NSND Thái Bảo: “Sau những sóng gió, tôi càng vững vàng hơn…”
(Dân trí) - Sau thời gian ngắn khi được phong tặng danh hiệu NSND, Thái Bảo đã có cuộc chia sẻ hiếm hoi về con đường ca hát không trải hoa hồng, về những năm tháng tham gia nhóm nhạc Bồ Câu Trắng cùng Thanh Lam và chia sẻ về mối quan hệ giữa mình và nhạc sĩ Trần Hoàn...
“Tôi đã tìm ra một hướng đi riêng…”
NSND Thái Bảo từng chia sẻ, trên đời này chị không thích hai thứ: làm cán bộ và kinh doanh, chị có thể chia sẻ vì sao không?
Tôi chỉ muốn làm một nghệ sĩ vì làm cán bộ rất nhiều việc, phải cân đong đo đếm, phải họp hành rất ức chế, mệt mỏi. Tôi nghĩ nếu cứ lao vào làm những công việc như vậy thì tôi hát sẽ không còn cảm xúc nữa. Tôi cứ nhìn vào hình ảnh của nhạc sĩ, NSND Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam. Khi anh là nhạc sĩ thì vô cùng thăng hoa, lãng mạn, rất đáng yêu. Khi anh làm lãnh đạo rồi, nhiều thứ anh phải lo, phải làm, suy nghĩ nhiều, lo cuộc sống của mấy trăm con người ở Nhà hát, sẽ không còn thời gian để phối khí, hát và… “lãng mạn” nữa…
Còn vấn đề làm kinh tế, nói thật là tôi toàn mua đắt bán rẻ, đếm tiền tôi cũng không biết đếm, toàn… nhờ chồng đếm hộ. (Cười) Tôi chỉ muốn sống với nghề, đúng khả năng và niềm đam mê của mình.
Hơn 30 năm cống hiến vì niềm đam mê ca hát, Thái Bảo đã ghi đậm dấu ấn trong lòng khán giả hình ảnh nữ ca sĩ với chất giọng trầm khàn, mê đắm vừa ôm đàn guitar vừa hát hoặc hát kết hợp đánh đàn bầu. Nhưng vì sao cho đến thời điểm này, khi đã được phong tặng danh hiệu NSND- Thái Bảo vẫn chưa có một… liveshow riêng để đời?
5 năm vừa rồi gia đình tôi có việc riêng, nên tôi cứ trì hoãn chưa thực hiện liveshow dù được nhiều người ủng hộ. Cho đến thời điểm này, tôi lựa chọn làm DVD, có thể ra mắt vào năm sau.
Được biết, ở cái tuổi 17 chị “lính mới tò te” về nhà hát, giữa thời điểm nhà hát đang có nhiều ngôi sao sáng như NSND Thu Hiền, Ái Vân, Lệ Quyên, Thanh Huyền, Vũ Dậu, Thúy Hà…; chị có cảm thấy khó khăn khi tìm một vị trí trong nhà hát?
Khi tôi về nhà hát, có rất nhiều ngôi sao sáng, họ đã có tên tuổi, đã đóng đinh được hình ảnh của mình trong lòng công chúng như chị Thu Hiền, cô Vũ Dậu, chị Ái Vân, chị Lệ Quyên… Tôi còn nhớ hình ảnh chị Ái Vân mặc váy hát “Woman in love”, chị mặc áo dài hát “Nha Trang mùa thu lại về”, sao chị đẹp và hát hay thế. Như chị Thu Hiền thì dòng dân ca, khó ai hát qua chị ấy được. Còn chị Lệ Quyên là ca sĩ thế hệ đầu tiên của dòng nhạc nhẹ…
Tôi đã nghĩ, nếu mình không chọn cho mình một con đường riêng, một lối hát riêng, màu sắc riêng thì tôi không bao giờ tạo dựng được cho mình hình ảnh riêng. Lúc ấy, tôi nghĩ rằng, mình học đàn bầu, tại sao mình không kết hợp hát với đánh đàn bầu? Tôi cũng đã từng vừa ôm guitar vừa hát cho thanh niên xung phong, đi biểu diễn ở công trường, đi biểu diễn nước ngoài… và được đón nhận, tại sao tôi không phát huy việc đó?
Và tôi quyết tâm, tập luyện vài bài hát với đàn guitar, thế là có ngay bài “Thành phố tình yêu và nỗi nhớ”: “Có từ bao giờ hàng me xanh ngát/ Mà nay đứng đó cho em làm thơ/ Con đường ta qua đến nay bao tuổi/ Em qua trăm buổi em lại ngàn lần/ Mà sao bối rối khi cầm tay anh…”. Đó là bài đầu tiên, tôi vừa hát vừa ôm đàn guitar và giọng hát của mình đã chạm vào trái tim người nghe, và sau đó là bài "Vết chân tròn trên cát"… Nên tôi có thể nói rằng, để có vị trí ngày hôm nay là do sự nỗ lực, cố gắng của bản thân.
“Tôi luôn nhường Thanh Lam”
Trước khi về nhà hát, chị từng cùng Thanh Lam lập nhóm nhạc Bồ Câu Trắng đi biểu diễn khắp các bệnh viện, trường đại học… Khán giả thời đó vẫn nhớ hai ca sĩ với “gu” thời trang rất mốt, quần trắng áo đỏ; nhớ lại quãng thời gian đó, chị có thể chia sẻ điều gì?
Ngày đó, tôi và Thanh Lam cùng học khoa nhạc cụ dân tộc trường Âm nhạc Việt Nam (giờ gọi là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Thanh Lam học đàn tỳ bà còn tôi học đàn bầu. Trường hay có những buổi liên hoan, sinh hoạt văn nghệ; lúc đó tôi và Lam cùng sinh hoạt câu lạc bộ và tham gia vào nhóm nhạc Bồ Câu Trắng. Nhóm có hai cây hát chính là Lam và tôi. Mỗi lần đi biểu diễn, mỗi đứa hát đơn ca một bài, rồi cùng song ca bài “Mùa xuân từ những Giếng dầu”, “Tuổi trẻ thế hệ Bác Hồ”…
Hai chị em tôi có rất nhiều kỷ niệm đi biểu diễn các tỉnh thành, các bệnh viện, trường học. Khi ra trường, tôi về nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Thanh Lam thì ra trường sau tôi, đi hát nhiều và sau đó về Đoàn ca múa nhạc nhẹ Trung ương. Sau này, mỗi người chọn lựa một con đường. Giờ đây, chúng tôi vẫn giữ liên lạc với nhau và vẫn quý mến nhau.
Chị là người tỉnh táo, lý trí trong khi Thanh Lam sống có phần bản năng, vậy trong quá trình lập nhóm hát cùng nhau có khi nào cả hai xảy ra khúc mắc?
Tôi hiểu Thanh Lam. Lam là người cá tính, táo bạo, thích gì làm bằng được. Lam tính thẳng như ruột ngựa, có gì thì Lam nói luôn. Còn tôi phải nghĩ, “ủ mưu” hơn (Cười). Có chuyện gì Lam cũng hỏi tôi, sau này cũng thế.
Mỗi người một tính nhưng chị em tôi không bao giờ xảy ra mâu thuẫn. Tôi luôn nhường Thanh Lam. Có kỷ niệm vui thế này, tôi còn nhớ đi diễn, tôi mua cho mỗi người hai củ khoai, Lam ăn hết vẫn kêu đói, tôi lại đưa tiếp phần của mình cho Lam…
Tôi luôn ghi nhận những thành công của Thanh Lam. Năm 1991, thời điểm Lam thi Đơn ca nhạc nhẹ toàn quốc lần 2 và đoạt giải cao nhất, tôi thấy rất chính xác. Lam là giọng hát nhạc nhẹ nổi bật thời điểm đó.
Không ai phủ nhận tài năng, giọng hát của Thanh Lam và chị được coi là Diva hàng đầu của Việt Nam. Thanh Lam cũng là một trong những nghệ sĩ luôn tìm tòi, sáng tạo. Tuy nhiên, sự sáng tạo trong giọng hát, làm mới bài hát của chị không phải lúc nào cũng thuyết phục được số đông người nghe. Là nghệ sĩ nổi tiếng cùng thời, là người bạn cùng hoạt động âm nhạc với Thanh Lam, chị có cảm nhận thế nào về điều này?
Tôi nhìn nhận ở hai khía cạnh. Ở góc độ khán giả, sự sáng tạo, làm mới cách hát của Thanh Lam không phải lúc nào cũng được khán giả thích.
Tuy nhiên, đứng ở góc độ người nghệ sĩ tôi lại nghiêng về Thanh Lam. Nếu không có nghệ sĩ như Thanh Lam thì ai dám sáng tạo? Lam là người cầm lá cờ đầu trong sáng tạo dòng nhạc nhẹ. Tôi ghi nhận sự bứt phá của Thanh Lam. Vừa là một người chị vừa là một khán giả, đồng thời cũng là đồng nghiệp, tôi luôn chia sẻ một cách chân thành với Thanh Lam.
“Người ta vẫn nghi oan cho tôi và nhạc sĩ Trần Hoàn”
Với chất giọng trầm khàn, sâu lắng; hình ảnh nữ ca sĩ xinh đẹp vừa ôm đàn vừa hát đã đi vào trái tim si tình của không ít người trai thập niên 80-90. Nghe nói, chị được rất nhiều người hâm mộ, thư nhiều đến nỗi… không đọc hết?
Không chỉ trước đây, giờ tôi vẫn nhận được sự yêu mến của khán giả. Có những khán giả mấy chục năm, tôi chỉ biết qua thư, điện thoại. Họ vẫn luôn dõi theo và ủng hộ tôi. Bạn có tin không, giờ tôi vẫn nhận được những yêu cầu… hát qua điện thoại. Mùng 1 Tết tôi đang rửa rau cũng dừng lại “mừng tuổi” họ bằng lời hát, đang đi xe mà nhận được cuộc gọi thiết tha của fan hâm mộ chân thành tôi cũng dừng xe lại, có hôm đi làm về đêm khuya chuẩn bị đi ngủ lại nhận được lời tâm sự của người hâm mộ lại an ủi họ bằng đôi lời...
Còn để nói về những người theo đuổi tôi thì không ít. Có những người hàng năm trời, sáng đợi trước cửa nhà để đi theo tôi, chiều lại đợi trước cửa nhà hát để đi sau tôi. Rồi những người tặng đàn, những lá thư không thể kể hết.
Chị có nhiều người hâm mộ và theo đuổi như vậy, chồng chị, NSƯT Anh Tuấn có ghen không?
Tôi may mắn có người chồng như Anh Tuấn, anh hiểu, tin tưởng và rất cao thượng. Đã yêu thì ai mà không ghen? Nhưng điều quan trọng vẫn là cách cư xử của mình. Dù nhiều người dành tình cảm nhưng mình phải cư xử đúng mực, không dễ dãi.
Chị từng tâm sự rằng, “là người nghệ sĩ thì phải chấp nhận sống với áp lực và thị phi thêu dệt của người đời”. Mặt trái của sự nổi tiếng đã đem lại cho chị những phiền phức thị phi gì? Nghi vấn chuyện tình cảm giữa chị và nhạc sĩ Trần Hoàn có nằm trong những thị phi đó?
Nghĩ đến những đồn thổi đó, tôi thấy vừa thương vừa áy náy cho chú Trần Hoàn. Tôi đã từng xuống thăm mộ chú, thắp hương cho chú và nói chuyện với chú. Tôi nói: “Chú ơi, người đời người ta vẫn nghĩ sai về chú với cháu. Thật sự là chú ra đi rồi, cháu mới dám bày tỏ với chú rằng đúng là oan cho chú và cháu quá.”
Quả thực, tôi và nhạc sĩ Trần Hoàn chưa bao giờ có cuộc gặp mặt riêng. Tất cả những bài hát chú viết ra là cho nhiều người hát, chứ đâu riêng tôi? Bài “Thăm bến nhà Rồng”, tôi bị tiếng oan từ bài đó. Bài đó chú viết cho cô Trang Nhung hát cải lương ở Đài tiếng nói Việt Nam.
Tình cờ, tôi chuẩn bị đi thi Đơn ca chuyên nghiệp toàn quốc và muốn hát ca khúc đặt hàng nhạc sĩ nào đó. Chồng tôi gợi ý đến nhờ nhạc sĩ Trần Hoàn hoặc nhạc sĩ Thuận Yến. Hai vợ chồng tôi đến nhạc sĩ Trần Hoàn trước. Khi nghe tôi trình bày, chú nói cũng không mặn mà lắm: “Khó nhỉ, giọng nhạc nhẹ mà đi xin bài hát màu dân ca để đánh với đàn bầu…”.
Tôi cũng không nghĩ rằng những bài hát như "Thăm bến nhà Rồng", "Mưa rơi", "Lời Bác dặn trước lúc đi xa"; tôi đã thể hiện thành công đến như vậy. Từ đó, những bài hát này song hành cùng tôi trong nhiều năm qua và đã chắp cánh cho tôi thêm những thành công mới trong sự nghiệp ca hát của mình.
Kể từ ngày được biết chú, tôi cũng không hề nhận được bổng lộc hay ưu ái gì. Đối với chú, tôi đơn giản chỉ là một ca sĩ đã thể hiện những bài hát của nhạc sĩ Trần Hoàn mà thôi...
Xin cảm ơn NSND Thái Bảo về cuộc trò chuyện!
Nguyễn Hằng