NSƯT Chiều Xuân: “Tôi luôn day dứt về những người thầy không thể gặp lại”
(Dân trí) - “Cứ mỗi mùa 20/11 đi qua, tôi thấy thời gian trôi đi thật nhanh. Có thầy cô giáo cũ không biết giờ này đang ở nơi nào và không biết còn có thể gặp lại hay không… Và tôi luôn có cảm giác day dứt khi không quan tâm và chăm sóc được các thầy cô”, NSƯT Chiều Xuân chia sẻ.
Mỗi năm đến ngày Nhà giáo Việt Nam, chị thường nhớ về những thầy cô nào?
Thực ra tôi thường nhớ về tuổi thơ rất nhiều. Nói vậy không có nghĩa là tôi không nhớ đến các thầy cô giáo từng dạy mình lúc còn ngồi trên ghế trường đại học. Nghề của tôi là nghề gắn với cảm xúc nên những thầy cô đã dạy tôi, tôi đều nhớ ơn. Và tôi luôn có cảm giác day dứt khi không quan tâm và chăm sóc được các thầy cô.
Cứ mỗi mùa 20/11 đi qua, tôi thấy thời gian trôi đi thật nhanh. Có thầy cô giáo cũ không biết giờ này đang ở nơi nào và không biết còn có thể gặp lại hay không.
Chẳng hạn, ngày hôm qua (19/11) tôi có mang một bó cúc họa mi và một lẵng hoa quả tìm đến phố Phùng Khắc Khoan - Hà Nội để thắp hương cho thầy giáo dạy tiếng Pháp của tôi nhưng cuối cùng lại trở về trong một trạng thái hết sức bâng khuâng, hụt hẫng, tiếc nuối…
Hồi tôi đi Pháp, tôi có đến học tiếng Pháp ở nhà thầy. Thầy hồi đó đã lớn tuổi nhưng vẫn mang hình ảnh chuẩn mực của một chàng công tử Hà Nội. Thầy đẹp lắm, vừa lịch lãm, vừa hào hoa.
Tôi từng chứng kiến nhiều lần thầy gọi vợ là “vu” (ngôi thứ trong tiếng Pháp) để thể hiện một sự tôn trọng vợ. Mỗi lần cô nói gì, nếu thầy đồng ý thầy đều “vâng” chứ không bao giờ dùng từ “ừ”.
Một điều khiến tôi day dứt mãi là khi đi học ở Pháp về tôi có đến thăm thầy nhưng sau đó bẵng đi một thời gian do công việc bận bịu rồi con cái nên không đến thăm thầy được. Đến một ngày anh con trai của thầy gọi điện đến báo thầy đã mất nhưng thời gian đó tôi lại đang không ở Hà Nội nên cũng không thể đến tiễn đưa thầy. Bao năm trời tôi luôn day dứt với điều đó.
Ngày hôm qua, sau khi đi đến trường của các con xong, tôi mang hoa quả đến nhà cũ của thầy để thắp hương cho thầy nhưng đến nơi gõ cửa thì một người khác ra mở cửa. Tôi hỏi thăm thì người ở đó bảo gia đình thầy đã chuyển đi rất lâu rồi và họ không biết họ ở đâu.
Tôi bước xuống trên chiếc cầu thang cũ thân quen năm nào tôi đến nhà thầy học tiếng Pháp mà lòng ngổn ngang cảm xúc. Cảnh vật năm xưa vẫn còn đây mà giờ thầy đã về một nơi xa nào. Nước mắt tôi cứ thế trào dâng và thấy mình lạc hẳn về một miền xa thẳm.
Nhắc đến các thầy cô giáo cũ, tôi còn nhớ đến cô giáo dạy văn thời cấp II của tôi tên là cô Thu. Cô là con một gia đình tư sản và nhà ở phố Phan Đình Phùng - Hà Nội. Cô rất xinh đẹp lại dạy văn nữa nên các học trò trong lớp ai cũng yêu quý cô.
Mỗi khi nhắc về cô, từng ánh mắt, từng nụ cười và cả lời bài giảng bài của cô nữa lại vọng về rất gần. Có thể nói cô chính là người đã chắp cánh, nối giấc mơ nghệ thuật trong tôi bằng chính những bài giảng của mình. Sau này, tình cờ tôi chơi thân với gia đình nên thỉnh thoảng cũng được đến thăm cô. Trong tâm tưởng của một đứa trẻ lãng mạn như tôi thì cô tựa như một bà tiên bước ra từ một câu chuyện cổ tích vậy.
Một cô giáo nữa đó là cô Tâm dạy tôi hồi lớp 2. Cô người cao to, có gương mặt tròn rất hiền hậu và có giọng nói rất hay. Đến bây giờ, nếu các cô đi phía sau mà cất giọng lên tôi sẽ nhận ra ngay giọng của cô nào. Cô Tâm là người đã làm cho tôi sửng sốt, giật mình… từ một đứa trẻ con mà sống ý thức hẳn. Tôi còn nhớ kỷ niệm, một hôm cô vào lớp giảng bài nhưng không giảng nổi mà cứ khóc. Cô cố nín để nói được mấy chữ “Cô xin lỗi các em” xong lại khóc tiếp. Phải 15 phút sau cô mới bình tĩnh lại được.
Thời đó chúng tôi còn quá trẻ nên không hiểu biết chuyện gì nhưng nhìn cô khóc chúng tôi rất lấy làm lạ. Cả lớp chỉ lặng im không nói câu nào cả. Sau này, cô mới nói cho cả lớp biết lí do khiến cô khóc là vì nghĩ đến cảnh bố mẹ chăm sóc em nhiều năm đau ốm mà cô lại không biết làm thế nào để gánh bớt gánh nặng cho bố mẹ của mình. Câu chuyện đó đến bây giờ tôi vẫn nhớ. Nhờ câu chuyện đó của cô mà tôi đã sớm ý thức mình phải quan tâm đến người khác, không được sống cho riêng mình. Chăm sóc người thân là nghĩa vụ của mình.
Tại sao thời đại học lại không gợi nhớ đến trong chị nhiều kỷ niệm về những người thầy?
Thời đại học tôi vẫn nhớ đến những thầy cô từng dạy mình nhưng người tôi nhớ nhất là thầy Khải Hưng vì thầy làm chủ nhiệm lớp đạo diễn của chúng tôi thời đó.
Được quen biết, được đóng phim rồi được học thầy Khải Hưng là một cơ duyên lớn trong cuộc đời tôi. Bộ phim “Mẹ chồng tôi” do thầy Khải Hưng làm đạo diễn đã cho tôi có những kỷ niệm không bao giờ có thể quên được.
Rồi khi theo học lớp đạo diễn ở trường Sân khấu - Điện ảnh lại được thầy Khải Hưng làm chủ nhiệm. Những gì thắc mắc khi đóng phim của anh thầy trước đây đã được thầy giải đáp. Tôi đã hiểu vì sao những người làm đạo diễn đã làm ra được những bộ phim làm người ta rung động đến thế.
Thầy Khải Hưng bên ngoài là một người rất gồ ghề, bất cần… nhưng trong sâu thẳm bên trong lại là một người tình cảm và yếu đuối.
Những trắc ẩn của thầy với cuộc đời mạnh đến mức khi nói ra khiến tôi luôn phải nhìn lại bản thân mình, xem mình đã có những tình cảm nhân hậu với cuộc đời đến được như thế hay chưa.
Thầy Khải Hưng cũng là người rất bản năng, không màu không mè gì cả nhưng khi cất lời lên lại rất thuyết phục mọi người. Những năm tháng theo học thầy, không bao giờ tôi chứng kiến thầy khó tính ấy mặc dù chúng tôi thời đó là những cô cậu học trò khá nghịch ngợm (cười). Tôi thấy thầy rất tận tâm với sinh viên. Tôi đã chứng kiến thầy Khải Hưng sửa từng li từng tí một và biên tập bài cho từng sinh viên.
Trong mắt chị, bố chị - đạo diễn Đức Đọc có phải là một người thầy đặc biệt?
Bố tôi là một người thầy đặc biệt nhất đời tôi. Một người thầy mà đến bây giờ mỗi lần nghĩ lại tôi đều dấy lên một nỗi xót xa, tiếc nuối... Bố tôi là người đã nuôi cho anh chị em tôi những giấc mơ lãng mạn và cách cảm nhận cuộc sống thi vị từ khi còn bé. Bố tôi từng làm diễn viên Nhà hát Kịch Việt Nam, đạo diễn và chủ nhiệm lớp diễn viên điện ảnh khóa II dạy các nghệ sĩ như anh Bùi Cường, chị Minh Châu, chị Thanh Quý…
Tất cả những gì đọng lại trong tâm khảm của tôi về bố là một sự lãng tử, sự tâm huyết và xả thân vì nghề. Thậm chí, bố tôi kiệt quệ, kiệt sức và bất đắc chí vì nghề. Bố tôi là một người không bao giờ khoan nhượng. Ông đánh đổi cả tuổi thanh xuân, đánh đổi cả sự nghiệp để giữ một con đường đúng nhất về nghệ thuật. Đấy là cả một gia tài lớn lao mà bố tôi để lại cho tôi.
Khi tôi lớn lên thì tôi trách bố tôi lắm, thậm chí nhiều lúc hận bố. Tại sao bố lại chuốc cái khổ vào người như thế. Trong nhà, tôi là người cãi bố kinh khủng, chỉ tôi mới dám cãi bố thôi. Tôi đã không biết bao nhiêu lần ước giá như mà bố sống mềm mại hơn một chút hoặc sống thức thời hơn một chút thì mẹ con chúng tôi đã đỡ khổ hơn. Anh chị em chúng tôi cũng đỡ vật vã với những suy nghĩ về cuộc đời hơn.
Càng lớn tôi càng hiểu rằng, cả cuộc đời bố hy sinh chỉ với mục đích duy nhất là giữ cái gì đẹp, cái gì chân chính cho nghệ thuật. Khó ai có thể làm được điều đó. Đó cũng là lí do vì sao nghĩ đến bố tôi lại xót xa, tiếc nuối. Càng ngày tôi thấy những điều bố tôi từng nói đều đúng. Tôi thấy mình kém cỏi vì đã không thể làm được những điều như bố.
Vào các ngày 20/11 chị có làm gì đó đặc biệt để tri ân bố mình?
Nhà tôi thường không có thói quen “cầm tù” mọi người trong những thủ tục mang tính hình thức. Tuy nhiên, vào ngày 20/11, anh chị em tôi thường hay mang hoa lên cắm ở nhà của mẹ.
Tôi nhớ mãi, những bình hoa các anh chị lớp diễn viên khóa II mang đến tặng bố vào các dịp 20/11 khi bố tôi còn sống. Có một lần, có một anh mang đến tặng bộ một bình hoa bằng đất nung có cắm 3 bông hoa cúc trong đó một bông uốn cong lại. Tôi nhìn bình hoa rất ngạc nhiên nên hỏi bố thì được bố lí giải đây mới là sự tròn đầy, hoàn nguyên… của cuộc sống.
Sáng nay, tôi mang hoa lên tặng mẹ tôi với lời rằng “Tặng hoa vợ của thầy giáo con”. Nếu bình thường không có thời gian đến thắp hương cho bố thì chúng tôi vẫn luôn nghĩ bố trong những ngày này. Tất nhiên, ngày Nhà giáo Việt Nam mà đến thắp cho bố nén hương thì cũng cảm thấy ấm áp hơn.
Cảm ơn chị đã chia sẻ thông tin.
Hà Tùng Long