Nghệ sĩ Thanh Hằng "chui xuống gầm bàn" để hát vì quá nhớ nghề

Băng Châu

(Dân trí) - "Kim Tử Long vừa ra sân khấu ca 2 câu trong "Tướng cướp Bạch Hải Đường", thấy nhớ nghề quá, tôi mượn mic để ca câu người nữ. Ngồi dưới gầm bàn hát, mọi người tìm rồi kéo lên sân khấu", Thanh Hằng kể.

Nghệ sĩ Thanh Hằng kể về lần "hát dưới gầm bàn" vì quá nhớ nghề khi đoàn từ Việt Nam sang Úc biểu diễn.

Nghệ sĩ cải lương Thanh Hằng tạm dừng sự nghiệp để sang Úc định cư từ năm 2001. Vào năm 2017, Hoài Linh đã thuyết phục được Thanh Hằng trở về Việt Nam, mong muốn cô quay lại với nghệ thuật sau 15 năm tạm ngưng.

Từ năm 2017 cho đến nay, công việc và cuộc sống của Thanh Hằng có nhiều thay đổi theo hướng tích cực. Không chỉ được khán giả đón nhận, sau 4 năm về nước nữ nghệ sĩ đã mua được nhà, xe và có cuộc sống kinh tế ổn định.

Nghệ sĩ Thanh Hằng chui xuống gầm bàn để hát vì quá nhớ nghề - 1

Mới đây, Thanh Hằng đã có dịp trải lòng về cuộc sống của mình từ khi về nước cũng như những kỷ niệm không bao giờ quên khi nhớ về nghề.

Ngồi dưới gầm bàn hát "Tướng cướp Bạch Hải Đường" vì nhớ nghề

Tôi xa Việt Nam 15 năm, khi trở về, điều hạnh phúc nhất là được sống gần gia đình và được khán giả yêu thương, ủng hộ rất nhiều. Không chỉ có nhiều khán giả lớn tuổi vẫn nhớ tôi, điều đặc biệt là các khán giả trẻ thuộc thế hệ sau này cũng theo dõi và biết đến Thanh Hằng.

Trong tuồng "Người không cô đơn", tôi vào vai Bảy khùng đã quay cách đây cũng 30 năm, vậy mà lúc tôi đi quay có mấy em bé 5-8 tuổi la lên "bà điên kìa". Tôi không nghĩ mấy chục năm trôi qua, gặp lại họ nói nhớ mình trong vở đó.

Tôi cũng muốn cảm ơn những chương trình đã mời tôi tham gia vì nhờ vậy, tôi có dịp gặp và gần gũi với Trấn Thành, Trường Giang hay những nghệ sĩ thuộc thế hệ trẻ. Đầu tháng 4 này tôi làm đêm liveshow đầu tiên sau hơn 40 năm làm nghề, Hoài Linh đặt tên chương trình là "Ngày trở về" rất ý nghĩa. Đúng là trở về mừng trong nước mắt, vui trong nước mắt, hạnh phúc trong nước mắt.

Hồi còn ở bên Úc, khi đoàn ở Việt Nam sang đó diễn, tôi bị đau dây thần kinh tọa bên chân trái nên liệt, lúc đó sắp mổ rồi nên mọi người có "rủ rê" đi diễn nhưng tôi từ chối. Chú Bảo Quốc mới gọi điện kêu lên đoàn chơi và được thăm mọi người.

Tôi có đến, ngồi dưới sân khấu và không biết Kim Tử Long trích đoạn "Tướng cướp Bạch Hải Đường". Với vở diễn này, tôi đã từng diễn với NSƯT Vũ Linh khi nhận giải thưởng Trần Hữu Trang vào năm 1991. Mọi người trêu tôi "Ai đi thi cũng có người theo phụ, riêng Thanh Hằng đi thi chỉ xách mỗi giỏ đệm và bộ đồ rách". Tôi diễn vai Nhung (vợ Bạch Hải Đường - PV) lúc tàn tạ rồi. Hôm trao giải đó, sân khấu Hòa Bình chật kín khán giả, họ vỗ tay từng chặp, từng chặp để ủng hộ khiến cho hào khí nghệ sĩ hát không thấy mệt. Kỷ niệm đó tôi không bao giờ quên được.

Nên khi Kim Tử Long vừa ra sân khấu ca 2 câu, tự dưng nhớ nghề quá, tôi lén lén "chui" lại chỗ âm thanh xin mượn mic để ca câu của vai Nhung. Tôi hát "Anh Minh, anh khoan đi đã, anh hãy ở lại đây với em vài giây phút cuối. Dù tình nghĩa chúng ta nửa đường dang dở nhưng kỷ niệm của 3 năm hương lửa vẫn còn đang mang nặng trong lòng…". Khi đó là ngồi dưới gầm bàn để hát, Kim Tử Long và mọi người nghe giọng mới đi tìm, rồi kéo tôi lên sân khấu hát tiếp.

Lần đầu diễn trên sân khấu sau khi về nước "giống như một thí sinh"

Nghệ sĩ Thanh Hằng kể về thời điểm mới về nước sau 15 năm xa cách.

Còn nhớ, lần đầu diễn trên sân khấu sau khi về nước, tôi thấy mình giống như một thí sinh vậy. Nhưng nói xin lỗi, nhiều khi còn thua các em vì tôi không biết tư tưởng của mình có theo kịp các em bây giờ không, có chạy theo được cách sinh hoạt và ngôn ngữ mà các em bây giờ đang sử dụng không.

Vì vậy tôi lo lắm, nhưng từ từ lại quen. Tôi là người cầu tiến, ham học hỏi để theo sát nhiều hơn và hiểu được khán giả trẻ thích gì, cách thể hiện của mình nên như thế nào.

Tôi nghĩ rằng, bản thân là một nghệ sĩ theo cải lương - một bộ môn nghệ thuật sân khấu dân tộc thì hãy giữ lấy nguồn gốc làm điểm tựa cho mình. Sau đó, mình sẽ trau dồi và học hỏi, thay đổi cho phù hợp với khán giả trẻ bây giờ. Dù thay đổi để phù hợp với thời cuộc nhưng mình vẫn giữ được bản gốc thì các cô chú nghệ sĩ và khán giả thế hệ trước vẫn yêu quý mình.

Hiện tại, điều kiện cuộc sống đã tốt hơn rồi nên tôi không còn lo lắng gì. Mình còn được làm nghề không bị vướng bận gì, rảnh là luyện giọng hay tập những trích đoạn mới để đi hát khi có show. Như trong mùa dịch, phải ở nhà, tôi chọn những bài tân cổ mới, nhờ tác giả viết rồi đưa sang phòng thu phối nhạc để thu âm.

Thêm nữa, thời gian này ở nhà với mẹ nên hai mẹ con được dịp tâm sự, nói chuyện với nhau. Hai con gái ở nước ngoài đã lớn, có công ăn việc làm và có thể tự lo cho bản thân mình. Hai đứa cũng thường xuyên gọi về và nói nhớ mẹ. Lúc chưa có dịch Covid-19, tôi vẫn đi đi về về nhưng giờ hạn chế. Ba mẹ con thường xuyên facetime và hai con của tôi cũng mong mau hết dịch để có thể gặp mẹ. Bản thân hai đứa cũng thích sống ở Việt Nam.

Con gái út không biết hát cải lương mà hát tân nhạc. Con bé không biết tiếng Việt, sau này sống ở nước ngoài cũng dùng tiếng Anh nhiều. Nhưng có mấy lần, con gửi clip hát những ca khúc tân nhạc bằng tiếng Việt trong phòng khiến tôi bất ngờ lắm, vì con hát tiếng Việt chuẩn.

Con bé từng nói muốn làm ca sĩ nhưng bây giờ sẽ đi học, tự đi làm có tiền rồi học thanh nhạc, mở phòng thu. Con tôi bảo sẽ không quên ước mơ của mình, nhưng tiếc là bé không theo nghề cải lương của mình mà đi theo tân nhạc.

Không thấy tiếc khi làm liveshow đầu tiên ở tuổi 62

Nghệ sĩ Thanh Hằng chui xuống gầm bàn để hát vì quá nhớ nghề - 2

Tôi là túyp người suy nghĩ tiêu cực, hay sợ làm phiền mọi người, rồi sợ mọi người không nhận show của mình vì đã có show khác. Nên khi làm đêm nhạc riêng tôi không dám ngỏ lời mời ai. Nhưng nhờ có Gia Bảo đứng ra tổ chức. Khi Gia Bảo nói có Thoại Mỹ, Vũ Luân, Trọng Phúc… nhận lời tham gia tôi xúc động lắm.

Gia đình hay bạn bè và khán giả, ai cần tôi, tôi sẵn sàng giúp đỡ. Nhưng riêng với mình, tôi lại sợ mọi người phải vì mình. Từ xưa đến giờ tôi đã vậy rồi. Bất cứ chương trình nào cũng có mặt nghệ sĩ Thanh Hằng nhưng tôi chưa bao giờ có một show diễn cho riêng mình là vì suy nghĩ đó.

Tôi sợ lắm và có lẽ cũng chính suy nghĩ đó khiến tôi sống khép kín bấy lâu nay. Nhưng giờ tôi đã xóa được rồi, vì tôi thấy được các bạn đồng nghiệp luôn đồng hành và thương yêu Thanh Hằng.

Năm nay tôi đã 62 tuổi, thời điểm này tôi mới làm riêng cho mình đêm nhạc nhưng tôi không thấy hối tiếc gì cả. Với tôi mọi thứ đều là duyên, khi đủ duyên lành thì nó sẽ đến không "chạy thoát" được đâu. Và lần này có lẽ cũng đã đến cái duyên. Năm nay là năm tuổi nhưng đầu năm đã gặp điều may mắn.

Trời thương và ông bà thương, dù lớn tuổi nhưng tôi chỉ bị đau nhức xương khớp. Năm ngoái tôi bị hoại tử khớp háng, đã mổ xong và thay xương khớp thành công.

Thời điểm chuẩn bị mổ, tôi lo lắm vì không biết phẫu thuật có thành công không. Nếu bị trật xương trật khớp còn chỉnh sửa được, đây là khớp bị hoại tử. Nhưng khi vào phòng mổ rồi, tôi dùng ý chí của mình vượt qua ca phẫu thuật và cũng nhờ bác sĩ tận tình giúp đỡ.

Lúc mới mổ xong, 2 ngày sau bác sĩ đã bắt đứng dậy đi lại để tập. Trong 6 tháng mọi thứ ổn định, tôi có thể chạy show được (cười). Lúc phẫu thuật, bên cạnh tôi có các em, con gái nuôi và con gái lớn động viên, chăm lo. Rồi các fan của tôi cũng thay phiên nhau đến để chăm sóc. Điều đó làm tôi hạnh phúc lắm.

Còn một điều, không biết nói sao nhưng tôi lại thấy "may mắn" khi lúc tôi mổ lại rơi vào đợt dịch Covid-19 đầu tiên, tôi vừa mổ xong thì sân khấu phải đóng cửa phòng dịch. Hoài Linh còn nói tôi: "Chị, chị biết lựa thời điểm mổ quá ha". Rồi tuần đầu tiên sau khi mổ, bệnh viện còn cho vào thăm chứ đến tuần thứ hai là cấm vì giãn cách xã hội nên tôi có thời gian ở nhà tịnh dưỡng.

Chỉ như thế thôi, sức khỏe tôi vẫn bình thường. Bước lên sân khấu, tôi không biết đau bệnh gì, cứ thể hiện hết khả năng còn tới đâu hay tới đó.