NSND Thu Hiền tiết lộ kỷ niệm đặc biệt trong lần đầu gặp nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý

(Dân trí) - Đối với những nghệ sĩ, ca sĩ từng thể hiện ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý thì sự ra đi của ông là một đau buồn lớn. Nhưng với NSND Thu Hiền, nỗi đau buồn đó còn có cả sự tiếc thương bởi bà chính là người thể hiện thành công nhiều ca khúc nhất của ông.

NSND Thu Hiền: Tôi bén duyên với âm nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý từ cuối năm 1974 với ca khúc “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh”. Tôi là người thứ hai hát ca khúc này chứ không phải người đầu tiên. Người đầu tiên hát bài hát này là chị Hương Loan - người Quảng Trị. Nhưng tôi lại là người thành công với bài hát này vì bác Nguyễn Văn Tý bảo tôi có những âm sắc của người Nghệ Tĩnh.

NSND Thu Hiền tiết lộ kỷ niệm đặc biệt trong lần đầu gặp nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý - 1

Chân dung nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý.

Lúc bấy giờ, người của Đài Phát thanh (nay là Đài Tiếng nói Việt Nam) tìm đến mời tôi lên Đài thu thanh. Đến Đài tôi đã thấy nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý ngồi ở đó rồi. Ông hỏi tôi: “Cháu đã cảm nhận được tinh thần của bài hát này chưa?”, tôi bảo: “Dạ, cháu có cảm nhận được rồi”.

Ông bảo: “Cháu cảm nhận được tinh thần của bài hát rồi vậy giờ hát lên một câu để bác nghe xem thế nào”. Và khi tôi cất giọng hát câu đầu tiên “Chơ đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh…” thì ông bảo được.

Ông còn bảo thêm rằng: “Bác lên đây là để xem cháu hát bài này bên ngoài có được không đã rồi mới tiến hành thu. Đài chọn đã quan trọng nhưng bác chọn còn quan trọng hơn vì bác là người viết nên bài hát. Đã có người hát ca khúc này rồi nhưng bác chưa ưng ý lắm vì có những đoạn phát âm chưa đúng với âm sắc vùng đất mà bác muốn gửi gắm tình cảm vào đó”.

Sau khi ông dạy cho tôi từng câu từng chữ thì tôi tiến hành thu âm. Thu âm xong, ông có hỏi tôi: “Tại sao cháu lại có thể phát âm chuẩn âm sắc địa phương của người Nghệ Tĩnh như thế?”. Tôi trả lời ông rằng: “Đó là mảnh đất cháu đã đặt chân đến từ năm 1976, khi đó cháu mới 16 tuổi và ở đó một năm liền.

NSND Thu Hiền thể hiện ca khúc "Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh".

Cháu được sống với đất - người ở đó, được cùng mọi người vượt qua mưa bom bão đạn và được ngấm cái âm sắc địa phương của người xứ Nghệ trong giọng nói. Cháu được gọi lên đây để thu âm bài hát này là một niềm vinh dự. Đặc biệt vinh dự hơn khi được gặp bác - tác giả của bài hát và được bác chỉ thêm về cách hát bài này”.

Kỷ niệm thứ hai là với bài hát “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ”. Tôi với nghệ sĩ Kiều Hưng là người đầu tiên hát bài này. Tôi hát bài này từ năm 1976, ngay trên công trường thuỷ lợi hồ Kẻ Gỗ - Hà Tĩnh. Và đi bộ mấy chục cây số từ hồ Kẻ Gỗ về thị xã Hà Tĩnh để hát cho người dân nghe trong những ngày mưa rét.

Tôi nghĩ rằng, tình cảm quan trọng nhất đó là mình đã thể hiện bài hát của ông bằng tất cả tấm lòng để người nghe mỗi khi nghe lại nhớ về nhạc sĩ và người nghệ sĩ thể hiện ca khúc. Và tôi chưa bao giờ lấy bất kỳ một đồng thù lao nào khi hát nhạc của ông hết.

NSND Thu Hiền và NSƯT Kiều Hưng hát "Người đi xây hồ Kẻ Gỗ".

Bác Nguyễn Văn Tý với tôi là một người nhạc sĩ vĩ đại. Ông không chỉ là nhạc sĩ của vùng đất Hà Tĩnh mà là nhạc sĩ của cả nước Việt Nam. Bất kỳ vùng đất nào được ông viết nhạc cũng đều nói lên được hồn quê, hồn người ở đó. Sự ra đi của ông dù biết trước nhưng vẫn có gì đó là mất mát, hụt hẫng, buồn thương… Tôi nghĩ, âm nhạc Việt Nam sẽ khó có lại được một người như bác Nguyễn Văn Tý.

NSƯT Thanh Thuý: Dù đến thăm nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý - “bóng cả” của nền âm nhạc Việt Nam cách đây không lâu, trong tình trạng tuổi già, sức yếu… nhưng khi nghe tin ông ra đi, tôi không ngăn được sự đau đớn. Lúc này, những giai điệu âm nhạc bay bổng, đầy sức rung cảm của ông vang vang trong tôi.

Sau hơn nửa thế kỷ, những tác phẩm tiêu biểu như: Dư âm, Mẹ yêu con, Tiễn anh lên đường, Bài ca năm tấn, Cô nuôi dạy trẻ, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh... Đặc biệt nhất vẫn là ca khúc “Dáng đứng Bến Tre”.

NSƯT Thanh Thuý thể hiện ca khúc "Dáng đứng Bến Tre".

Âm nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý thật sự làm xốn xang lòng người và có sức tác động mạnh mẽ. Mà đâu chỉ vậy, khi viết ca khúc về một vùng đất nào đó thì tác giả đưa vào đó cả âm sắc lẫn ca từ cùng với tình cảm thể hiện mà nhiều người cho rằng: “Nếu không phải là người địa phương chính gốc thì khó có thể viết được như thế”.

Như ca khúc “Dáng đứng Bến Tre” mà dân Nam Bộ chính gốc như tôi lần đầu khi biết tác giả không phải người miền Nam đã vô cùng ngạc nhiên và nể trọng vì cái chất đặc sệt Nam Bộ thấm đẫm trong bài hát.

Ông yên nghỉ nhưng gia tài âm nhạc đồ sộ mà ông để lại cho đời sẽ còn lưu truyền và được yêu mến mãi... Tôi tin là như vậy!”.

Ca sĩ Đăng Thuật: Tiếc thương bác, một người nhạc sĩ tài hoa. Tôi đã thể hiện rất nhiều tác phẩm của bác viết về quê hương tôi Hà Tĩnh. Nay nghe tin bác mất, tôi thấy lòng buồn man mác. Tiếc vì âm nhạc nước nhà và dòng âm nhạc dân tộc lại mất đi một “cây đại thụ” nữa.

Đăng Thuật - Thu Huyền song ca bài "Người đi xây hồ Kẻ Gỗ".

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý là người có biệt tài kể chuyện bằng âm nhạc khiến vùng đất nào hiện lên trong âm nhạc của ông cũng đáng yêu, đáng mến… dù một lần đặt chân đến. Ca từ trong âm nhạc của ông cũng rất đậm đặc văn hoá và âm sắc địa phương. Có lẽ bởi thế mà ca khúc nào của ông cũng sống mãi với thời gian và được nhiều thế hệ người nghe nhạc yêu mến”.

Và bài hát nào của ông cũng gắn liền với những kỷ niệm ấu thơ của tôi. Từ bé, tôi đã yêu và thuộc lòng những bài hát nổi tiếng của ông. Chính những ca khúc của ông đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi và khiến tôi gắn bó với âm nhạc mang âm hưởng dân gian.

Hà Tùng Long