NSND Trà Giang, Minh Châu, Thanh Tú nói về lần đầu tiên làm “người mẫu”

(Dân trí) - NSND Trà Giang, NSND Minh Châu và NSƯT Thanh Tú đều cảm thấy lo lắng và hồi hộp nhưng không kém phần vinh dự khi được mời làm “người mẫu” trình diễn áo dài Việt Nam trong Lễ hội Áo dài 2016 diễn ra vào 4/3 tới đây tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

NSND Trà Giang: “Rất vui nhưng cũng đầy sự lo lắng”

Đây là lần đầu tiên tôi bước lên sân khấu với tư cách là “người mẫu” trình diễn áo dài. Vì thế, thật lòng mà nói thì tôi rất vui nhưng cũng đầy sự lo lắng. Bây giờ cũng đã ở tuổi ngoài 70 rồi, thân hình không được thon gọn, đi lại không được nhanh nhẹn như trước nên có phần hơi ngại nhưng xen lẫn là niềm vui.

Đối với tôi, áo dài Việt Nam là loại trang phục đẹp, lịch lãm và dễ mặc nhất. Vì thế mỗi khi đi đến tham dự các sự kiện quan trọng tôi đều trung thành với tà áo dài truyền thống. Trước đây, khi còn trẻ, còn tham gia các hoạt động nghề nghiệp thì tủ quần áo của tôi luôn dành phần lớn diện tích cho các bộ áo dài. Tuy nhiên, thời gian gần đây, phần vì lớn tuổi nên không tham gia nhiều hoạt động nghề nghiệp hoặc đoàn hội nhiều như trước, phần vì cũng muốn thay đổi để mỗi lần xuất hiện lại có sự mới mẻ nên tôi cũng cho bớt đi một số bộ áo dài sau khi đã mặc vài lần.

Có một kỷ niệm liên quan đến tà áo dài mà bao năm qua tôi không thể nào quên được bởi nó có liên quan đến ba tôi và cũng là lần đầu tiên tôi biết đến áo dài đó là khi tôi thi đậu vào trường Điện ảnh ở Hà Nội. Thời đó, tôi là dân học sinh miền Nam được cho ra học ở Hải Phòng, sau đó lên Hà Nội học nên tà áo dài đối với tôi là một thứ gì đó chưa quen thuộc với mình. Mà thời đó, tất cả các nữ sinh đều bắt buộc phải mặc áo dài nên ba tôi phải chở tôi lên phố đi tìm vải để may áo. Và nhờ ba, nhờ là sinh viên trường Điện ảnh mà tôi biết đến tà áo dài và bắt đầu yêu sự dịu dàng của tà áo dài Việt Nam từ đó.

NSND Trà Giang, Minh Châu, Thanh Tú nói về lần đầu tiên làm “người mẫu” - 1

Sau này, mỗi lần xuất hiện ở bất kỳ sự kiện lớn nhỏ nào tôi cũng đều mặc áo dài, đặc biệt là mỗi khi ra nước ngoài. Trong nhiều năm đã qua, khi được mời tham gia các ngày văn hoá của Việt Nam hoặc các tuần lễ phim Việt Nam được tổ chức ở nước ngoài, tôi bao giờ cũng chuẩn bị một lúc mấy bộ áo dài để mỗi lần xuất hiện là tôi lại mặc một bộ khác nhau. Khi khoác lên mình tà áo dài truyền thống tôi thấy mình đẹp lên, duyên dáng lên và tự hào nữa. Đặc biệt, là cứ khi tôi mặc áo dài bước lên thảm đỏ của các sự kiện thì bạn bè quốc tế lại rất để ý. Họ rất thích được ngắm phụ nữ Việt Nam trong tà áo dài bởi nó là một loại trang phục độc đáo mà duy nhất Việt Nam mới có.

NSƯT Thanh Tú: “Mang hai va li áo dài đi dự Liên hoan phim”

Sự tình là thế này, lúc đầu tôi lại cứ tưởng mời tôi làm giám khảo chấm các tiết mục trình diễn áo dài nhưng sau đó mới nghe người của Ban tổ chức báo lại là mời làm người mẫu trình diễn áo dài. Thực tình là tôi cũng hơi do dự một chút nhưng cuối cùng tôi vẫn vui vẻ nhận lời vì tôi nghĩ thế này, áo dài không phải là loại trang phục dành riêng cho người trẻ hay một đối tượng giới hạn nào cả. Áo dài dành cho cả người trẻ tuổi lẫn người lớn tuổi, người béo lẫn người gầy, người có nhiều nhược điểm trên cơ thế và người ít nhược điểm trên cơ thể… Nhưng có một điều là khi khoác lên mình tà áo dài thì những nhược điểm về tuổi tác, béo gầy, hình thể được che lấp đi nhiều lắm.

NSƯT Thanh Tú từng mang tới hai vali áo dài đi dự LHP. Ảnh: NV.
NSƯT Thanh Tú từng mang tới hai vali áo dài đi dự LHP. Ảnh: NV.

Bản thân tôi, mỗi khi đi dự những sự kiện lớn bé, thay vì váy áo kiểu cách thì tôi lại chọn áo dài. Và có một thời kỳ rất dài, tôi đi dạy cho bên Hội Phụ nữ thì bao giờ đi dạy tôi cũng mặc áo dài. Nhiều người bảo: “Bà béo thế này mặc áo dài làm gì?”, tôi bảo là: “Đã là người béo thì mặc cái gì tôi chẳng béo nhưng rõ ràng mặc áo dài tôi đỡ béo hơn”. Nói là vậy nhưng kể cả khi mặc áo dài mà vẫn béo thì so với những trang phục khác, tôi thấy khi mặc áo dài mình vẫn đẹp, lịch sự, duyên dáng hơn.

Cá nhân tôi thấy, trong nhiều sự kiện thảm đỏ, chị em nhà mình cứ váy nọ, váy kia… nhưng chúng ta vẫn không thể gây ấn tượng được với bạn bè quốc tế vì họ có truyền thống bao nhiêu năm về thời trang váy rồi. Tại sao chúng ta có tà áo dài đẹp, duyên dáng và độc đáo như thế mà lại không mặc?

Có một kỷ niệm thế này. Năm 1977, khi tôi chuẩn bị lên đường đi dự Liên hoan Phim Quốc tế ở Nga thì bà chị tôi chuẩn bị cho tôi hai va li đầy toàn áo dài. Qua bên đó, dù mỗi ngày tôi mặc một bộ áo dài khác nhau nhưng vẫn không thể nào hết được số áo dài ấy. Thời điểm đó, người ta đang rộ lên mốt mặc áo dài theo phong cách của bà Trần Lệ Xuân (tức mốt khoét cổ rộng) nhưng tôi không theo mà tôi chỉ mặc theo kiểu áo cài khuy kín cổ kiểu truyền thống. Những ngày đó, tôi còn nhớ, mỗi khi tôi xuất hiện là bạn bè quốc tế cứ trầm trồ nhìn theo.

Đặc biệt, cái hôm được mời lên kéo cờ tôi diện một bộ áo dài màu trắng. Và khi bước lên sân khấu, đứng cạnh các minh tinh quốc tế tôi nổi bật hẳn và mọi người ở dưới ai cũng hướng ánh nhìn về mình. Phần lớn những người bắt tay trò chuyện với tôi đều dành tặng lời khen về bộ áo dài. Chỉ có tiếc một điều là hôm đó tôi không đi dày cao mà lại đi đôi dép thấp chỉ khoảng 3cm thôi vì bình thường người tôi cũng thuộc tạng cao nên chủ quan, sợ đi dày cao lại bị cao quá.

NSND Minh Châu: “Áo dài gắn với nhiều bước ngoặt của cuộc đời”

Đối với tôi, tà áo dài truyền thống như một loại quốc phục. Bản thân tà áo dài chứa đựng rất nhiều tầng sâu văn hoá và vẻ đẹp riêng có của đất nước cũng như con người Việt Nam. Vì thế cho nên tôi không có cớ gì để từ chối cơ hội được góp phần tôn vinh và làm toả sáng hơn vẻ đẹp của tà áo dài Việt Nam.

Thêm nữa, tôi nghĩ rằng, trước đây mọi người chỉ hay quan tâm đến tà áo dài được trình diễn bởi những cô gái trẻ, nhưng lần này Ban tổ chức đã làm một chương trình hết sức ý nghĩa đó là trình diễn áo dài với nhiều đối tượng khác nhau. Bên cạnh những người mẫu trẻ thì còn có những người luống tuổi như chúng tôi và cả những người khuyết tật cùng các vị khách ngoại quốc nữa. Đó là lý do mà tôi muốn tham gia chương trình để thấy được áo dài để chung tay lan toả ý nghĩa này. Tất nhiên, đây là lần đầu tiên tôi tham gia trình diễn áo dài trên sân khấu nên cũng có phần hồi hộp và lo lắng.

NSND Minh Châu diện áo dài đỏ trong buổi nhận danh hiệu NSND. Ảnh: MC.
NSND Minh Châu diện áo dài đỏ trong buổi nhận danh hiệu NSND. Ảnh: MC.

Áo dài cũng gắn bó với tôi trong rất nhiều bước ngoặt cuộc đời và sự nghiệp hoạt động nghệ thuật. Hồi tháng 10 vừa qua, khi lên nhận bằng phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân tôi cũng diện một bộ áo dài đỏ.

Thời kỳ tôi còn đang là sinh viên trường Điện ảnh thì miền Nam hoàn toàn giải phóng, Bắc - Trung - Nam thu lại một nhà. Những nữ sinh như tôi thời đó thường mặc áo dài hoà vào dòng người cờ hoa đi dọc các con phố để chào mừng sự kiện này với một lòng tự hào khôn tả. Mà thời đó đất nước đang khó khăn nên để có được một tà áo dài không phải là điều dễ dàng vì thế có được một bộ áo dài mà tôi nâng niu mãi. Bộ áo dài đó sau này cũng đi theo tôi qua bao năm tháng. Tôi từng mặc bộ áo dài đó để chụp ảnh lịch, tham dự nhiều sự kiện lớn của nhà trường… Đó là những kỷ niệm mà chẳng bao giờ tôi và những người bạn cùng thời với tôi có thể quên được.

Hà Tùng Long

Dòng sự kiện: Lễ hội Áo dài 2016

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm