NSND Trà Giang: “Tôi không bao giờ quên được những kỷ niệm xúc động về Bác”
(Dân trí) - “Những năm gần đây, trí nhớ của tôi ngày càng kém dần. Tuy nhiên, những kỷ niệm về Bác Hồ và những năm tháng làm nghề thì tôi không bao giờ quên được”, NSND Trà Giang tâm sự.
Bà có chia sẻ rằng, càng có tuổi, bà lại càng nhớ nhớ - quên quên nhưng những kỷ niệm về Bác Hồ thì không bao giờ quên được. Phải chăng, với bà, đó là tài sản quý giá nhất của một người nghệ sĩ bên cạnh những bộ phim, vai diễn?
Những năm gần đây, trí nhớ của tôi ngày càng kém dần. Có những người rõ ràng mới gặp hôm trước nhưng hôm sau tôi không thể nhớ nổi tên của họ. Tuy nhiên, những kỷ niệm về Bác Hồ và những năm tháng làm nghề thì tôi không bao giờ quên được. Có lẽ vì đó là những điều đã khắc sâu vào trí nhớ và trở thành hành trang sống của mình trong một thời gian dài nên không thể quên được.
Kể về Bác Hồ lần nào tôi cũng xúc động bởi hình ảnh của Người và những lời dạy của Người vẫn luôn đậm sâu trong tâm trí tôi. Tôi được gặp Bác Hồ lần đầu tiên khi Người đến thăm trường Điện ảnh. Bác hỏi “Các cháu học về điện ảnh thì học cái gì?”, chúng tôi thưa với Bác rằng: “Chúng cháu được học tiểu phẩm, học vũ...”.
Bác nhắc nhở ngay: “Phải nói là học múa mới đúng từ Việt Nam, còn học vũ là chữ Hán”. Lời Bác nói giản dị thôi nhưng khiến chúng tôi cảm thấy rất thấm thía. Chúng tôi nhận ra rằng, mình phải biết sử dụng tiếng Việt và qua những từ ngữ đó thể hiện được tâm hồn của người Việt Nam.
Lần thứ 2 tôi được gặp Bác là khi tham dự Đại hội văn nghệ toàn quốc năm 1962 tại Hà Nội. Lúc đó tôi mới tròn 20 tuổi, là đại biểu trẻ nhất. Tôi vẫn nhớ như in, khi nhà thơ Bảo Định Giang cho biết, tôi được chọn tặng hoa cho Bác Hồ với tư cách đại biểu trẻ tuổi nhất, tôi vô cùng xúc động vì không nghĩ mình lại có vinh dự lớn như vậy.
Hôm đó, tôi đứng trong cánh gà, chân run không bước được. Tôi còn nhớ, trong đại hội, Bác có nhắn nhủ chúng tôi rằng: “Văn nghệ sĩ cũng là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa”. Lời Bác dạy đã theo tôi suốt cả cuộc đời hoạt động nghệ thuật.
Lần thứ 3 tôi được gặp Bác là vào năm 1963, khi mang bộ phim “Chị Tư Hậu” vào chiếu cho Bác xem. Hôm đó, tôi không chỉ được ngồi gần xem phim với Bác hơn một tiếng đồng hồ mà còn được kể cho Bác nghe rất nhiều chuyện.
Tôi kể cho Bác nghe khi tôi đi dự LHP tại Mátxcơva, diễn viên các nước mặc rất nhiều quần áo đẹp, còn tôi thì tự ti vì chỉ có vài bộ áo dài. Tôi đang kể “thao thao bất tuyệt” thì sực nhớ ra “Mình nói thế Bác sẽ la mình mất”. Nhưng Bác không la mắng mà ân cần bảo tôi rằng: “Bác thấy áo dài Việt Nam rất đẹp và phụ nữ Việt Nam mặc áo dài rất đẹp”.
Từ đó về sau, mỗi khi được mặc áo dài tôi lại cảm thấy hãnh diện và tự hào vì đó là một lễ phục của riêng Việt Nam. Trong các cuộc giao lưu với đoàn quốc tế hoặc tham dự các sự kiện điện ảnh ở trong - ngoài nước, tôi đều mặc áo dài. Tôi thấy đó là một trang phục rất giản dị nhưng cũng rất sang trọng.
Vậy bà có thể chia sẻ về bức ảnh “Nụ cười hạnh phúc của cô gái nhỏ miền Nam trong vòng tay Bác” mà bà vẫn lưu giữ bấy lâu nay?
Phải nói rằng, trong giới văn nghệ sĩ lẫn chiến sĩ có rất nhiều người được gặp Bác Hồ, không riêng gì tôi. Nhưng tôi may mắn hơn nhiều người khi khoảnh khắc tôi lên tặng hoa cho Bác, được ôm Bác trong Đại hội văn nghệ toàn quốc 1962 đã được nhiếp ảnh gia ghi lại. Tôi nhớ, hôm đó tôi còn được hôn tay Bác trong niềm sung sướng, hạnh phúc.
Sau này, bức ảnh được đặt tên là “Nụ cười của cô gái nhỏ miền Nam trong vòng tay Bác”, đứng sau tôi hôm đó là nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, phía sau Bác Hồ là nghệ sĩ cải lương Thanh Hương.
Bức ảnh được treo một thời gian dài ở Hãng Phim truyện Việt Nam. Cho đến khi gia đình chúng tôi chuyển công tác vào Nam thì Hãng Phim truyện Việt Nam đã tặng lại cho tôi bức tranh đó để làm kỷ niệm. Suốt bao nhiêu năm qua, tôi vẫn treo bức tranh đó trong phòng khách như một “bảo vật” của gia đình. Hình ảnh đó và những lời dạy của Bác sống mãi trong tâm trí của tôi.
Được biết, nhiều năm qua bà không tham gia phim ảnh nhưng lưu giữ tình yêu nghệ thuật qua hội hoạ. Đã bao giờ bà vẽ tranh về Bác Hồ?
Vẽ tranh về Bác Hồ là niềm ấp ủ lớn lao nhất cuộc đời tôi mà cho đến bây giờ tôi vẫn chưa thể thực hiện được. Vì như mọi người đều biết, tôi vốn xuất thân là một diễn viên, tôi đến với hội hoạ theo đúng nghĩa “tay ngang”. Kể từ khi chồng tôi qua đời cách đây 20 năm thì tôi bắt đầu tìm đến hội hoạ nhiều hơn để có thú vui tuổi già. Nhưng tôi chỉ vẽ hoa lá, cỏ cây, tĩnh vật… những thứ đơn giản thôi. Vẽ về Bác quá khó đối với tôi bởi Người vừa gần gũi mà lại vừa cao cả. Tôi chỉ dám vẽ chân dung Bác trong tâm hồn, ký ức của mình thôi.
Có thể hình dung cuộc sống của bà ở thời điểm hiện tại như thế nào?
Hiện tại, tôi sống một mình trong nhà riêng ở TP.HCM. Thỉnh thoảng con gái tôi là nghệ sĩ piano Bích Trà có về thăm mẹ. Trước đây, khi Bích Trà còn ở Anh thì lâu lâu mới về nhưng từ ngày chuyển về Hong Kong thì Bích Trà về thường xuyên hơn, mỗi lần về cũng ở nhà với mẹ được đôi ba ngày.
Riêng tôi thì cuộc sống vẫn vậy, vẫn bình lặng và giản dị. Mỗi sáng thức dậy từ 6 giờ để tập thể dục, sau đó ăn uống rồi loanh quanh trong nhà. Giờ có tuổi rồi nên tôi không thể ngồi vẽ nhiều như trước, chỉ khi nào thật hứng thú tôi mới cầm bút vẽ. Thỉnh thoảng, tôi vẫn tham gia các sự kiện về điện ảnh, áo dài, nghệ thuật… Với tôi, cuộc sống bây giờ là những chuỗi ngày bình lặng, nhẹ nhàng, an nhiên…
Cảm ơn bà đã chia sẻ thông tin!
Hà Tùng Long