NSND Trà Giang nghẹn ngào kể lại kỷ niệm bộ áo dài đầu tiên trong đời

(Dân trí) - Vào 14h chiều nay (1/3), tại khu Thái Miếu- Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) đã diễn ra buổi họp báo giới thiệu về Lễ hội Áo dài 2016. Cái "duyên" với áo dài đã được rất nhiều nghệ sĩ chia sẻ, nếu như NSƯT Thanh Tú, NSND Minh Châu dí dỏm thì NSND Trà Giang lại nhớ về kỷ niệm chiếc áo dài trong niềm xúc động.

Theo đó, Lễ hội Áo dài 2016 với sự tham gia của 19 Nhà thiết kế Việt Nam và hơn 80 người mẫu thuộc nhiều đối tượng sẽ diễn ra vào 20h ngày 4/3 tại sân Bái Đường thuộc Văn Miếu – Quốc Từ Giám Hà Nội. Đây là sự kiện do báo Dân Trí, báo Phụ nữ Việt Nam, Đài Phát thanh & Truyền hình Hà Nội cùng Vietmode tổ chức. Sự kiện nhằm hướng tới kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 và tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ, của tà áo dài truyền thống.


Ban tổ chức và đông đảo các khách mời và báo giới trong buổi họp báo giới thiệu Lễ hội Áo dài 2016

Ban tổ chức và đông đảo các khách mời và báo giới trong buổi họp báo giới thiệu Lễ hội Áo dài 2016

Đến tham gia sự kiện này, ngoài đại diện Nhà tổ chức còn có các nghệ sỹ là “nhan sắc một thời” của làng điện ảnh Việt như: NSND Trà Giang, NSND Mai Châu, NSND Ngọc Lan, NSƯT Thanh Loan, NSƯT Thanh Tú, Phu nhân Đại sứ Ý, phu nhân Đại sứ Haiti cùng 19 Nhà thiết kế sẽ góp mặt trong chương trình gồm: Cao Minh Tiến, Hùng Việt, Đức Hải, Huy Hoàng, Thư Huyền, Quang Huy, Viết Bảo, Ngọc Hân, Đỗ Trịnh Hoài Nam Chula, Duyên Hương, Hà Duy, Minh Huynh, Lan Hương, GenViet, Công Huân, Phương Thanh, Vũ Việt Hà và NTK Minh Hạnh.


Ông Phạm Huy Hoàn (thứ 2 từ trái sang) - Tổng Biên tập Báo điện tử Dân trí, đơn vị đồng tổ chức Lễ hội áo dài 2016.

Ông Phạm Huy Hoàn (thứ 2 từ trái sang) - Tổng Biên tập Báo điện tử Dân trí, đơn vị đồng tổ chức Lễ hội áo dài 2016.

Đại diện Ban tổ chức, ông Phạm Huy Hoàn - TBT báo điện tử Dân trí nhấn mạnh, Lễ hội Áo dài 2016 với việc kể một câu chuyện dài về áo dài - biểu tượng của vẻ đẹp Việt Nam, vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam sẽ là một trong những sự kiện ý nghĩa hướng tới kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3.

NSND Trà Giang nghẹn ngào kể lại kỷ niệm bộ áo dài đầu tiên trong đời - 3

“Thông qua từng chiếc áo dài được thiết kế và ý nghĩa của các loài hoa gắn liền với từng bộ sưu tập, Lễ hội Áo dài 2016 sẽ góp phần tôn vinh phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam. Tà áo dài truyền thống sẽ là câu chuyện kể không bao giờ chấm dứt được. Nó sẽ tạo ra sự tiếp nối của thời đại và tạo ra những giá trị mới.


Dàn giai nhân một thuở sẽ là những người mẫu đặc biệt của Lễ hội áo dài 2016

Dàn giai nhân một thuở sẽ là những người mẫu đặc biệt của Lễ hội áo dài 2016

Nét mới của Lễ hội Áo dài năm nay đó là sẽ có những người mẫu đặc biệt. Đó là các cụ già, trẻ em ở mọi lứa tuổi, những nghệ sỹ đã tạo ra những dấu ấn đặc biệt trong nghệ thuật như: NSND Trà Giang, NSND Mai Châu, NSND Ngọc Lan, NSƯT Thanh Loan, NSƯT Thanh Tú, Phó Đại sứ Ý, phu nhân Đại sứ Haiti, phu nhân Đại sứ Anh, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Nga..." nhà báo Phạm Huy Hoàn chia sẻ.

Ông Tô Quang Phán - TGĐ Phát thanh & Truyền hình Hà Nội cũng chia sẻ: “Lễ hội Áo dài lần này hội tụ 2 vẻ đẹp đặc biệt, áo dài gắn với phụ nữ Việt Nam và hoa là vẻ đẹp của thiên nhiên, trời đất. Vẻ đẹp của phụ nữ Việt cộng với vẻ đẹp của các loài hoa sẽ tạo nên vẻ đẹp mới. Chúng tôi rất thú vị với ý tưởng này. Đài Phát thanh & Truyền hình Hà Nội sẽ truyền hình trực tiếp chương trình này nhằm tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam trong ngày Quốc tế Phụ nữ”.


Ông Tô Quang Phán, TGĐ Đài PTTH Hà Nội, thành viên BTC Lễ hội Áo dài 2016

Ông Tô Quang Phán, TGĐ Đài PTTH Hà Nội, thành viên BTC Lễ hội Áo dài 2016

Có mặt trong buổi họp báo, bà Phu nhân Đại sứ Ý tại Việt Nam, một trong những “người mẫu đặc biệt” của Lễ hội Áo dài 2016 chia sẻ rằng, bà rất xúc động khi được ngồi giữa những biểu tượng, vẻ đẹp một thời của Việt Nam.

“Tôi đang được ngồi với những “huyền thoại” của Việt Nam. Có cơ hội được làm việc với những “huyền thoại” là niềm hạnh phúc lớn của tôi. Cám NTK Minh Hạnh một người mà tôi xem như bạn thân thiết. Mặc dù Ý và Việt Nam có khoảng cánh địa lý khá xa, có những khác biệt văn hoá nên câú tạo hình dáng, vẻ ngoài có chút khác nhau nhưng tôi rất say mê áo dài”, bà xúc động nói.


Một số thiết kế cũng đã được các nhà thiết kế hé lộ tại buổi họp báo

Một số thiết kế cũng đã được các nhà thiết kế hé lộ tại buổi họp báo

Phó Đại sứ Ý Nataliasangitini cũng kể rằng, sở dĩ bà mê áo dài Việt Nam là bởi một nhà thiết kế bà không tiện nêu tên, chính ông là người đầu tiên đã giới thiệu với bà về tà áo dài của Việt Nam và khiến bà say mê loại trang phục này ngay từ ngày đầu biết đến nó.

“Nhờ Nhà thiết kế này mà lần này tôi có thêm được một bộ áo dài nữa, lại đúng màu yêu thích của tôi. Hôm nay tôi sẽ nói cho các bạn, một đại sứ thì liên quan gì đến Lễ hội Áo dài. Tôi xin thưa rằng, ngoài chuyện là một người phụ nữ thì tôi còn đam mê thời trang và người Ý thì lòng đam mê ấy còn nhiều hơn nữa. Chúng tôi có một câu tục ngữ mà rất nhiều người biết “Giá trị của một hành động ý nghĩa hơn hàng ngàn lời nói”. Trên cương vị một Đại sứ mặc áo dài sẽ ý nghĩa hơn nhiều lời nói. Và chính vì thế tôi đã rất vui sướng nhận lời mời này và lời mời chỉ đến một lần trong đời vì các bạn thấy chiều cao của tôi không thể đủ tiêu chuẩn làm người mẫu. Và tôi xin được nói thêm, chúng tôi đánh giá rất cao ý nghĩa của Lễ hội Áo dài lần này. Và đúng như điều mà Tổng biên tập báo Dân Trí đã nói, đó là áo dài dành cho tất cả mọi người”, bà Nataliasangitini hân hoan chia sẻ thêm.


Hoa hậu Ngọc Hân cũng tham gia Lễ hội áo dài với tư cách là một nhà thiết kế.

Hoa hậu Ngọc Hân cũng tham gia Lễ hội áo dài với tư cách là một nhà thiết kế.

Phu nhân Haiti cũng bày tỏ rằng, bà sống ở Việt Nam đã hơn hai năm. Bản thân bà là một người từng tốt nghiệp thời trang. Lần đầu tiên bà đến dự tiệc dành cho các vị chính khác và bà đã lựa chọn áo dài cho bữa tiệc đặc biệt này.

“Áo dài là trang phục rất đẹp, tôi đã lựa chọn áo dài cho những sự kiện đặc biệt. Tôi có rất nhiều áo dài. Tại sao phụ nữ Việt Nam không lựa chọn áo dài thường xuyên hơn, các bạn hãy mặc áo dài đi”, bà nói.

Với tư cách là người mẫu sẽ tham gia trình diễn trong Lễ hội Áo dài, NSND Trà Giang chia sẻ, cách đây không lâu NTK Minh Hạnh mời bà dự Lễ hội Áo dài. Phản ứng đầu tiên của bà là từ chối vì trước nay bà chỉ chuyên đi chấm các giải thưởng nhưng bước lên diễn thì chưa bao giờ. Tuy nhiên, sau khi NTK Minh Hạnh nói rõ mục đích của Lễ hội Áo dài là đề cao ý nghĩa nhân văn của cái đẹp, của vẻ đẹp người phụ nữ thì bà đã bị thuyết phục nên bà đã nhận lời.

NSND Trà Giang nghẹn ngào kể lại kỷ niệm bộ áo dài đầu tiên trong đời

"Nhớ lại lần đầu tiên tôi mặc áo dài là lúc thi trúng vào trường Sân khấu - Điện ảnh, ba tôi dẫn đi mua vải để may áo dài...", nói đoạn NSND Trà Giang nghẹn ngào. "Sau này thành diễn viên rồi tôi vẫn nhớ mãi kỷ niệm đó. Năm 1963, khi qua dự LHP Matxcova, vì lúc đó còn khó khăn nên tôi chỉ chuẩn bị được 7 bộ áo dài, mỗi ngày thay một bộ áo dài khác nhau. Khi tôi mặc áo dài đến sự kiện các phóng viên đã vây quanh vì tà áo dài và mái tóc dài của tôi lúc đó gây được cảm tình đối với khán giả Matxcova. Sau này trong các sự kiện khác, tôi cũng mặc áo dài đi dự. Tôi rất sung sướng và tự hào vì dân tộc mình có một tà áo dài dành cho phụ nữ rất đẹp", NSND Trà Giang xúc động nói.

Dàn giai nhân một thời hội tụ trong Lễ hội áo dài 2016

NSND Ngọc Lan đùa rằng, cách đây 55 năm, nếu có những trình diễn áo dài như hôm nay thì bà và những nghệ sỹ như NSND Trà Giang đã là những người mẫu tuyệt vời.

“Hồi đó, chúng tôi nhỏ nhắn lắm, xinh xắn lắm. Lúc NTK Minh Hạnh mời, tôi sợ vì thân hình bây giờ không được thon gọn như trước nhưng vẫn vui vì trong người mình còn máu nghệ thuật, vẫn ham diễn nên khi nghe nói đến nghệ thuật là ốm đau cũng vẫn đi. Vì rất vui nên đã cố gắng đến đây hôm nay và sẽ đến để trình diễn áo dài trong đêm 4/3 tới”, NSND Ngọc Lan nói.

NSND Minh Châu lại cho rằng, bà có suy nghĩ khác với “đàn chị” là NSND Ngọc Lan và NSND Trà Giang. Khi đang lái xe ngoài đường thì có một bạn trong Ban tổ chức gọi điện mời bà tham gia Lễ hội Áo dài, lúc đó bà nhận lời ngay. Về nhà nghĩ lại bà thấy mình có vẻ hơi liều lĩnh. Bà hy vọng các nhà thiết kế sẽ thiết kế cho bà và các nghệ sỹ nhưng bộ áo dài mà khi khoác lên sẽ tự tin sải bước trên sân khấu.

NSƯT Thanh Tú cũng hài hước kể, lúc bà đang nấu cơm dưới bếp thì có điện thoại mời.

"Khi nghe thế tôi hỏi, thế cháu mời cô chấm thi à, bên kia trả lời “cháu mời cô tình diễn”. Nghe thế tôi rất phấn khởi. Áo dài cho mọi đối tượng chứ cho chỉ riêng một ai. Mặc dù, ngày xưa 40kg bây giờ 60kg rồi nhưng tôi vẫn rất tự tin mỗi khi diện áo dài. Vì thế, mỗi khi có sự kiện tôi thường mặc áo dài đến dự”, nghệ sỹ Thanh Tú nói.

“Ni cô Huyền Trang” của “Biệt động Sài Gòn” Thanh Loan cũng bày tỏ rằng bà rất vui và phấn khởi vì được mời tham gia Lễ hội Áo dài lần này.


NSƯT Thanh Loan chia sẻ với PV báo Dân trí về cảm xúc khi nhận được lời mời tham dự Lễ hội Áo dài 2016

NSƯT Thanh Loan chia sẻ với PV báo Dân trí về cảm xúc khi nhận được lời mời tham dự Lễ hội Áo dài 2016

“Cám ơn BTC đã nghĩ ra ý tưởng tạo cơ hội cho các nghệ sỹ một thời trình diễn áo dài dành cho những người lớn tuổi. Trước áo dài chỉ dành cho những người trẻ, chân dài, xinh đẹp…. nhưng bây giờ áo dài đã không bó hẹp nữa. Khi nhận được lời mời, tôi chia sẻ trăn trở với bạn bè, mọi người bảo “Lớn tuổi, người dày, mũm mĩm.. mặc áo dài duyên dáng. Các chị “ăn” nhau ở cái duyên chứ so gì được với người mẫu. Vì thế nên tôi tự tin lên hẳn và vui vẻ nhận lời”, NSƯT Thanh Loan tâm sự.

Nhiều nhà báo tham dự buổi họp báo đã chia sẻ về ý nghĩa chiếc áo dài dưới góc độ những người làm truyền thông.

PV Nguyễn Phương Huyền (Đài Truyền hình Nhân dân) chia sẻ: "Trình diễn áo dài không phải chủ đề mới, tuy nhiên điều đặc biệt của Lễ hội là sự tham gia của các người mẫu không chuyên, đó là những cụ già, trẻ em ở mọi lứa tuổi, người khuyết tật, những nghệ sỹ đã tạo dấu ấn đặc biệt trong xã hội,... Cá nhân tôi cảm thấy rất xúc động khi chiếc áo dài hiện diện trong đời sống theo một cách rất tự nhiên như thế". Trong quá trình tác nghiệp, nhà báo Nguyễn Phương Huyền cũng chọn áo dài là trang phục cho những chương trình ghi hình đặc biệt.

PV Nguyễn Xuân Sơn (Tạp chí Thương gia) bày tỏ cảm xúc: "Là một người làm báo lâu năm, hơn nữa lại là một người yêu thích những giá trị truyền thống, tôi đặc biệt ấn tượng với ý tưởng tổ chức Lễ hội áo dài. Đặc biệt Lễ hội áo dài tổ chức ở Văn miếu Quốc Tử giám - nơi tôn vinh không chỉ giá trị truyền thống mà cả giá trị trí tuệ sẽ là điều kiện tốt để quảng bá những nét đẹp văn hoá Việt Nam đến với các du khách trong và ngoài nước.

Từ trước đến giờ mọi người thường mặc định chiếc áo dài dường như sinh ra để dành cho phái nữ bởi chiếc áo dài tôn được những đường cong cơ thể, nam giới mặc áo dài còn ít hơn bởi lối mòn suy nghĩ. Tôi kì vọng Lễ hội áo dài với hiệu ứng tốt sẽ tạo tư duy mới để nam giới chọn mặc áo dài nhiều hơn trong các sự kiện, lễ hội đặc biệt".

Phương Nhung

Bài: Hà Tùng Long

Ảnh/Video: Mạnh Thắng - Hà Trang

Dòng sự kiện: Lễ hội Áo dài 2016