"NSND Thanh Tòng ra đi - cây đại thụ không có người thay thế"
(Dân trí) - "Anh Thanh Tòng mất đi, cây cổ thụ này không có người thay thế. Anh vừa là cây đại thụ tuồng cổ, vừa cải lương. Những “cây đại thụ” bây giờ “tiêu từ từ hết rồi”, NSND Lệ Thủy chia sẻ về sự ra đi của nghệ sĩ Thanh Tòng.
NSND Thanh Tòng vừa qua đời vào ngày 22/9/2016 tại nhà riêng ở tuổi 69 vì tuổi cao, không chống chọi được với bệnh tật.
Sự ra đi của ông là một mất mát to lớn cho nghệ thuật cải lương tuồng cổ. Một trong những cây đa, cây đề của ngành cải lương Việt Nam.
Trong niềm tiếc thương vô hạn, những nghệ sĩ tên tuổi của ngành sân khấu Nam Bộ đã có những chia sẻ đầy cảm động, chân tình về tài năng, đức độ của NSND Thanh Tòng.
Nghệ sĩ Thanh Hằng "Chú Năm là một người cha đáng kính"
Nghệ sĩ Thanh Hằng cũng là thế hệ nghệ sĩ cải lương tên tuổi của Việt Nam, cô cho biết, cảm thấy rụng rời tay chân khi hay tin nghệ sĩ Thanh Tòng mất. “Tôi đang trên đường đi quay, khán giả tôi nhắn tin nhưng tôi không tin, tôi nhắn tin hỏi Kim Tử Long thì Long nói “Chú đi rồi chị ơi”. Tôi nghe mà cứ thẫn thờ ra, không biết phải làm gì”.
Nghệ sĩ Thanh Hằng chia sẻ về điều khiến bà nhớ nhất về nghệ sĩ Thanh Tòng: “Với tôi, chú Năm (cách gọi của nghệ sĩ Thanh Hằng - PV) đúng là cây đại thụ của ngành cải lương Hồ Quảng. Con cháu hát chú lo tươm tất, chỉ dạy từng chút. Chú là một người cha đáng kính, không hiểu gì hỏi chú chỉ dạy. Chú tâm đắc vai diễn của tôi là chú chắc lưỡi, gật đầu, không nói gì nhiều”.
Nghệ sĩ Thanh Hằng càng buồn hơn khi cho biết, tâm nguyện của NSND Thanh Tòng dự định sẽ sang Úc biểu diễn cùng với mình, nhưng bà chưa làm được thì nghệ sĩ Thanh Tòng đã ra đi. Điều bà cảm thấy hối tiếc nhất chính là khi về Việt Nam phải đi quay hình, làm việc liên tục nên khi hay ông bệnh vẫn chưa thể ghé qua thăm. Và bà cũng không dám tin rằng ông đã thực sự ra đi.
NSND Lệ Thủy: "Sân khấu đã mất đi một nhân tài - "Cây cổ thụ" không có người thay thế"
NSND Lệ Thủy là đồng nghiệp cùng thời với nghệ sĩ Thanh Tòng, khi hay tin ông mất, bà và gia đình là một trong những người đầu tiên đến thắp nhang cho ông trong khuya ngày viếng đầu tiên.
Lệ Thủy xúc động trong lễ viếng NSND Thanh Tòng
“Tôi rất bàng hoàng khi hay tin anh Thanh Tòng mất. Cuộc đời không thể tránh khỏi mất mát, nhưng tôi không ngờ anh Tòng đi quá sớm, vì không thấy anh bệnh có vẻ nặng nề nên khi nghe tin tôi rất sửng sốt”, nghệ sĩ Lệ Thủy buồn bã cho biết.
Từng gắn bó với nghệ sĩ Thanh Tòng trong rất nhiều vở diễn, bà chia sẻ: “Tôi và anh Tòng rất nhiều kỷ niệm, nhất là kỷ niệm ở đoàn 284. Lần đầu tiên nghệ sĩ “đem chuông đi đánh xứ người” ở Châu Âu. Trong đoàn có tôi, anh Thanh Tòng, Minh Vương, Diệp Lang... Kỷ niệm tôi nhớ nhất là anh Thành Được bị bắt anh Thanh Tòng xung phong ra thế vai. Anh Thanh Tòng rất sốt sắng, đặc biệt anh diễn không có chút gì là người thế tuồng để bị gãy vai, ai cũng mừng”.
Nghệ sĩ Lệ Thủy và nghệ sĩ Thanh Tòng từng diễn chung trong một số vở diễn nổi tiếng kinh điển, mãi về sau nhiều thế hệ vẫn còn nhớ, như một dấu son của ngành cải lương Việt Nam. “Tôi và anh hát rất ăn ý. Anh mất, sân khấu đã mất đi một nhân tài, tôi mất đi một người bạn quý. Từ tuồng cổ chuyển sang cải lương nhưng anh diễn rất ngọt vai, anh luôn chắt chiu từng vai diễn. Từ Tô Ánh Nguyệt hay Đời cô Lựu, anh luôn tính toán để cho vai diễn ra chất của nhân vật mà anh thể hiện".
"Anh Thanh Tòng mất đi, cây cổ thụ này không có người thay thế, anh vừa là cây đại thụ tuồng cổ, vừa cải lương. Những “cây đại thụ” bây giờ “tiêu từ từ hết rồi”. Chúng tôi bây giờ gặp nhau đều cảm thấy buồn”, nghệ sĩ Lệ Thủy chia sẻ sự tiếc thương trước mất mát khá lớn của ngành cải lương Việt Nam.
“Anh Tòng là người tốt với anh em, hiền lành, lúc nào cũng thương quý đàn em, tôn kính bạn bè. Không phải với riêng một người nào, anh em trong đoàn ai cũng quý anh, anh sống biết nhường nhịn, khiêm nhường”, không chỉ với tài năng mà cả cách sống của NSND Thanh Tòng cũng là điều mà nghệ sĩ Lệ Thủy trân quý.
NSND Lệ Thủy cho biết, trước Tết, bà và nghệ sĩ Thanh Tòng còn ra Hà Nội diễn, chương trình của Kim Tử Long tổ chức, và đó là lần cuối bà gặp ông.
Trong chương trình "Bước chân 2 thế hệ" do con trai Dương Đình Trí làm, bà và nghệ sĩ Thanh Tòng dự định sẽ diễn lại vở Áo cưới trước cổng chùa. Nhưng dự định đó chưa thành thì nghệ sĩ Thanh Tòng đã ra đi nên bà rất buồn.
NSND Bạch Tuyết "Ông là người tài năng, đức độ"
Cũng trong tối đầu tiên khi nghệ sĩ Thanh Tòng vừa mất, NSND Bạch Tuyết đến viếng và chia buồn cùng gia đình. Bà cho chia sẻ: “Tôi có quá nhiều kỷ niệm với người nghệ sĩ tôi vừa thương yêu, vừa kính trọng, bởi vì sự đóng góp của ông trong nên cải lương tuồng cổ. Ông là nghệ sĩ tài hoa và đức độ. Khi đi diễn cùng, tôi thấy ở ông là người nhân hậu, ông thương và bảo bọc đồng nghiệp cũng như là con cháu, học trò. Ông nghiêm khắc nhưng rất bao dung”.
NSND Bạch Tuyết chia sẻ kỷ niệm sâu sắc với Thanh Tòng khi cùng ông tham gia chuyến biểu diễn ở châu Âu vào năm 1984. Khi đó, ông được chọn đóng thế nghệ sĩ Thành Được vai Hai Thành trong vở Đời cô Lựu. Dù lần đầu đóng cải lương xã hội, ông gây bất ngờ lớn, để lại ấn tượng sâu sắc với khán giả.
"Trong chuyến lưu diễn lần đầu tiên ông ra mắt tại Paris, chúng tôi di chuyển suốt trên xe buýt nên tôi không hiểu ông học tuồng như thế nào mà không hề quên bất cứ lời thoại nào trong suốt vở diễn với vai nặng như thế, khi ông là người thế vai. Đến bây giờ, mỗi khi nhớ lại tôi vẫn thấy thương vì ông sống hết sức với nghề, với khán giả. Trong suốt mấy chục năm diễn cùng nhau, tôi chưa bao giờ thấy anh quên hay nhầm lời thoại nào", NSND Bạch Tuyết chia sẻ.
Khi nhắc về tài năng và đức độ của nghệ sĩ Thanh Tòng trong suốt nhiều năm trong nghề, nghệ sĩ Bạch Tuyết không thể nào quên: “Ít người nào làm việc quyết liệt và trách nhiệm như ông. Năm tôi tốt nghiệp đạo diễn tại Nga, tôi có xin về nước làm tác phẩm đưa sang. Tôi có làm vở Truyện Kiều, tôi có mời ông đóng vai Từ Hải. Chưa có ai đóng Từ Hải đẹp, uy dũng và hay như NSND Thanh Tòng. Và tôi còn có đóng với ông trong vở Dương Vân Ngam ông trong vai Lê Hoàng. Ông ca hay, nói trúng và diễn đẹp vô cùng, cực kỳ xuất sắc. Thường những ai xuất sắc ở tuồng cổ vì có điệu bộ, trình thức, múa thì khi sang lịch sử hoặc xã hội thì rất khó, và thế nào cũng có những động tác thiếu hoặc dư thừa. Nhưng ở NSND Thanh Tòng không hề có”.
Ngoài tài năng làm nghề, còn có những điều mà nghệ sĩ Bạch Tuyết trân quý dành cho nghệ sĩ Thanh Tòng. Bà nói: “Ông là người tài năng, đức độ nhưng tôi nghĩ công lớn nhất của ông là ông đã đào tạo, dạy dỗ và sinh được người kế vị rất quý, đó là cô Quế Trân. Một trong số ít những nghệ sĩ trẻ của thời đại có học và nghiêm túc, khiêm tốn và hết sức lễ phép. Cô không cho chúng ta thấy đó là một ngôi sao lớn và điều đó cho chúng tôi kính trọng ông hơn".
"Ông là nghệ sĩ nhưng lại rất toàn vẹn trong đời thường. Có điều ai cũng sẽ ra đi, nhưng sự ra đi của ông khiến cho nhiều người tiếc nuối. Bởi vì ông còn hoài bão rất nhiều đối với nghệ thuật cải lương tuồng cổ Việt Nam”, nghệ sĩ Bạch Tuyết ngậm ngùi, tiếc nuối về sự ra đi của NSND Thanh Tòng nhưng những gì ông để lại cho thế hệ sau sẽ vẫn mãi được duy trì và phát triển.
Băng Châu