1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

NSND Lê Khanh: Nhiều đêm, tôi thấy...tủi thân!

NSND Lê Khanh đã có 4 tháng tu nghiệp tại Nhật Bản. Từ chuyến đi này, chị có dịp được trải nghiệm, chứng kiến và rút ra nhiều bài học từ mô hình tổ chức biểu diễn sân khấu của Nhật Bản. NSND Lê Khanh đã dành cho An ninh Thủ đô một cuộc trò chuyện quanh chuyến đi đáng nhớ.

NSND Lê Khanh và nghệ nhân Yuki Magosaburo đời thứ 12 - Giám đốc Nhà hát Youkiza
NSND Lê Khanh và nghệ nhân Yuki Magosaburo đời thứ 12 - Giám đốc Nhà hát Youkiza

Tủi thân vì sự hạn chế của mình

- PV: Chuyến tu nghiệp vừa rồi đi “xuyên Tết”, chị đã thu xếp công việc gia đình như thế nào?

- NSND Lê Khanh: Tất cả đều một tay chồng tôi lo liệu. Anh vừa lo kiếm tiền, vừa nội trợ cơm nước, vừa chăm sóc bố mẹ tôi, lại vừa chăm con. Anh Thanh còn là cái thùng rác để tôi trút stress trong chuyến lưu diễn vừa rồi (cười).

- Đi học bồi dưỡng kiến thức mà cũng căng thế sao, thưa chị?

- Đạo diễn Nhật Bản đòi hỏi rất khắt khe, đi đến tận cùng của suy nghĩ. Diễn viên không chỉ học thuộc lời thoại của mình mà còn phải học thuộc lời thoại của tất cả các nhân vật để bắt thoại thật nhuần nhuyễn. Vở “Con vịt trời trúng độc” của Ibsen được dịch ra tiếng Nhật có nhiều từ cổ rất khó cắt nghĩa, trong khi ấy đạo diễn luôn đòi hỏi phải hiểu hơn, phải diễn đa chiều, sâu xa hơn nữa nên tôi đã rất căng thẳng. Nhiều đêm về, tôi thấy... tủi thân, ngồi khóc tấm tức vì sự hạn chế của mình.

- Thế khóc xong, chị đã làm gì?

- Những buổi tập căng thẳng, tôi đi lang thang, có khi đến 12 giờ đêm vẫn đang ngoài đường vẩn vơ với suy nghĩ, sao mình dốt thế, mãi vẫn chưa làm đúng ý đạo diễn. Tôi nhắn tin về cho chồng, trút bầu tâm sự. Khi về đến nhà thì không còn nghĩ đến đường lùi, buộc phải tiến, phải cố gắng, cuối cùng tôi cũng đã vượt qua.

- Vậy đêm diễn báo cáo, chị đã chứng minh điều gì với các bạn Nhật?

- Cảm giác của tôi là vui và yên tâm vì từ tâm sức con người cho đến vật chất mà các bạn đã dành cho Việt Nam không uổng phí. Sau đêm diễn, các thầy và các bạn Nhật Bản đã nắm tay tôi rất chặt. Có người đã hỏi tôi, sao chị diễn với rối hài hòa thế. Tôi trả lời, tôi có nghĩ đấy là rối đâu, các bạn nghĩ đấy chứ, hoặc tôi là một con rối to diễn bên cạnh những con rối bé. Tôi muốn chứng minh với khán giả, không có một khoảng cách nào giữa các loại hình nghệ thuật. Tất cả nằm ở việc suy nghĩ đến cùng để không bỏ cuộc.

NSND Lê Khanh trong vở “Con vịt trời trúng độc” biểu diễn tại Nhật Bản
NSND Lê Khanh trong vở “Con vịt trời trúng độc” biểu diễn tại Nhật Bản

Người Nhật trân trọng từng tấm vé

- Chị thấy cách người Nhật tìm khán giả có khác gì với sân khấu Việt Nam?

- Ở Nhật không có mô hình sân khấu công như ở Việt Nam và họ không bao giờ diễn miễn phí như ở Việt Nam. Ngay 6 buổi diễn của chúng tôi tại Nhật Bản, phía bạn cũng bán vé chứ không phát vé miễn phí. Trong lúc tập, vào lúc cuối buổi, lượng vé bán ra và còn bao nhiêu đều được thông báo tới diễn viên. Và họ luôn động viên các nghệ sỹ cùng tham gia bán vé, cùng gửi lời mời trên mạng xã hội tới bạn bè để họ đến rạp. Bản thân tôi cũng đã liên hệ với Đại sự quán Việt Nam tại Nhật Bản để kêu gọi cộng đồng Việt Nam đến xem đêm biểu diễn.

- So về cách làm, dường như các nhà hát Việt Nam thực hiện theo kiểu “trống dong cờ mở” nhưng không hiệu quả?

- Việc căng băng rôn ngoài đường phố không chỉ ảnh hưởng tới cảnh quan đường phố mà còn không phát huy hiệu quả bằng việc mỗi nhà hát xây dựng cho mình một mạng lưới cộng tác viên tham gia vào quá trình bán vé. Và đặc biệt, việc diễn miễn phí cho người xem đã tạo nên thói quen thưởng thức nghệ thuật “chùa” đối với khán giả Việt Nam. Như thế, không biết đến bao giờ, nghệ thuật mới tiến lên được. Chưa kể, người Việt tác phẩm dàn dựng xong chỉ diễn vài lần rồi “đắp chiếu”, vô cùng lãng phí.

- Thế người Nhật có bày cho chị cách gì để tác phẩm tiếp tục “sống”?

- Tôi đã chứng kiến một quy trình sản xuất và giới thiệu sản phẩm một cách chuyên nghiệp, trách nhiệm và tiết kiệm. Từ những sân khấu nhỏ đến sân khấu lớn, có sân khấu bán vé trước đó cả 2 năm và hoàn toàn không có lối làm theo kiểu “loa phường”. Họ cứ âm thầm làm, âm thầm rỉ tai nhau để kéo khán giả đến rạp. Vì là sân khấu tư, tiền của cá nhân bỏ ra đầu tư nên không thể tùy tiện “đổ đi”, tất cả đều được tính toán, cân nhắc. Tác phẩm dựng ra là để phục vụ khán giả nên có cả bộ phận đi nghiên cứu thị trường, thị hiếu thưởng thức của khán giả. Một sản phẩm được làm ra đầy trách nhiệm, trân trọng từng tấm vé. Và để tác phẩm sống được, yếu tố tiên quyết đến từ chính giá trị tác phẩm.

Cuối cùng vẫn là giá trị tư duy nghệ thuật

- Thử lấy tác phẩm “Con vịt trời trúng độc” làm ví dụ, chị và ê kíp sẽ nối dài tác phẩm như thế nào?

- Như các bạn nói, dự án sẽ không dừng lại ở đó nên ở tác phẩm này, sau khi diễn tại Hà Nội, Hải Phòng, chúng tôi sẽ tiếp tục biểu diễn tại 2 festival quốc tế. Ở Việt Nam, chúng tôi cũng cố gắng áp dụng hình thức bán vé biểu diễn như ở Nhật nhưng cũng cân nhắc và dung hòa về lượng khán giả. Thay đổi thói quen thưởng thức tác phẩm miễn phí của khán giả “đột ngột” rất dễ dẫn đến “đột quỵ” (cười).

- Nói vậy thôi, chứ người Nhật chắc cũng phải ngưỡng mộ sân khấu Việt Nam nhiều điều?

- Nhiều người làm sân khấu Nhật Bản rất ngưỡng mộ mô hình đầu tư sân khấu công của Việt Nam về nguồn nhân lực, lương, cơ sở vật chất, tiền dàn dựng… Song chính vì thế, các bạn cũng vô cùng tiếc tại sao Việt Nam không tìm cách bán vé để sự sống của tác phẩm được nối dài. Sau khi xem mấy chục vở diễn và trải nghiệm dàn dựng trực tiếp

“Con vịt trời trúng độc” giúp tôi hiểu rằng, tiền không phải tất cả để đảm bảo chất lượng.

Nếu bạn có trong tay nhà hát với nhiều công năng, đầy đủ diễn viên không đồng nghĩa với bạn có thể dựng được các tác phẩm lớn và có sức sống lâu dài. Tất cả những thứ đó chỉ là tiền đề, còn thiếu đi nền nếp làm việc, chuẩn mực văn hóa ứng xử, tôn trọng tài năng của nhau từ người lao công đến lãnh đạo thì cũng không thể có được không khí nghệ thuật. Và cái cuối cùng giá trị nhất chính là tư duy nghệ thuật.

- Từ những điều đã được học, chị có ý định sẽ “mạnh tay” thay đổi không khí làm việc ngay tại nơi đang công tác?

- Tôi luôn luôn hy vọng sẽ có một ngày…

- Xin cảm ơn NSND Lê Khanh!

Theo Phạm Thu Hương
An Ninh Thủ Đô