể "giàu có" vì hát. Điều này có mâu thuẫn không?
- Tôi nghĩ không riêng gì Đức Long mà nghệ sĩ nào cũng vậy, những ai đã dành đam mê, cả cuộc đời dốc hết vốn liếng cho âm nhạc cũng là "trắng tay".
Làm nghề hát mà "giàu có" đúng nghĩa tôi nghĩ khó lắm. Trên chặng đường âm nhạc suốt 40 năm qua, "giàu có" đối với tôi là cái vốn của mình với âm nhạc, là có bạn bè, khán giả, nghệ sĩ luôn bên cạnh.
Tôi đã từng chia sẻ nhiều lần rằng, tôi vô cùng mãn nguyện với con đường mình đã chọn. Tôi là người hạnh phúc nhất, giàu có nhất vì tôi được rất nhiều khán giả, học trò hết lòng yêu mến.
NSƯT Đức Long có thể hé lộ về những người đồng hành cùng ông trong liveshow lần này, cũng là những người bạn, tri kỷ, học trò lâu năm?
NSND Quang Vinh - tổng đạo diễn chương trình cũng là người bạn rất thân thiết, hiểu tôi, giúp tôi về những vấn đề lớn trong chương trình. Liveshow này thành hay bại, tôi cũng đổ tại Quang Vinh hết (cười).
NSND Ngọc Khôi là người đồng hành cùng tôi từ trên ghế nhà trường ở Nhạc viện. Tôi vẫn nói, trong số bạn bè thì Ngọc Khôi là người tôi dễ bắt nạt nhất. 22h đêm tôi còn bắt sang nhà để đệm đàn cho học sinh tập bài.
Mọi người hay bảo, ở đâu có Ngọc Khôi thì ở đó có Đức Long, tôi thăng hoa trên sân khấu là nhờ tiếng đàn của Khôi. Chúng tôi là tri kỷ ngoài đời và trên sân khấu. Trong liveshow của tôi, Khôi sẽ đảm nhiệm đệm piano phần hát thính phòng của tôi.
NSND Thái Bảo - nữ ca sĩ xuất hiện trong đêm diễn là người em số một của tôi, chúng tôi đã gắn bó yêu thương nhau suốt hơn 30 năm.
Thái Bảo là người đã động viên, khuyến khích, "dụ dỗ" tôi về công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam - nơi mà tôi vô cùng biết ơn đã chắp cánh cho tôi thỏa sức làm nghề. Anh em ngoài đời thì hay mắng nhau, nhưng hôm nay, tôi xin nói lời biết ơn Thái Bảo đã "lôi kéo" tôi.
Ca sĩ Ngọc Châm - Giám đốc sản xuất chương trình - là học trò mà tôi yêu mến, nhờ có Ngọc Châm mà tôi mới mạnh dạn để làm liveshow riêng của mình.
8 năm trước, khi Ngọc Châm bắt đầu bước vào sự nghiệp tổ chức chương trình đã làm liveshow cho tôi tại Nhà hát Lớn. Lần này có Ngọc Châm tổ chức chính, những chuyện từ nhỏ đến lớn đều là Ngọc Châm lo, tôi vô cùng an tâm.
Sau nhiều năm đi hát, ở độ tuổi này, NSƯT Đức Long vẫn say và cháy với nghề, đâu là lý do giúp ông nuôi dưỡng được ngọn lửa ấy?
- Bạn hỏi tại sao đến tuổi này không còn trẻ nữa mà tôi vẫn luôn luôn cháy với đam mê ca hát thì câu trả lời là, nghệ sĩ chúng tôi sinh với nghề, tử với nghề.
Khi tôi đã chọn con đường này thì tôi nghĩ rằng, đến lúc có thể tôi sẽ cất lên một tiếng hát cuối cùng rồi khuất. Nếu như tôi còn được sống, được thở, tôi vẫn còn hát.
Kể từ những ngày đầu tiên bước chân vào con đường âm nhạc chuyên nghiệp nhờ giành Huy chương Vàng Hội diễn nghệ thuật quần chúng toàn quốc khu vực I năm 1978 với ca khúc "Chiều Hạ Long", tính đến nay đã hơn 4 thập kỷ, nghệ sĩ Đức Long đi hát. Một chặng đường đủ dài để nếm trải mọi vị cay đắng, ngọt bùi, vinh quang hay khó nhọc của nghề.
"Trường ca sông Lô" là bài hát từng giúp nghệ sĩ Đức Long giành được giải "Người hát và trình bày bài hát Việt Nam "Trường ca sông Lô" hay nhất" trong cuộc thi thính phòng toàn quốc.
Ông cho rằng, tiếng hát chính là lời giãi bày mọi tâm tư của ông đối với khán giả yêu thương, không phải có thêm bất cứ một tâm sự nào nữa.
Liveshow "Đức Long hát…" sẽ diễn ra vào 20h ngày 15/4 tại Nhà hát Âu Cơ (Hà Nội). Liveshow này, Đức Long đã ấp ủ hơn 3 năm nay, nhưng vướng vào đại dịch Covid-19 bùng phát nên phải hoãn nhiều lần.
Lúc này, ông chỉ còn lo đến một "giấc mơ", là giấc mơ dịch bệnh sẽ yên ổn hơn, cuộc sống yên bình hơn để khán giả đến kín rạp, cùng ông lưu lại một dấu ấn đặc biệt nhất trong cuộc đời nghệ sĩ của mình.